'Ác mộng' tiêm silicone

Silicon len lõi trong mạch máu và dây thần kinh không thể lấy ra hết, từ đó gây viêm nhiễm suốt nhiều năm, tái đi tái lại.

Silicone đã bị cấm tại Việt Nam từ 30 năm nay do nhiều rủi ro trong thẩm mỹ. Ảnh minh họa: Unsplash.

"Mổ lấy ra được là mừng rồi em, từ từ sẽ ổn. Silicone cứ ở đó thì mất ăn mất ngủ"

"Mình từng phụ thầy mổ ca nạo silicon tiêm môi, phải nói là lấy hoài không hết, nó ăn vô mô lành, dính cứng mà từng hạt li ti, cắt lọc rất lâu"

"Spa đó ác ghê, thà không tài trợ"

Đây là những comment động viên Việt Phương Thoa, nữ TikToker hơn 13,6 triệu người theo dõi, khi cô chia sẻ hành trình phẫu thuật nạo vét silicone. Cô gái sinh năm 1997 đi tiêm filler, nhưng sau 6 năm mới bàng hoàng nhận ra khối cứng trên mặt là silicone.

Tiêm filler với mong muốn cải thiện đường nét gương mặt là mong ước chính đáng. Hiệu quả của filler không đạt như kỳ vọng là điều gây thất vọng, nhưng nếu chất dịch trong cơ thể không phải là filler mà là silicone, sẽ là cơn ác mộng.

Không thể lấy ra hết

Khi đang là KOL với vài trăm nghìn người theo dõi, Việt Phương Thoa đã xin tài trợ từ một spa để tiêm filler thon gọn mặt.

Sau 6 năm, khi chỗ sưng ngày càng to, có cảm giác đau, cô mới đi khám. Các bác sĩ cho biết cô bị biến chứng vì tiêm silicone, chỗ viêm đã thành khối áp xe, buộc phải mổ. Vết mổ lại ngay gần mặt, điều đáng sợ với hầu hết cô gái.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, ThS.BS Đinh Phương Đông, Phó khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết loại filler thường sử dụng nhất là Hyaluronic Acid (HA), một loại chất liệu nhân tạo. Công dụng trong làm đẹp, giúp làm đầy những chỗ khuyết của cơ thể.

Ngoài ra, HA còn được ứng dụng nhiều trong y khoa như tiêm dịch khớp. Những sản phẩm HA dùng trên cơ thể người phải đạt chuẩn châu Âu, hay Mỹ, được cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler, ở mọi loại giá được trao bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Thậm chí, có nơi bán silicone nhưng dán mác là filler.

Khi người tiêm filler gặp biến chứng, các bác sĩ rất khó đánh giá người bệnh đã tiêm chất gì. Loại họ tiêm không phải là HA nguyên chất, bác sĩ không thể dùng thuốc tiêm tan.

Như silicone là chất thường bị "làm giả" HA nhất, khi tiêm vào những vùng như má, cằm, mắt, ngực, mông... chất này len lỏi vào các tổ chức dưới da, cơ hay vào mạch máu. Nó gây tắc mạch, hoại tử, nhiễm trùng, mù mắt.

Bác sĩ Đông cho biết silicone khi tiêm vào những nơi có mạch máu và dây thần kinh li ti, gần như không thể lấy ra hết được. Bởi, nó là dung dịch lỏng, nằm len lỏi trong cơ, dưới da, lấy ra đồng nghĩa với việc phá hủy luôn những tổ chức lành tính khác.

Vì vậy, đối với những ca này bác sĩ chỉ xử lý biến chứng tại thời điểm đó. ví dụ người bệnh có một khối mủ rất lớn, có dịch, viêm tấy lan tỏa cả một vùng rộng trên mặt thì buộc phải mổ cấp cứu để lấy ra. Khi lấy được silicone, mặt người bệnh sẽ bị biến dạng.

Với tất cả trường hợp biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ sẽ cố gắng điều trị tối đa, lấy silicone ra hết để không bị tái lại. Tuy nhiên, gần như không thể sạch hoàn toàn, vì nó còn len lỏi ở đâu đó, mỗi khi nhiễm trùng lại người bệnh phải đến bệnh viện để xử lý tiếp.

"Có người phải mổ đi mổ lại 5-6 lần, thời gian điều trị kéo dài đến vài năm", bác sĩ Đông nói.

Di chứng suốt đời

Theo bác sĩ Đinh Phương Đông, thời gian qua có rất nhiều ca tử vong vì biến chứng khi tiêm filler, bên cạnh đó cũng không ít những trường hợp biến chứng nặng như mù mắt, hoại tử mũi, biến dạng một bên mặt hay mất toàn bộ môi... họ mang di chứng đó suốt đời.

Ngoài đau đớn thể xác, họ còn bị tự ti, ám ảnh tâm lý, không dám giao tiếp xã hội. Đồng thời, chi phí điều trị biến chứng gấp nhiều lần tiêm filler.

Một nữ bệnh nhân khác cũng bị biến chứng khi tiêm filler "dỏm". Ảnh: BSCC.

Chính vì vậy, mọi người cần lựa chọn thật kỹ, tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến cơ sở thẩm mỹ mà mình định làm. Bác sĩ Đông khuyến cáo nên đến những cơ sở có giấy phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về thẩm mỹ nội khoa hoặc ngoại khoa.

Để tiêm filler với mục đích làm đẹp, người thực hiện phải là bác sĩ, điều dưỡng cũng không được phép.

Bác sĩ Đông cho hay những cơ sở thẩm mỹ chui, không được cấp phép hoặc không đảm bảo chất lượng thường không trưng bày giấy phép ra bên ngoài. Trên bảng hiệu của cơ sở, không ghi rõ thông tin số giấy phép được cấp, người đứng tên và lĩnh vực được cấp phép.

Nếu một cơ sở có những dấu hiệu trên, người dân không nên thực hiện những thủ thuật có xâm lấn như tiêm filler, tiêm botox, căng chỉ da mặt... để tránh gây hại cho bản thân.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/ac-mong-tiem-silicone-post1462853.html