ACI Europe phản đối xét nghiệm COVID-19 với khách từ Trung Quốc

Trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở sân bay Orly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 2/1, Cơ quan Quản lý các sân bay châu Âu (ACI Europe) cho rằng quy định bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc là không hợp lý về mặt khoa học.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ACI Europe cho biết cả Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn cầu không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc ACI Europe Olivier Jankovec nhấn mạnh: “Chúng ta lại một lần nữa rơi vào tình trạng chắp vá các biện pháp hạn chế đi lại thiếu phối hợp và không có cơ sở khoa học”.

ACI Europe khuyến nghị các quốc gia nên tập trung vào việc tăng cường giải trình tự bộ gene để xác định nguy cơ bùng phát các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và giám sát các biến thể này. Trước đó, ngày 31/12, ACI Europe cho rằng những hạn chế đi lại mà một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới áp đặt liên quan tới COVID-19 “không có tác dụng”.

Tờ Financial Times của Anh đưa tin EU đã cung cấp miễn phí vắcxin ngừa COVID-19 cho Trung Quốc. Viện dẫn các quan chức thuộc Ủy ban châu Âu, tờ báo cho biết sáng kiến này nằm trong các nỗ lực của Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides nhằm đưa ra cách thức ứng phó của châu Âu trước nguy cơ bùng phát dịch sau khi Bắc Kinh hủy bỏ các biện pháp hạn chế theo chính sách “Không COVID”.

Ủy viên Kyriakides cũng đã liên lạc với phía Trung Quốc để bày tỏ sự ủng hộ và tinh thần đoàn kết, trong đó bao gồm chuyên môn về sức khỏe cộng đồng và thông qua chương trình tài trợ vắcxin của EU.

Trong khi đó, Chính phủ Úc vừa cập nhật các quy định nhập cảnh liên quan tới dịch bệnh COVID-19. Bắt đầu từ ngày 5/1, khách du lịch Trung Quốc sẽ buộc phải làm xét nghiệm bệnh COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và chỉ khách nào có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào Úc.

Quy định trên được Bộ trưởng Y tế Mark Butler ban hành ngày 2/1, sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo hủy bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt theo chiến lược “Không COVID” để chuyển sang giai đoạn “sống chung với virus”.

Bộ trưởng Butler dự báo lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Úc sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Ông nhận định đây là một bước phát triển rất tích cực, nhưng cũng đáng lo ngại. Bộ trưởng Butler nhấn mạnh Canberra muốn thực hiện một cách tiếp cận cẩn trọng để đảm bảo sức khỏe của người dân.

Ngay sau khi thông tin được công bố, một làn sóng tranh cãi đã xuất hiện trong cộng đồng chuyên gia y tế và giới kinh doanh ở Úc. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Robert Booy, trường Đại học Sydney, cho biết ông ủng hộ quyết định của chính phủ. Ông lý giải có khả năng xuất hiện một biến thể phụ mới trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc, do đó việc tăng cường kiểm soát nguồn bệnh là điều cần thiết.

Trong khi đó, Giám đốc Y tế quốc gia của Úc, Giáo sư Paul Kelly, cho rằng không cần thiết phải áp đặt các hạn chế bổ sung đối với du khách từ Trung Quốc khi tỉ lệ tiêm chủng ở Úc đã đạt mức cao và hệ thống giám sát địa phương hiệu quả.

Ông Kelly khuyến nghị tăng cường giám sát COVID-19 thông qua các chương trình xét nghiệm diện rộng, như xét nghiệm nước thải trên máy bay, nước thải sinh hoạt hộ gia đình và lấy mẫu tự nguyện từ những người nhập cảnh.

Hội đồng Kinh doanh Úc cũng lên tiếng phản đối quyết định của chính phủ, cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào nhằm áp đặt các hạn chế biên giới đều sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, cùng ngày, tờ The Independent của Anh đưa tin, kể từ tuần tới, hành khách đến từ Trung Quốc khi nhập cảnh Anh sẽ không bắt buộc phải làm xét nghiệm COVID-19. Việc xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Heathrow được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của hành khách. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ không bị cách ly hoặc yêu cầu tự cách ly tại nơi lưu trú.

Ngày 2/1, Bộ Y tế Chile đã chính thức yêu cầu mọi khách du lịch từ Trung Quốc tới nước này phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Đây được xem là một biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron BF.7 của virus SARS-CoV-2, vốn được cho là nguyên nhân khiến hàng triệu người trên khắp thế giới mắc COVID-19 trong tuần qua.

Thông báo của Bộ Y tế Chile nêu rõ yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính đối với du khách Trung Quốc là quy định bổ sung cho tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19 vừa được chính phủ nước này gia hạn đến hết tháng 3/2023.

Chính phủ Chile cũng nhấn mạnh việc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế được đưa ra trong bối cảnh số trường hợp lây nhiễm mới tăng vọt trong những ngày gần đây và là một biện pháp mang tính phòng ngừa trước tình trạng dịch tễ học “không chắc chắn” tại Trung Quốc.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ Y tế Malaysia (MOH) đang lên kế hoạch siết chặt các biện pháp kiểm tra y tế như một phần của chính sách kiểm soát biên giới nhằm phòng, chống dịch COVID-19.

Trong tuyên bố ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Zaliha Mustafa cho biết bộ này đang xem xét, đánh giá nghiêm túc quan ngại của người dân, cũng như các hạn chế mà một số nước áp đặt đối với du khách đến từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh thông báo hủy bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Bộ Y tế Malaysia cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước và sẵn sàng ứng phó nếu số ca mắc gia tăng. Để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan, Bộ trưởng Zaliha kêu gọi người dân tiêm vắcxin mũi tăng cường thứ hai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

Hiện 49,8% dân số Malaysia đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất và 1,9% đã tiêm mũi tăng cường thứ hai. Malaysia hiện đã áp dụng biện pháp xét nghiệm các mẫu nước thải từ máy bay cất cánh từ Trung Quốc 2 lần/tuần.

Việc kiểm tra thân nhiệt hành khách cũng đã được áp đặt trở lại tại các sân bay. Ngoài ra, giới chuyên gia y tế cũng khuyến nghị chính phủ áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trong trong giờ làm việc đối với những nhân viên sản xuất và chế biến thực phẩm.

Theo thống kê chính thức, Malaysia đã đón hơn 100.000 lượt du khách từ Trung Quốc kể từ tháng 4/2022, khi quốc gia Đông Nam Á này mở cửa lại biên giới. Ước tính con số này sẽ tăng lên 1,2 triệu lượt du khách vào năm 2023, dự kiến mang lại 3,6 tỉ ringgit (hơn 0,8 tỉ USD) cho ngành du lịch.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291997/aci-europe-phan-doi-xet-nghiem-covid-19-voi-khach-tu-trung-quoc.html