AI* & dịch sách, tương lai sáng tạo văn chương của AI

Ngày 4 tháng 5 năm 2024, tại ngôi nhà Ý (Casa Italia), nơi trưng bày nét văn hóa Italia, số 18 Lê Phụng Hiểu Q. Hoàn Kiếm tp. Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm AI và dịch sách, một hoạt động trong chuỗi sự kiện của 'Những ngày văn học châu Âu' năm nay. Diễn giả được Đại sứ quán Ý mời đến chia sẻ trong tọa đàm là những nhà văn, dịch giả nữ.

Các diễn giả tại tọa đàm

Chủ trì và khai mạc tọa đàm là ông Mattia Farris, phó đại sứ Italia tại Việt Nam. Người làm MC dẫn chương trình là nữ trưởng phòng du học trường đại học Uni Italia Trần Hồng Hạnh. Khách mời tham dự và tham gia tọa đàm có nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà văn Di Li, dịch giả, biên tập viên NXB Kim Đồng Thanh Thủy, dịch giả Phương Nga, Phương Lan, ca sĩ - dịch giả Hiền Nguyễn... Nhiều nhà văn, nhà báo, dịch giả trong và ngoài nước, một số học sinh, sinh viên chuyên ngữ đã cùng tham dự.

Sau phát biểu khai mạc, Phó đại sứ Italia – ông Mattia Farris - tặng hoa các nữ khách mời tọa đàm. Nhà văn Di Li phát biểu quan điểm của chị về AI trong dịch thuật, liệu AI có làm nghề dịch và nhiều nghề biến mất…; nhà văn Kiều Bích Hậu chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác và chuyển ngữ các tác phẩm văn chương của các nhà thơ, dịch giả quốc tế vừa chia sẻ trong sự kiện văn chương quốc tế diễn ra tại thủ đô Maroc nửa cuối tháng 4 vừa qua. Nữ nhà văn cùng các dịch giả, biên tập các thể loại sách, các dịch giả thơ đã phát biểu nhận xét và rút ra kinh nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc sáng tác, dịch, chuyển ngữ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại của mình, nhìn chung khen ngợi, đồng tình với quan điểm rằng, ứng dụng AI có nhiều tiến bộ, tốc độ nhanh, chính xác hơn Google dịch, nhưng cũng không ít người chê sự khô cứng ngây ngô của AI, không nhân tính và không thể diễn tả cảm xúc riêng có của con người… Hầu hết các ý kiến nhận xét đều nghiêng về khả năng trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra có giá trị để hỗ trợ con người, nhưng không thể thay thế được con người, không giỏi hơn con người trong sáng tạo văn chương, nhất là sáng tác thơ.

Chỉ khi có ý kiến của một người tham dự là một nữ chuyên viên công nghệ thông tin kiêm cây bút tự do, dịch giả tên là Đào Thị Yến, về sự phát triển rất nhanh và thông minh vượt bậc của AI đang đe dọa lấn lướt trí tuệ của chính bạn ấy thì hình như cả khán phòng chùng lại, hình như mọi người tự liên tưởng mở ra, nhận thấy cá nhân mình chưa hiểu biết nhiều về AI và sự thông minh, tính ưu việt của AI thật sự vượt trội rất nhanh.

Để lí giải những đánh giá và nhận định về AI, nhiều chuyên gia khoa học các lĩnh vực, đặc biệt chuyên về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã viết và phân tích đánh giá về khả năng của AI và báo động qui định đạo đức cho AI, nhiều bài đăng về chuyên đề này, đều khẳng định về AI rồi, hầu như đều nhận định AI không thể thay thế cảm xúc của con người. Nhưng hầu hết chỉ là nhận định phỏng đoán chứ chưa tính đến phân tích dự báo khoa học.

Ngài Phó Đại sứ Italia Mattia Farris cùng các diễn giả chụp ảnh chung với khán giả tọa đàm

Qua đọc các bài trước đó và nghe các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm này, khích lệ tôi đi tìm câu trả lời về nhận định dự báo AI có thể viết văn làm thơ thay thế con người và vượt trội, hay hơn con người được không? Thì cũng như các môn khoa học khác muốn biết khoa học công nghệ AI đi đến đâu, vẫn phải lấy khoa học triết học, khoa học tâm lí giải phẫu trí tuệ tinh thần và cảm xúc con người làm căn cứ để giải phẫu phân tích nhận định: Triết học biện chứng của C. Mác về qui luật phạm trù: cái riêng cái chung và cái đơn nhất thì đã biết, mỗi con người là một cái riêng, nhưng tổng hợp lại những thuộc tính tự nhiên và xã hội của các con người lại là cái chung của con người. Mặt khác xem trong từng con người cụ thể lại có những phẩm chất rất riêng, độc nhất mà ở bất cứ người nào khác không có, như vậy gọi là cái đơn nhất trong con người riêng. Rồi ta xem đến trí tuệ, cảm xúc của con người đều là những mặt ta tách bạch ra nằm trong mặt tinh thần của con người và đi đến tận cùng thì trí tuệ và cảm xúc lại sít gần nhau chồng lấn…, đấy là nói về con người bằng xương bằng thịt. Trí tuệ nhân tạo là sản phẩm của con người tạo ra nhưng ưu việt vượt trội, sự thông minh tổng hợp tích hợp với khối lượng dung lượng vượt tầm vóc não người gấp nhiều lần, xử lí tư duy để chọn lọc chọn lựa xác suất tối ưu hóa cũng sẽ gấp nhiều lần so với bộ não con người, như thực tế khoa học cơ giới hóa đã thay thế sức con người vậy, còn về mặt cảm xúc riêng có của con người thì từ lập luận trên suy ra nếu AI mà lập trình riêng cho người nào đấy thì với độ thông minh của nó sẽ dễ tìm ra và lập trình rất nhanh chóng, đầy đủ qui luật cảm xúc của người đó, không khó để AI lập trình được cái tạng cái giọng điệu thơ của nhà thơ nào đó, thậm chí AI còn có khả năng diễn tả cảm xúc nổi trội trong sáng tác tác phẩm giúp người đó chứ. Đấy là cảm nhận dự báo của tôi về AI là như thế, nghĩa là đồng tình với những nhà khoa học chuyên về công nghệ AI đã ra thông điệp. Mặt khác về văn chương, đặc biệt là làm thơ, AI cũng dự báo sẽ thay thế được con người riêng và nói chung AI sẽ là công cụ hỗ trợ chính mọi mặt đời sống cho con người trong tương lai không xa.

_______________

*Trí tuệ nhân tạo

Văn Diên. Ảnh: Trần Mạnh Tuân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ai-and-dich-sach-tuong-lai-sang-tao-van-chuong-cua-ai-a24660.html