Á khoa khối C chỉ cách làm bài thi Lịch sử, Địa lý đạt điểm cao

Phạm Thị Trà Mi, á khoa toàn quốc khối C năm 2022, lưu ý một số phương pháp ôn tập và làm bài để đạt điểm cao ở môn Lịch sử và Địa lý.

Thí sinh cần phân chia thời gian hợp lý khi ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Pexels.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Phạm Thị Trà Mi (học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đạt 2 điểm 10 ở môn Lịch sử, Địa lý và 9,25 điểm môn Ngữ văn, trở thành á khoa khối C toàn quốc và thủ khoa khối C tỉnh Nghệ An.

Hiện, Trà Mi là sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nữ sinh chia sẻ một số lưu ý và bí quyết để việc ôn tập và làm bài thi đạt kết quả cao.

Học vừa phải, phân bổ thời gian hợp lý

Chưa đầy 3 tuần nữa, học sinh cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong thời điểm chạy nước rút, Trà Mi khuyên các thí sinh nên phân chia thời gian trong ngày để ôn tập các môn thay vì chia mỗi ngày chỉ học một môn.

Nữ sinh lấy ví dụ buổi sáng, thí sinh ôn tập và giải đề môn Lịch sử, buổi chiều giải đề môn Địa lý và buổi tối giải đề Ngữ văn. Phương pháp này giúp thí sinh cân bằng thời gian, tránh quên kiến thức.

Năm 2022, khi ôn thi tốt nghiệp, Trà Mi cũng áp dụng phương pháp này trong thời điểm chạy nước rút và thấy rất hiệu quả. Nhờ chia thời gian học tập khoa học, nữ sinh thấy việc ôn tập nhẹ nhàng hơn và hạn chế được tình trạng "rơi rớt" những nội dung vừa ôn.

Trà Mi là á khoa khối C toàn quốc năm 2022. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, cũng trong thời gian này, học sinh nên hạn chế học kiến thức mới, chỉ nên ôn tập những nội dung trọng tâm đã học, đồng thời kết hợp với nghỉ ngơi điều độ. Sức khỏe, tinh thần thoải mái, hiệu quả ôn thi cũng sẽ được nâng cao.

Nữ á khoa khối C 2022 chỉ ra một lỗi rất nhiều học sinh mắc phải khi ôn thi môn Lịch sử, Địa lý là sa vào đọc thuộc nhưng không hiểu bản chất của nội dung đó. Nếu chỉ học thuộc mà không hiểu, học sinh sẽ rất nhanh quên. Ngược lại, việc hiểu kiến thức sẽ giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn và có thể ứng dụng nhanh khi làm đề thi.

Trà Mi nhấn mạnh một điều là các môn khối C, nhất là Lịch sử, rất dễ bị hiểu nhầm là môn học thuộc. Thực tế, những môn học này cũng đòi hỏi khả năng tư duy cao và biết ứng dụng, liên kết với các kiến thức trong xã hội.

Vì thế, trong quá trình ôn thi, Trà Mi khuyên thí sinh nên ôn tập bằng cách vừa giải đề vừa tự chữa đề. Khi chữa đề, chúng ta nên phân tích và xem lại kiến thức của từng câu, dù câu đó làm đúng hay làm sai.

"Phương pháp này có thể hơi mất thời gian, nhưng chắc chắn hiệu quả. Khi tự chữa đề, mình củng cố được kiến thức, đồng thời tìm được cách tư duy khi làm đề thi", nữ sinh chia sẻ.

Tin tưởng bản thân khi làm bài thi

Có kinh nghiệm tham gia nhiều kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Trà Mi nhận ra một điều là học sinh rất dễ mất bình tĩnh khi vào phòng thi. Nếu mất bình tĩnh, thí sinh rất dễ nghi ngờ chính mình.

Để tránh tình trạng này xảy ra, thí sinh cần hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Lúc làm đề, các bạn nên tin tưởng chính mình, kiên định với những kết quả mình làm ra.

Một điều học sinh cần làm khi bắt đầu làm bài là đọc lướt toàn bộ đề bài rồi làm một lượt những câu đã biết. Với những câu còn phân vân, Mi khuyên các bạn nên đánh dấu vào đáp án mình cho là đúng. Sau khi làm hết lượt một, thí sinh quay lại những câu bỏ trống để phân tích kỹ hơn và chọn đáp án cuối cùng.

Với môn Địa lý, Trà Mi khuyên thí sinh cần tận dụng tối đa Atlat địa lý Việt Nam vì dụng cụ này sẽ giúp các bạn giành số điểm không nhỏ. Do đó, trước khi đi học, thí sinh cũng nên học cách đọc Atlat, hiểu những chú thích, số liệu có trong tài liệu này để vận dụng tốt hơn.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/a-khoa-khoi-c-chi-cach-lam-bai-thi-lich-su-dia-ly-dat-diem-cao-post1438302.html