Ai đem hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên đến Viện 108?

(Kienthuc.net.vn) - Ý kiến của KS Nguyễn Thành Lập, cựu sĩ quan cao cấp công an về ba vấn đề cần làm sáng tỏ quanh việc giám định phần đầu liệt sĩ Phùng Chí Kiên...

Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội giải trình phần đầu LS PCK tại hội thảo.

Ý kiến này được gửi đến tòa soạn sau "Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên (LS PCK)". Ba vấn đề cần làm sáng tỏ đó là:

Thứ nhất, phần còn lại hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên (sau khi đi tìm kiếm) đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn bàn giao cho Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng và đại diện họ tộc (Tướng Phùng Chí Kiên) nhận từ ngày 8/5/2008 (có biên bản bàn giao tại địa điểm Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng).

Nhưng hơn ba tháng sau (đến ngày 15/8/2008), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn lại tiến hành bàn giao mẫu vật, nghi là một phần hài cốt (LS PCK) cho Viện Pháp y Quân đội tiếp nhận, tại Khoa Giải phẫu bệnh lý, Bệnh viên T.Ư Quân đội 108 (có biên bản bàn giao ngày 15/8/2008).

Như vậy, mẫu vật nêu trên, mà Viện Pháp y Quân đội được tiếp nhận, có đúng là phần còn lại hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên đã bàn giao cho Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (từ ngày 8/5/2008) hay không? Nếu đúng thì ai đem mẫu vật đến Bệnh viện 108? Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng hay Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn "đòi lại" từ Nhà tang lễ (để đem đến gửi tại Bệnh viện 108)? Và thời gian lúc đó (vào ngày, tháng nào)? Có ai đại diện Bệnh viện 108 tiếp nhận bảo vệ mẫu vật?...

Thứ hai, theo công văn số 418, ngày 21/8/2008 của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng yêu cầu Viện Pháp y Quân đội tiến hành phân tích mẫu vật, có bao gồm cả việc giám định ADN (để xác định một phần hài cốt LS PCK), như chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tại công văn số 302, ngày 17/7/2008) hay không?

Tất nhiên, về khoa học phân tích đúng là có răng hàm người còn rắn chắc (trong số mẫu vật) - đủ điều kiện kỹ thuật có thể giám định ADN, thì "dứt khoát" Viện Pháp y Quân đội sẽ phải tiến hành lấy mẫu móng tay, hoặc mẫu máu một số người còn sống, trong họ tộc Tướng Phùng Chí Kiên. Còn trường hợp không phải là răng người, thì đương nhiên khỏi phải giám định ADN - làm gì.

Thứ ba, Tướng Phùng Chí Kiên khi cưới vợ vắng mặt chú rể và suốt thời gian có vợ nhưng chưa về gặp vợ lần nào, vì vậy chưa có con cho đến lúc hy sinh (năm 1941). Cho nên, đến nay gia đình chỉ còn những người trong họ tộc.

Do đó, việc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn bàn giao mẫu vật (nghi là một phần hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên) cho Viện Pháp y quân đội, có bắt buộc phải báo với họ tộc (Tướng Phùng Chí Kiên) đến để giám sát, chứng kiến hay không?

KS Nguyễn Thành Lập (cựu sĩ quan cao cấp công an)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ai-dem-hai-cot-tuong-phung-chi-kien-den-vien-108-280195.html