Ai chịu trách nhiệm trong vụ lật tàu SE3 ở Quảng Bình?

Vụ lật tàu ở Quảng Bình gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường sắt, vậy câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm trong những vụ tai nạn này?

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Nguyên nhân phần lớn được cho là do chủ phương tiện. Tuy nhiên để xảy ra tai nạn nghiêm trọng và liên tục như hiện nay, nhiều người cho rằng địa phương không thể "phủi" trách nhiệm.

Hiện trường vụ tai nạn lật tàu SE3 ở Quảng Bình.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Đường sắt 2005; Quyết định 994/2014 về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; các nghị quyết, nghị định và đặc biệt Quy chế phối hợp số 05/2016 giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ GTVT đều quy định rất rõ trách nhiệm của các bên. Trong đó, địa phương là nơi chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tai nạn tại các lối đi dân sinh.

Đặc biệt, thông cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng nêu rõ vị trí trên đã được đơn vị rào thu hẹp từ tháng 4-2017 (có xác nhận của chính quyền địa phương), cắm biển “Chú ý tàu hỏa” và bàn giao cho chính quyền địa phương. "Như vậy, trách nhiệm còn lại phần lớn thuộc về chính quyền địa phương..." - một lãnh đạo ngành đường sắt khẳng định.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh-An toàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cũng cho rằng ngoài nguyên nhân chủ quan, việc để xảy ra tai nạn này một phần lớn có trách nhiệm của địa phương. "Chắc chắn sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị khởi tố để xử lý nghiêm những trường hợp này, kể cả tài xế và chủ phương tiện" - ông Chiến nhấn mạnh.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết vị trí xảy ra tai nạn ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương rào chắn nhằm mục đích không cho xe cơ giới qua được. "Sau khi rào chắn, chúng tôi đã bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tuy nhiên, lái xe vẫn cố tình dùng mọi cách để đi vào đường sắt và gây hậu quả rất nghiêm trọng".

Theo ông Hoạch, các quy chế phối hợp cũng đã nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương có đường sắt đi qua cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông: "Nhưng thời gian qua tai nạn đường sắt vẫn xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng, đó là điều rất đáng tiếc..." - ông Hoạch nhấn mạnh.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/ai-chiu-trach-nhiem-trong-vu-lat-tau-se3-o-quang-binh-725075.html