AI chưa phải đối thủ của dân đồ họa

Trần Long (TP.HCM) đã tận dụng các chương trình AI để thực hiện sản phẩm, như hình ảnh của rapper Double2T. Theo anh, AI cũng chỉ là 'đối tác', không phải 'đối thủ'.

"Với tôi, AI là công cụ để thực hiện hóa ý tưởng của nghệ sĩ. Tôi xem việc sử dụng AI không khác gì Photoshop, Illustrator", Trần Long (sinh năm 1994, TP.HCM), người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành sáng tạo và thiết kế đồ họa, chia sẻ với Tri Thức - ZNews.

Công việc hiện tại của Long là đạo diễn hình ảnh (Art Director) cho thương hiệu thời trang tại TP Thủ Đức. Sử dụng AI giúp anh rút ngắn thời gian thiết kế, tăng thêm nhiều ý tưởng trong quá trình sáng tạo, mang lại hiệu suất tốt hơn nhưng không làm thay đổi quy trình làm việc.

Theo công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, trí tuệ nhân tạo đã giải phóng thời gian cho các khâu thử nghiệm, tinh chỉnh thiết kế, tìm kiếm nhà cung cấp, tối ưu sản xuất và và là trợ lý đắc lực cho những lao động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, sáng tạo. Thậm chí các công cụ AI đã giúp giảm thời gian phát triển sản phẩm tới 70%.

Dù có thể tạo ra sản phẩm với tốc độ "khủng khiếp", generative AI (AI tạo sinh) cũng không thay thế được những chuyên gia trong lĩnh vực. McKinsey cho rằng trong thiết kế, trí óc con người vẫn là yếu tố then chốt để đánh giá hàng loạt ý tưởng do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Kết luận này có sự tương đồng với nhận định của TS. Lê Triệu Hoàng Anh, chuyên ngành Thiết kế và Truyền thông đa phương tiện, cựu Phó Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị Đại học Văn Hiến, Giám đốc tiếp thị tại DCI Interior Co.

"Công nghệ AI dù thông minh đến đâu cũng thiếu 'linh hồn' và cái nhìn thẩm mỹ độc đáo của con người", bà chia sẻ với Tri thức - Znews.

Đối thủ hay đối tác?

Tùy thuộc vào từng dự án, Trần Long sẽ ứng dụng AI vào các khâu khác nhau trong quy trình. Hai phần mềm thường được anh sử dụng trong quá trình làm việc là Midjourney và Stable Diffusion.

Trong đó, ở phần tiền kỳ sản xuất, đạo diễn hình ảnh sẽ sử dụng Midjourney để lên ý tưởng trước cho các buổi chụp. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp anh hình dung được khung cảnh mà mình muốn tạo ra ở thực tế.

AI giúp Long có nhiều cảm hứng hơn khi làm việc.

Ở khâu hậu kỳ, Long thường dùng các chương trình AI để thực hiện hóa những ý tưởng của mình, như thêm hiệu ứng hoặc thay đổi bối cảnh trong khung hình.

Không xem AI là đối thủ, Long xem trí tuệ nhân tạo như một đối tác. Tuy nhiên, để có thể "hợp tác" với AI, anh cho rằng nhân sự trong ngành sáng tạo hay những người thiết kế cần phải cập nhật kiến thức để điều khiển được công cụ một cách hiệu quả.

“Kiến thức về AI tôi đều tự tìm hiểu thông qua YouTube và trên website của nhà phát triển. Đến hiện nay, tất cả kiến thức này đều là miễn phí, dễ tiếp cận”.

Trong khi đó, Thanh Vy (24 tuổi, TP.HCM) cũng sẵn sàng chi 200.000 đồng/tháng cho Midjourney. Công cụ này giúp cô tìm kiếm hình ảnh phục vụ cho công việc mô tả bối cảnh

Tất cả sản phẩm đến tay khách hàng đều hoàn toàn do cô sáng tạo. Tuy nhiên, nhờ có công cụ AI trên, Vy tiết kiệm được nhiều thời gian tìm cảm hứng.

"Tôi mới chỉ tiếp xúc với công nghệ này khoảng 6 tháng, còn nhiều bỡ ngỡ. Hiện tôi chỉ mới tiết kiệm được hơn 10% thời gian cho cả một dự án. Trong tương lai, tôi hy vọng mình sẽ thuần thục hơn”, Vy nói.

Thanh Vy đang cố gắng cải thiện kỹ năng sử dụng các công cụ AI.

Giống như Long, Thanh Vy chủ động tự học về các phần mềm AI qua video trên YouTube. Cô chưa "xuống tiền" vào các khóa học hoặc workshop dạy về trí tuệ nhân tạo bởi chưa tìm được nơi nào uy tín. Ngoài ra, học phí "trên trời" cũng là điều khiến Vy cân nhắc.

Tuy nhiên, việc tự học cũng có nhiều khó khăn. Đến nay, trợ lý đạo diễn hình ảnh 24 tuổi vẫn đang loay hoay với các câu lệnh để đạt được kết quả thiết kế mong muốn. Không ít lần Midjourney trả cho cô lại sản phẩm trái ngược hoàn toàn.

Tương tự nhiều đồng nghiệp trong ngành sáng tạo, Thanh Vy cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bản quyền. Theo trợ lý đạo diễn hình ảnh 24 tuổi, bản quyền là một công cụ khuyến khích chứ không phải “tiêu diệt" sự sáng tạo. Bên cạnh đó, đây cũng là lớp “áo giáp" bảo vệ công sức và sản phẩm của người làm trong ngành sáng tạo.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô cho biết không thể phủ nhận sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đã mang lại cho ngành thiết kế, song sản phẩm vẫn nên được tạo ra bởi con người.

“Đặc biệt, một sản phẩm lạm dụng AI có thể gây mất cảm tình với khách hàng. Thông qua các sản phẩm, người thiết kế thể hiện chất riêng và phong cách cá nhân. Đây là một trong những yếu tố khiến khách hàng quyết định 'book' một tổ chức hoặc người thiết kế nào đó thực hiện hóa ý tưởng của họ”, cô nói thêm.

Sử dụng AI trong đồ họa thế nào cho đúng

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS. Lê Triệu Hoàng Anh nhận định trong tương lai AI sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực đồ họa.

"AI đang giúp chúng ta biến những giấc mơ thiết kế thành hiện thực, từ những hình ảnh siêu thực mà bạn chỉ thấy trong tưởng tượng, cho đến những mô hình 3D chân thực đến mức khó tin", bà nói.

Song song với đó, thị trường lao động đang dần đổi mới với sự phát triển vượt bậc của AI. Điều này đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với những nhân sự thuộc nhóm ngành này.

TS. Lê Triệu Hoàng Anh nhận định trong tương lai AI sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực đồ họa.

"AI có thể làm mọi thứ với giá bằng 1 ly cà phê. Do đó, những người làm công việc sáng tạo phải chạy đua không chỉ với thời gian mà còn với cả máy móc", chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Anh, AI chưa thể thay thế được năng lực thẩm mỹ độc đáo của con người. Do đó, đây là thời điểm các lao động trẻ trong lĩnh vực cần phải biến thách thức thành cơ hội, học cách làm bạn với AI thay vì coi đó là "kẻ thù".

"Ví dụ, bạn có thể sử dụng AI để tạo ra những bản phác thảo sơ bộ, sau đó sử dụng bàn tay và trí óc của mình để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có hồn. Hoặc bạn có thể tận dụng AI để phân tích xu hướng thị trường, rồi áp dụng những hiểu biết đó vào thiết kế, đảm bảo sản phẩm cuối cùng không chỉ đẹp mắt mà còn hợp xu hướng", bà giải thích.

Để không bị tụt hậu, đào thải khỏi thị trường, những người làm trong lĩnh vực đồ họa cần phải mở rộng tầm nhìn, không chỉ giới hạn ở ngôn ngữ thiết kế mà còn phải hiểu biết về công nghệ, marketing, thậm chí là tâm lý học...

Việc phát triển kỹ năng mềm như tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, và khả năng thích ứng cũng rất quan trọng để duy trì sự sáng tạo và độc đáo trong công việc".

Ngoài ra, chuyên gia khẳng định mọi người nên xem AI là công cụ, trợ lý đắc lực chứ không phải là đối thủ.

"Trong cuộc đua này, điều quan trọng không phải là bạn 'chạy nhanh' như thế nào mà là bạn 'chạy thông minh' ra sao. Quan trọng nhất, đừng để AI cướp đi sự sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật của bạn", bà nhấn mạnh.

Mỹ Trinh - Như Phương

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-chua-phai-doi-thu-cua-dan-do-hoa-post1463575.html