Ai có nguy cơ mắc bệnh ghẻ?

Bệnh ghẻ phổ biến và có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc các đồ vật của người nhiễm bệnh như quần áo, chăn mền hay giường ngủ.

Tôi đang sống cùng phòng với một người bạn vừa được chẩn đoán mắc bệnh ghẻ. Xin hỏi bác sĩ tôi có nguy cơ bị lây ghẻ không và nên phòng ngừa như thế nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, Bệnh viện Da liễu TP.HCM

Ghẻ là bệnh ngoài da rất phổ biến do ký sinh trùng gây ra. Nó có tên con cái ghẻ. Bệnh này dễ lây lan, gây ngứa, khó chịu, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh do gãi nhiều.

Ghẻ lây lan qua 2 con đường:

- Tiếp xúc trực tiếp qua những vị trí như kẽ móng tay, chân hoặc sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, nước nhiễm bẩn.

- Lây nhiễm qua da: Con cái ghẻ sẽ xâm nhập vào da khi người lành tiếp xúc các đồ vật của người bệnh như quần áo, giường ngủ, chăn gối. Các hành động như bắt tay, ôm, ngủ cùng giường hay quan hệ tình dục cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo Bộ Y tế, ghẻ gây ra những vết mụn nước trên nền da lành, rải rác, riêng lẻ, thường ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, ngực, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước hay gặp ở lòng bàn tay và chân.

Những ai tiếp xúc gần gũi với người bị ghẻ đều có thể mắc bệnh này. Do đó, nguyên tắc chung khi điều trị ghẻ là điều trị cho mọi người trong gia đình, tập thể, nhà trẻ... nếu phát hiện bất kỳ ai mắc bệnh.

Để phòng bệnh, mọi người cần vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ, phát hiện và điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.

Độc giả Kiều My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-co-nguy-co-mac-benh-ghe-post1407650.html