Loỏng- Bộ gõ độc đáo của đồng bào Thái

Cộng đồng các dân tộc đang cư trú tại miền Tây Nghệ An có đời sống văn hóa rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có ít nhất một thứ nhạc cụ thể hiện cho nét văn hóa riêng của mình. Trong đó có nhiều loại đã được phổ biến và hòa nhập với các loại nhạc cụ truyền thống, trở thành tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam. Dân tộc Thái, ngoài cồng chiêng, khèn bè, pị nhuôn, pị xuối, thì loỏng- một vật dụng hàng ngày dùng để giã gạo rất bình dị trong đời sống, còn được xem là một loại nhạc cụ độc đáo thuộc bộ gõ, làm nền cho các điệu lăm, khắp rất đặc trưng, đậm nét văn hóa dân gian truyền thống.

Loỏng có hình dáng gần giống một chiếc thuyền độc mộc, là một chiếc cối giã gạo được làm bằng gỗ, dài từ 1,5 đến 2m, được đẽo khoét công phu sâu khoảng 50cm, rộng từ 60 đến 70cm tùy theo thân cây gỗ. Nó thường được làm bằng các loại gỗ dổi, vàng tâm để đảm bảo độ dai, nhẹ. Khúc gỗ sau khi xẻ đôi được đục thành hình máng ở phần giữa, hai đầu chừa lại khoảng 40 đến 50cm, mỗi đầu được khoét một lỗ tròn, đường kính cỡ 15-20cm dùng để giã chẻo. Không cầu kỳ, chiếc loỏng rất mộc mạc, bình dị nhưng xem ra cũng khá ấn tượng bởi lối tạo dáng như chiếc thuyền độc mộc. Với người Thái ở miền Tây xứ Nghệ, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc loỏng để dưới gầm nhà sàn ngay chân cầu thang, kèm theo là vài ba chiếc chày gỗ có độ dài khoảng 1,5m, đường kính khoảng 5-6cm, phần giữa thon nhỏ vừa tay cầm. Hàng ngày, vào sáng sớm, người phụ nữ trong nhà dậy và đổ thóc vào loỏng để giã và sàng gạo dùng trong ngày. Thường gạo được giã từ những bó lúa nhỏ lấy từ nhà chòi trên nương về. Buổi sáng ở các bản làng người Thái, tiếng giã gạo với nhịp điệu nhanh, nhộn nhịp của từng nhà hòa quện với nhau tạo thành một không khí sôi nổi mà đầm ấm trên bản làng vùng cao. Trong những đêm trăng, trai gái trong bản vẫn thường rủ nhau đến nhà nào có chiếc loỏng đẹp nhất, tiếng kêu hay nhất để cùng “tung loỏng” (còn gọi là “khắc luống”, “ghềnh loỏng” theo từng địa phương trong khu vực). Đây là một trong những điệu giao duyên rất đặc trưng của dân tộc Thái trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các cô gái khi “tung loỏng” thường chia thành hai bên, mỗi bên 3 đến 4 người vào cuộc. Tùy theo chủ đề, họ dùng chiếc chày gỗ ngày thường vẫn dùng giã gạo để diễn tả bằng cách khua vào thành, chọc xuống đáy loỏng tạo nên giai điệu rộn ràng sôi nổi, khi nhanh, khi chậm với nhiều âm vực khác nhau, kết hợp với nhịp cồng chiêng, âm hưởng của trống cái... Trong âm sắc “tung loỏng” có cả tiếng những bước nhảy sạp nhịp nhàng. Dân dã là thế, nhưng nó lại có sức lôi cuốn hấp dẫn ghê gớm. Khó ai cưỡng nổi lòng mình khi nghe điệu “tung loỏng” rộn ràng, mê đắm bên những dải khăn piêu nhẹ nhàng, những tà áo Cóm nền nã. Chiếc loỏng còn là một công cụ truyền tin độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Ngày thường, chỉ cần nghe tiếng chày gõ vào chiếc loỏng, nghe âm vang trầm buồn hay vút cao, bay bổng là có thể biết trong bản đang có chuyện vui hay chuyện buồn. Ngày nay, tuy ở các bản người Thái đều đã có máy xay xát chạy bằng động cơ hay bằng điện suốt ngày đêm, nhưng việc giã gạo bằng chiếc loỏng vẫn cuốn hút những người phụ nữ đảm đang vào mỗi buổi sớm mai. Dạ Ngân (st)

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/van-hoa-giai-tri/loong-bo-go-doc-dao-cua-dong-bao-thai/41462.040.html