Afghanistan - nhiều tiền càng tham nhũng

Tham nhũng tràn lan

(Cadn.com.vn) - Tuần này, Bỉ sẽ tổ chức hội nghị dành riêng cho Afghanistan, mà ở đó các nước dự kiến cam kết tài trợ hơn 3 tỷ USD cho quốc gia Nam Á này. Tiền và hàng viện trợ sẽ giúp giải quyết các vấn đề mà Afghanistan đang đối mặt hay sẽ mở đường cho nạn tham nhũng tràn lan tại nước này?

Báo cáo từ Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ đối với vấn đề tái thiết Afghanistan (SIGAR) hôm 14-9 mạnh mẽ chỉ trích Washington đổ hàng tỷ USD vào Afghanistan mà không giám sát chặt chẽ, dẫn đến một nền văn hóa "tham nhũng tràn lan".

Chìm trong cuộc chiến tranh kéo dài 3 thập kỷ, Afghanistan xếp thứ 166 trong số 168 quốc gia về chỉ số tham nhũng, theo xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2015. Tham nhũng là một trong những chủ đề nổi bật nhất tại Afghanistan.

Trong thập kỷ qua, Afghanistan đã phát triển thành một chế độ mà trong đó chính phủ tự tổ chức để làm giàu cho các quan chức. Giới tinh hoa quyền lực và mafia đã ngăn cản những nỗ lực dỡ bỏ chế độ này. Trong khi đó, Mỹ và cộng đồng quốc tế thất bại thảm hại trong việc thực thi trách nhiệm giúp đối phó với nạn tham nhũng.

Chủ tịch Ngân hàng Kabul Sherkhan Farnood và Giám đốc điều hành Khalilullah Ferozi. Ảnh: Diplomat

Bê bối Ngân hàng Kabul

Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất về nạn tham nhũng là vụ bê bối tại Ngân hàng Kabul hồi năm 2011. Hàng trăm triệu USD bị đánh cắp. Vụ bê bối "gian lận lớn nhất trong lịch sử" đã gây ra những hậu quả chính trị và kinh tế nghiêm trọng, khiến quốc tế phải đóng băng một phần viện trợ cho Afghanistan.

Kabul là ngân hàng tư nhân lớn nhất Afghanistan, với số vốn 1,3 tỷ USD vào năm 2010. Ngân hàng này đã lập khoảng 200 Cty "ma" và cho họ vay tiền. Số tiền này sau đó được chi ra cho các cổ đông ngân hàng, các bộ trưởng nội các, các doanh nhân, các thành viên của quốc hội, lãnh chúa, các quan chức chính phủ cũ và các chính trị gia. Điều tra của ủy ban chống tham nhũng độc lập thuộc chính phủ Afghanistan phát hiện, các giám đốc điều hành của ngân hàng đã lấy đi số tiền tương đương 1/12 GDP của nước này. Giám đốc điều hành Ngân hàng Kabul, Khalilullah Ferozi, đã chi 160 triệu USD mua 35 biệt thự sang trọng ở Dubai làm nơi nghỉ dưỡng cho các nghị sĩ và các quan chức chính phủ.

10 tháng sau khi vụ bê bối bị phát hiện, Chủ tịch ngân hàng Sherkhan Farnood và ông Ferozi bị bắt. Dù vụ bê bối đã bị phanh phui trước khi Tổng thống Ashraf Ghani lên nắm quyền, nó vẫn là một thách thức lớn đối với ông Ghani. Ông Ghani cho rằng chính phủ sẽ "làm nên lịch sử" bằng cách thu hồi tiền bị mất trong vụ bê bối, động thái được người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, sau đó, người ta thấy ông Ferozi - người bị kết án 15 năm tù - xuất hiện với các quan chức chính phủ cấp cao tại lễ khánh thành thành phố thông minh trị giá 900 triệu USD vào tháng 11-2015. Và cho đến nay, chính phủ Afghanistan vẫn chưa thể thu hồi số tiền bị đánh cắp.

Chống tham nhũng một cách thờ ơ

Chính phủ Afghanistan đã lập một số tổ chức chống tham nhũng nhằm thực hiện cải cách và theo đuổi các vụ tham nhũng. Các tổ chức này nhận được sự hỗ trợ quốc tế, nhưng không thể thực hiện nhiệm vụ.

Cộng đồng quốc tế cũng đưa ra một loạt các biện pháp, nhưng cho đến nay, hầu hết chúng đều được thực thi một cách yếu ớt. Ví dụ, Mỹ chỉ rút 15 triệu USD tiền viện trợ cho Afghanistan vào năm 2014 dù Kabul không đáp ứng yêu cầu kê khai tài sản của các quan chức cấp cao. Tương tự, IMF quá mềm dẻo và không gây áp lực lên Afghanistan dù nước này không thực hiện tốt Thỏa thuận Mở rộng Tín dụng (ECF), trong đó cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán.

Vụ khủng hoảng Ngân hàng Kabul nêu bật yêu cầu tăng cường quản lý, pháp quyền và cải cách tại Afghanistan. Thực thi luật pháp và quản lý hiệu quả là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự ổn định kinh tế và thu hút các nhà tài trợ đến với nước này.

An Bình
(Theo Diplomat)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_155608_afghanistan-nhie-u-tie-n-ca-ng-tham-nhu-ng.aspx