Ai chịu trách nhiệm quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Đã đến lúc Quỹ BOG xăng dầu nên thu về một đầu mối quản lý, thay vì để tình trạng 'cha chung không ai khóc', 'đá bóng trách nhiệm' giữa các cơ quan liên quan. Hơn nữa, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên để quỹ BOG trong tài khoản của doanh nghiệp, dù có đề xuất thêm quy định ngân hàng được phong tỏa và doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán…

Có thể nói vụ việc chiếm dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu của Xuyên Việt Oil, hay tài khoản Quỹ BOG của Thủy bộ Hải Hà bị một ngân hàng cấn nợ, dù mới đây đã trả lại số tiền. Những sự vụ trên giống như “giọt nước tràn ly”, cũng như chỉ dấu cho thấy sự bất ổn trong cách quản lý Quỹ BOG xăng dầu.

‘Siết’ quản lý Quỹ BOG xăng dầu đã ổn?

Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây, Bộ Công Thương đã bổ sung một số quy định “siết” quản lý Quỹ BOG xăng dầu nhưng vẫn giao cho DN đầu mối giữ, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ BOG của doanh nghiệp, định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/8, ngày 15/2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về Quỹ BOG xăng dầu về Bộ Tài chính, Công Thương)…”.

Trước khi lãnh đạo Xuyên Việt Oil bị bắt, doanh nghiệp này vẫn đang nắm giữ 219 tỷ đồng tiền Quỹ BOG của người dân.

Trước khi lãnh đạo Xuyên Việt Oil bị bắt, doanh nghiệp này vẫn đang nắm giữ 219 tỷ đồng tiền Quỹ BOG của người dân.

Riêng báo cáo tình hình thực hiện Quỹ BOG (số dư Quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được trích lập, chi sử dụng Quỹ, tổng số tiền trích lập và chi Quỹ…) được yêu cầu gửi cơ quan quản lý trước ngày 15 hằng tháng.

Tuy vậy, chia sẻ với VnBusiness, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nêu quan điểm: ông không đồng tình với đề xuất để doanh nghiệp đầu mối giữ quỹ mà phải giao về một trong 2 cơ quan của Chính phủ là Bộ Công Thương hoặc bộ Tài chính.

Lý giải quan điểm này, ông Hòa phân tích: Nếu doanh nghiệp đầu mối sử dụng Quỹ BOG giá, đương nhiên về trách nhiệm họ phải trả lại, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận trong tình cảnh doanh nghiệp phá sản, mất khả năng cân đối dòng tiền, thậm chí “ông chủ” đã đi tù… thì lấy đâu tiền để trả cho người dân.

“Lúc đó, báo cáo kiểm toán, ngân hàng vào cuộc thì mọi việc đã xong, vậy ai sẽ đi đòi tiền hộ người dân, hay lại “đá bóng”, đổ thừa trách nhiệm cho nhau”, ông Hòa nói.

Theo đại biểu Hòa, những quy định siết quản lý trên có chăng vẫn là câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Chính phủ phải phân công cho một Bộ quản lý chuyên về Quỹ BOG xăng dầu. “Tôi nghĩ, Bộ Tài chính quản lý là hợp lý vì liên quan tới tiền”, ông nêu quan điểm.

Ngoài ra, ngay từ khi bàn thảo sửa đổi Luật Giá, bản thân ông đã tham gia góp ý với nội dung không đồng ý giao Quỹ BOG xăng dầu cho DN đầu mối quản lý, bởi đây là tiền của người dân. Hậu quả, “ai cũng đã thấy, một số DN đã lợi dụng kẽ hở trong chính sách để tìm cách chiếm dụng, xài chùa”, đại biểu Hòa nói.

Đưa về Bộ quản lý thì cũng cần công khai, minh bạch

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo sửa đổi Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm quản lý Quỹ BOG xăng dầu.

Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây, Bộ Công Thương đã bổ sung một số quy định “siết” quản lý Quỹ BOG xăng dầu nhưng vẫn giao cho DN đầu mối giữ.

Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây, Bộ Công Thương đã bổ sung một số quy định “siết” quản lý Quỹ BOG xăng dầu nhưng vẫn giao cho DN đầu mối giữ.

Về đề nghị trên, Bộ Công Thương cho biết theo quy định của Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, việc hướng dẫn thủ tục, trích lập và sử dụng, quản lý quỹ, giám sát việc thực hiện quỹ… đều là trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu, thời điểm sử dụng, số trích lập và số sử dụng, số dư Quỹ BOG xăng dầu hằng quý.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi Chính phủ phải quyết định xem ai phải quản lý, trách nhiệm ra sao với Quỹ BOG xăng dầu. “Cá nhân tôi cũng đồng thuận quan điểm nên để Bộ Tài chính quản lý quỹ thay vì cho DN đầu mối”, bởi đây là tiền của người dân.

Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính có thể lập hội đồng có sự tham gia của các DN đầu mối, cơ quan có liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Làm sao sử dụng Quỹ BOG một cách hiệu quả nhất, đúng như tên gọi bình ổn thị trường.

“Tuyệt đối chúng ta phải có giải pháp quản lý, tránh để 2 Bộ đá bóng trách nhiệm, lời qua tiếng lại. Nếu giao về Bộ Tài chính, Bộ trưởng của Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về việc sử dụng, quản lý số tiền này”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), đồng ý quan điểm nên giao trách nhiệm quản lý quỹ BOG xăng dầu về một đầu mối, cụ thể là Bộ Tài chính với chức năng quản lý ngân sách.

“Dù số tiền của Quỹ BOG là của người dân, không phải ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quản lý với Bộ Tài chính cũng không hề gặp khó khăn gì. Quan trọng hơn, khi thu về một đầu mối, quản lý sẽ được tập trung và trách nhiệm khi thất thoát quỹ sẽ được làm rõ”, ông nói.

Đáng lưu ý hơn cả, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh, dù khi đưa quản lý quỹ BOG xăng dầu về Bộ Tài chính thì chính sách cũng cần có cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công khai, trách thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ai-chiu-trach-nhiem-quan-ly-quy-binh-on-gia-xang-dau-1096446.html