A Lưới – Nhiều thơ vẫn lắm mộng

Chuyện của mế

Hơn 6 giờ 30 phút sáng, tôi đã có mặt tại điểm tập trung của chương trình “Hoạt động xã hội đón tết” tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

Trẻ em mầm non vùng cao A Lưới tại bữa cơm trưa do đoàn thiện nguyện ủng hộ. Ảnh: Châu Lê

Lúc đăng ký, tôi chỉ trộm nghĩ về cơ hội được tận mắt ngắm nhìn A Lưới - miền biên viễn của đất trời Thừa Thiên. Tôi đã biết đến tinh hoa kiến trúc của Đại Nội, cũng đã không khỏi xuýt xoa về nét dịu dàng khiến văn thơ phải nghiêng mình của “nàng” sông Hương và cả những nét cổ kính của chùa chiền xứ Huế. Song tôi lại chưa có dịp đặt chân đến A Lưới lấy một lần. Được nghe nhiều về vùng đất này, tuy nhiên, “trăm nghe không bằng một thấy”, tôi muốn tự mình được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt diệu của miền đất nơi núi rừng này.

Cách trung tâm thành phố khoảng 70km, con đường dẫn lên A Lưới là sự kết hợp hài hòa của những dãy núi san sát, của những rặng cây rợp mắt người, thi thoảng sẽ có cả những đám mây thẫn thờ, ểnh ương vắt ngang mình trên sườn núi. Nơi đây ưu ái được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho những con suối, con thác mát rượi, chảy men theo sườn núi, tung bọt trắng xóa, nổi lên trên núi rừng đại ngàn.

Tầm 10h hơn, chúng tôi dừng chân tại nhà văn hóa xã Hồng Thủy. Những giọt nắng tranh nhau len qua từng kẽ lá xanh non mơn mởn, tuy nhiên có lẽ vì ở vùng núi cao, tôi vẫn thấy cái se se lạnh nằm đâu đây nên thi thoảng khiến tôi phải run lên từng cơn.

Nhìn qua ô cửa kính, tôi thấy bà con vùng cao đã có mặt từ sớm. Rồi mọi người giúp chúng tôi khuân từng bao gạo vào hội trường. Với tôi, khuôn mặt của đồng bào A Lưới có khi còn rạng rỡ hơn cả nắng, bởi dẫu cho khuôn mặt có rám nắng, có xạm đi vì những công việc lao động vất vả vẫn chứa chan niềm hy vọng và phấn khích, về một cái tết đủ đầy, hay xa hơn là cả về một tương lai tươi sáng hơn.

Tôi đi theo anh trưởng đoàn, theo cả cuộc trò chuyện của anh với mế - người chúng tôi gặp gỡ trong đôi phút, đến nỗi chưa kịp nhớ tên, đôi phút chỉ đủ để chúng tôi điểm qua vài nét trong cuộc đời của mế khi phải gánh trên vai nhiều cuộc đời khác. Mế có hai người con gái, một cô đi lấy chồng xa xứ, cô gái còn lại mất khi vừa đón chào đứa bé thứ hai của mình. Một mình mế nuôi hai đứa cháu chưa hiểu chuyện, với một mẩu ruộng không cấp đủ lúa nuôi chính gia đình mình, không dám nghĩ đến chuyện bán buôn.

Nhìn mế mà tôi chạnh lòng, còn mế cứ nhìn chúng tôi và cười, ấm áp và rất đỗi trìu mến. Có lẽ, mế không nghĩ đời mế khổ như chúng tôi đang nghĩ. Chắc hẳn sống lâu trong cái khổ, mế quen rồi!

Câu chuyện nhỏ cuối năm

Chia tay 40 hộ dân tại xã Hồng Thủy, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình để đến thăm một trường hợp đặc biệt tại xã Quảng Nhâm.

Con đường đến giờ vẫn chưa hoàn thiện, còn quanh co, trắc trở nhưng lại mang vẻ đẹp của núi rừng qua từng bước chân. Mùa xuân đã dệt cho núi rừng nơi đây một chiếc áo xanh mát với đôi ba bông hoa còn vương lại trên cành thông mặc cho những hạt phấn vàng bay bay trong gió.

Chúng tôi cứ im lặng và bước đi trên con đường mòn. Có lẽ, chúng tôi đều mang trong mình những suy nghĩ riêng. Hay chúng tôi sợ nhỉ? Sợ phải nặng lòng khi thêm một lần bất lực trước hoàn cảnh khó khăn của ai khác nữa.

Chẳng mấy chốc mà đến. Đó là căn nhà hay chính xác hơn là một túp lều chắp vá, lụp xụp nằm sát ngay bên cạnh Trường tiểu học Quảng Nhâm. Mặc cho đất đai núi rừng bạt ngàn, gia đình nhỏ với ba mẹ con chỉ có tầm hai mươi mốt mét vuông để sinh hoạt.

Chúng tôi bước vào, chậm rãi và cố gắng dùng những từ gần gũi nhất để giới thiệu về chuyến đi của chúng tôi khi đến đây. Ngôi nhà ấy nhỏ tới mức chúng tôi khó khăn trong việc tìm cho mình một chỗ ngồi. Khác với vẻ lúng túng của chúng tôi, đôi mắt của thành viên nhỏ nhất của gia đình cứ nhìn mọi người thân thiện, như tìm kiếm một điều gì, tìm lấy một điểm tựa cho em chăng, tôi đoán thế.

Tôi tiến đến gần em.

- Em có được đi học không?

- Dạ có, nay em học lớp 6 rồi. Nhà khó nhưng mẹ vẫn gắng cho em đi học.

- Rứa bố em mô?

- Bố đánh mẹ em dữ lắm, mẹ con em phải trốn đi. Cậu cho miếng đất, người trong làng thương mà dựng cái nhà cho, ai cho chi thì xin nấy đó chị.

Tôi lặng người ngắm nhìn căn nhà ba không: Không gia súc, không vườn tược và không có thứ gì đáng giá.

- Rứa mẹ em làm chi?

- Mẹ em ai kêu chi mần nấy, khi thì họ trả cho ít tiền, khi thì họ trả cho ít gạo hay hoa màu để ăn. Mà mẹ vẫn dặn tụi em học đầy đủ. Ngoài giờ học thì tụi em phụ mẹ đi vác tràm, nhổ sắn,...

Hai mươi mốt mét vuông nhà em chỉ có một ngọn đèn điện không lập lòe mà sáng rực, mà sao tôi vẫn thấy nó yếu ớt quá cho không gian tối tăm này. Tôi mơ về ngày nhà em có thêm nhiều ngọn đèn nữa, ngày khuôn mặt em toát lên vẻ rạng ngời, ánh lên niềm tin, niềm hy vọng đúng với lứa tuổi của em...

Trên đường về, tôi lại lặng nhìn A Lưới qua ô cửa kính, mọi thứ vẫn thế, nắng vẫn vàng tươi, núi rừng vẫn xanh ngắt và tiếng suối, thác vẫn cứ rì rào bên tai nhưng sao giờ tôi thấy cả những nét đăm chiêu, trăn trở trên khuôn mặt mỗi thành viên của đoàn.

A Lưới đẹp lắm với nét đẹp hùng vĩ, tuyệt diệu của thiên nhiên đất trời, mang hồn thơ của Mẹ thiên nhiên nhưng A Lưới vẫn còn mang hơi thở của hiện thực, của những cuộc đời chông chênh cần được giúp đỡ như con đường đèo chúng tôi đã đi...

Nguyên Hạnh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/a-luoi-nhieu-tho-van-lam-mong-137589.html