Ai có thẩm quyền ra quyết định, ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng?

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN và Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trong đó bao gồm ngân hàng, một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, …) thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong một số trường hợp.

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN và Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trong đó bao gồm ngân hàng, một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, …) thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng các trường hợp sau:

(1) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

(2) Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi Có ghi nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền;

(3) Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Trong đó, việc phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành. Theo quy định của pháp luật thì không phải chủ thể nào cũng có thẩm quyền ra lệnh, quyết định phong tỏa tài khoản ngân hàng.

- Trong hoạt động thanh tra, theo quy định tại Điều 41 Nghị định 43/2023/NĐ-CP, Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra khi có căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản để phục vụ cho hoạt động thanh tra.

- Trong hoạt động tố tụng dân sự, theo quy định tại Điều Khoản 10 Điều 114 và Điều 124 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, phong tỏa tài khoản là một biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hình án khi trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước. Khi có yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản: (i) Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền ra quyết định; (ii) Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định.

- Trong hoạt động thi hành án dân sự, theo quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản. Chấp hành viên là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa.

- Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, theo quy định tại Điều 126, Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp cưỡng chế để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Những chủ thể có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Hà Huy Phong

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/ai-co-tham-quyen-ra-quyet-dinh-ra-lenh-phong-toa-tai-khoan-ngan-hang-121212.html