Ai Cập: Người biểu tình tiếp tục thách thức Tổng thống

(VnMedia) - Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman hôm qua (8/2) thông báo, Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định áp dụng thêm một bước đi nữa để tiến tới những cải cách dân chủ. Theo đó, ông này đã thông qua việc thành lập một ủy ban giám sát những thay đổi về hiến pháp. Đây là động thái của Tổng thống Mubarak nhằm tiếp tục xoa dịu sự tức giận của người dân Ai Cập. Tuy nhiên, bất chấp sự nhượng bộ của Tổng thống, người biểu tình kiên quyết không chịu lùi bước.

Một em bé tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập. Tổng thống nhượng bộ "Tổng thống đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban có nhiệm vụ giám sát những sửa đổi về luật pháp và hiến pháp được yêu cầu," Phó Tổng thống Suleiman thông báo trên đài truyền hình quốc gia ngày hôm qua sau cuộc họp ngắn với Tổng thống Mubarak về kết quả cuộc đối thoại quốc gia trước đó. "Tổng thống cũng đã giao nhiệm vụ cho Thủ tướng thành lập một ủy ban phụ trách việc thực hiện các quyết định được các bên đưa ra trong cuộc đối thoại quốc gia mới đây”, ông Suleiman nói thêm. Ủy ban này sẽ hoàn thành công việc được giao vào cuối tháng Hai. Theo Phó Tổng thống Suleiman, Ai Cập đã có một thời gian biểu cho quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có tổ chức. Ông Suleiman đã bắt đầu thảo luận với đại diện các phe nhóm đối lập, trong đó có tổ chức Muslim Brotherhood (Anh em Hồi giáo) nhằm vạch ra kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp dân chủ. Ngoài những bước đi trên, trước đó, chính phủ Ai Cập cũng đã thông báo tăng lương 15% cho 6 triệu công nhân viên chức ở nước này trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự tức giận của người dân trong hai tuần biểu tình vừa rồi. Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu nổ ra trên khắp đất nước Ai Cập từ hôm 25/1 với lời kêu gọi Tổng thống Mubarak từ chức. Tuy nhiên, ông Mubarak – người đã cầm quyền trong suốt 30 năm qua, vẫn không chịu đáp ứng lời kêu gọi của người biểu tình. Ông Mubarak đưa ra lý do là nếu ông từ chức vào thời điểm này, đất nước Ai Cập sẽ rơi vào hỗn loạn. Thay vì từ chức, Tổng thống Mubarak đã tìm nhiều cách và đưa ra nhiều lời cam kết nhằm xoa dịu lòng dân, dập tắt các cuộc biểu tình hiện nay. Người biểu tình kiên quyết không lùi bước Bất chấp những nỗ lực trên của Tổng thống Mubarak, hàng trăm nghìn người hôm qua (8/2) đã đổ về Quảng trưởng Tahrir ở trung tâm thủ đô Ai Cập và nhiều thành phố trên khắp đất nước này trong một cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay nhằm tiếp tục thách thức ông Mubarak. Người biểu tình yêu cầu ông Mubarak từ chức ngay lập tức. Ở thủ đô Cairo, đám đông khổng lồ đã hò reo vang trời khi Wael Ghonim – người mà họ coi là một anh hùng, được phóng thích sau 12 ngày bị các lực lượng an ninh bắt giữ. Đó là một nhà hoạt động mạng và là một giám đốc điều hành Google. Chính trang Facebook của anh này đã khởi động chiến dịch biểu tình chống chính phủ ở đất nước Ai Cập từ hôm 25/1 đến nay. Các phóng viên AFP có mặt tại khu vực quảng trường Tahrir khẳng định, cuộc biểu tình ngày hôm qua là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chiến dịch chống chính phủ được phát động hồi tháng trước. Các nhân chứng ở thành phố lớn thứ hai Ai Cập – Alexandria cho biết, một cuộc biểu tình ở đây cũng thu hút số người tham gia kỷ lục. Trong khi chính phủ từ chối lùi bước trước yêu cầu của người biểu tình thì Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman cam kết sẽ không có hành động trả đũa người biểu tình. Tuy nhiên, người biểu tình đã bác bỏ cam kết của ông Suleiman, cáo buộc chính phủ đang tìm cách “câu giờ”. Những người biểu tình thề sẽ không từ bỏ cuộc chiến đấu của mình cho đến khi đạt được mục tiêu. Phát biểu trước đám đông người biểu tình, anh hùng của hàng ngàn người dân Ai Cập - Ghonim đã nói: "Các bạn là những người anh hùng. Tôi không phải là anh hùng". Ghonim giờ đã trở thành người lãnh đạo của phong trào chống chính phủ, ít nhất là trong thời điểm này khi phong trào chưa thực sự bầu ra một người lãnh đạo. Các nhà hoạt động cho biết, không chỉ trang Facebook của Ghonim làm khuấy động lên các làn sóng biểu tình ở Ai Cập hiện nay mà bài trả lời phỏng vấn của anh này gần đây cũng đã khiến nhiều người Ai Cập đứng về phía những người biểu tình. Sở dĩ người dân Ai Cập không lùi bước là vì họ hoài nghi về những động thái của Tổng thống Mubarak. Youssef Hussein, một người lái xe du lịch 52 tuổi đến từ Aswan, tin rằng, những cuộc đối thoại chỉ để kéo dài thêm thời gian tồn tại của chính phủ hiện tại và làm cho chính phủ này tiếp tục sống. “Không có cuộc đối thoại nào cho đến khi ông Mubarak ra đi", ông Hussein nói. Trong khi đó, Sayed Hagaz đến từ Châu thổ sông Nile cho biết: "Cuộc đối thoại quốc gia vừa rồi chỉ là trên giấy tờ. Đó chỉ là một chiến thuật chính trị để họ kéo dài thêm thời gian". Trong lúc này, các quan chức Ai Cập vẫn đang đối mặt với sức ép của cộng đồng quốc tế đòi nước này nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay. Các nước cũng kêu gọi Ai Cập phóng thích tất cả những nhà báo, phóng viên và các nhà hoạt động mà họ bắt giữ trong thời gian vừa qua. Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=211876