Ác mộng karoshi: Những cái chết vì làm việc quá sức ở Nhật

'Dần dần bạn trở thành một cái xác biết đi… khi ấy, tôi quyết định đã đến lúc mình phải dừng lại', một nữ phóng viên người Nhật nói sau sự ra đi của một đồng nghiệp.

Cái chết do làm việc quá sức của nữ phóng viên NHK Miwa Sado chỉ là một lát cắt đại diện cho văn hóa làm việc vắt kiệt sức lực con người tại "đất nước hoa anh đào".

“Chuyện như thế này không sớm thì muộn cũng xảy ra thôi, vì chúng tôi làm việc như điên, như là nô lệ vậy”, một phóng viên làm việc tại một tờ báo lớn của Nhật trả lời AFP.

“Tôi thực sự từng nghĩ mình sẽ chết”, người phụ nữ yêu cầu được giấu tên cho biết, nhớ lại những ngày cô phải bám đuổi theo lịch làm việc của thủ tướng và các nghị sĩ ở Tokyo. Cô về nhà thì đã là 1h sáng và giấc ngủ chỉ được phép kéo dài 4 tiếng đồng hồ.

Nhật Bản có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản có môi trường làm việc áp lực nhất nhì thế giới. Ảnh: Reuters.

Những phóng viên 'xác sống'

Nhà báo vốn là một công việc khắc nghiệt về mặt thời gian, nhưng tại Nhật Bản, tình trạng đặc biệt tồi tệ, thuộc hàng nhất nhì thế giới. Những phóng viên được yêu cầu phải bám sát đối tượng 24/7.

Người nữ phóng viên giấu tên, một phụ nữ ở độ tuổi 30, là một phóng viên “phần cứng”. Cô có nhiệm vụ cắm chốt thường trực bên ngoài nhà của các chính trị gia. Mỗi đêm, mỗi phóng viên thuộc nhóm “phần cứng” được phân công bám sát một chính trị gia dù cho có tin tức hay không. Hình thức theo đuôi này được gọi là “Yomawari”, có nghĩa là “tuần đêm”.

“Những đêm trời tuyết, tôi để các miếng giữ nhiệt khắp người nhưng vẫn lạnh run. Tôi thậm chí không thể đi vệ sinh. Như thế rất không tốt cho sức khỏe”, cô kể lại, đồng thời cho biết đã chứng kiến một số đồng nghiệp gục ngã vì vấn đề sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần.

Và phải quên đi ngày nghỉ cuối tuần, bởi vào tối thứ sáu, các phóng viên sẽ phải bám theo các nghị sĩ tới khu vực bầu cử của mình.

Các phóng viên tại Nhật Bản được kỳ vọng làm việc 24/7. Ảnh: Asia One.

Một cựu phóng viên của Tokyo TV cho rằng vấn đề nằm ở “tinh thần chiến đấu”. Trong văn hóa Nhật Bản, người ta được dạy rằng không bao giờ bỏ cuộc dù khó khăn đến đâu chăng nữa.

Nữ phóng viên nói trên cũng không xa lạ gì với những ngày công việc thâu đêm suốt sáng, những lần dù bị ốm cũng không ngừng nghỉ.

“Tôi thậm chí không có thời gian để đo thân nhiệt. Sau đó tôi phát hiện mình bị sốt 39 độ”, cô kể lại. “Những ông chủ luôn nói với bạn rằng ‘đừng nên lười biếng’ nhưng sẽ không bao giờ nói ‘cô nên nghỉ ngơi đi, cô đang làm việc quá sức’.”

“Dần dần bạn trở thành một cái xác biết đi… khi ấy, tôi quyết định đã đến lúc mình phải dừng lại.”

Ác mộng 'karoshi'

Tại “đất nước Mặt Trời mọc”, làm việc quá sức được cho là nguyên nhân đằng sau hàng chục ca tử vong do đột quỵ, đau tim hay tự tử mỗi năm.

Thậm chí văn hóa Nhật Bản còn có một từ để chỉ những cái chết vì làm việc quá nhiều. Đó là “karoshi”.

Theo một báo cáo chính phủ công bố hồi tuần trước, có tổng cộng 191 vụ “karoshi” trong năm tài khóa 2017 kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Báo cáo cũng chỉ ra có 7,7% người làm công Nhật Bản thường xuyên làm thêm hơn 20 giờ mỗi tuần.

Nữ phóng viên NHK Miwa Sado, người đang đưa tin về cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo và Thượng viện Nhật Bản, bị phát hiện đã chết trong nhà riêng hồi tháng 7/2013, chỉ 3 ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện.

Phóng viên Miwa Sado, người bị chết sau khi làm thêm giờ 159 tiếng. Ảnh: ANN/YouTube.

Điều tra của Chính phủ một năm sau đó công bố cái chết của cô gái trẻ là do làm việc quá nhiều. Sado đã làm việc liên tiếp trong 159 giờ.

Đáng chú ý là NHK chỉ công khai vụ việc này gần đây, 4 năm sau cái chết của Sado, chủ yếu do áp lực từ bố mẹ của cô, những người yêu cầu phải có hành động để ngăn chặn những vụ việc tương tự. Đây là sự kiện đáng hổ thẹn đối với NHK.

“Tôi đã giật mình khi biết ở một công ty vẫn luôn tuyên chiến với làm việc thêm giờ như NHK lại có một trường hợp chết vì làm việc quá sức,” Shigeru Wakita, giáo sư tại Đại học Ryukoku và chuyên gia về luật lao động cho biết.

“Truyền thông đại chúng nên đi đầu trong việc giúp thay đổi cơn ác mộng ‘karoshi’ nhưng họ lại không làm thế”.

Sự bất lực của chính phủ

Giám đốc NHK Ryoichi Ueda đã tới nhà bố mẹ Sado để trực tiếp xin lỗi và cam kết cải cách chính sách làm việc của công ty.

NHK đã cam kết giảm số giờ làm, áp dụng các tiêu chuẩn về sức khỏe và tổ chức các buổi hội thảo về “karoshi”.

Vụ việc gây chấn động tới cả chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Lao động Katsunobu Kato đã lên tiếng hối thúc các công ty truyền thông trong nước giảm giờ làm việc “để tránh tái diễn những tai nạn tương tự”.

Để diệt trừ “karoshi”, chính phủ còn điểm mặt chỉ tên hơn 300 công ty toàn quốc để lần đầu tiên lập ra một danh sách đen các công ty có môi trường làm việc vắt kiệt sức người. Danh sách này công bố hồi tháng 5.

Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì một ủy ban cải cách giờ làm tại Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trước đó một tháng, vào tháng 4, một ủy ban chính phủ cũng công bố kế hoạch giới hạn mức làm thêm giờ với mức trần cho phép 100 giờ/tháng. Bản kế hoạch đã vấp phải phản ứng giận dữ của giới chỉ trích và những gia đình có người thân chết vì làm việc quá mức.

Thủ tướng Shinzo Abe đã đích thân tuyên chiến với “karoshi” và công bố chương trình mang tên “Thứ sáu Quan trọng”. Theo đó, nhân viên được khuyến khích rời công ty sớm vào các ngày thứ sáu cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích chương trình này không mang tính cưỡng chế và nhiều công ty đơn giản chỉ là lờ nó đi.

Giáo sư Wakita cho rằng chính phủ chưa đủ nghiêm túc đối với vấn đề này. “Họ không muốn đụng chạm đến các công ty lớn,” ông cho biết.

Mặc đồ cho người chết tại triển lãm công nghiệp tang lễ Nhật Bản Học viên Học viện Okuribito minh họa nghi lễ mặc trang phục cho người đã khuất. Đây là nghi lễ cổ xưa của Nhật Bản, được tin là giúp thanh tẩy tâm hồn người quá cố.

Trần Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ac-mong-karoshi-nhung-cai-chet-vi-lam-viec-qua-suc-o-nhat-post787324.html