Bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cây rừng ở Việt Nam

Tài nguyên thực vật rừng ở nước ta rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, do nạn khai thác rừng bừa bãi cũng như khai hoang, trồng cây công nghiệp vượt quá khả năng cho phép nên hiện nguồn tài nguyên thực vật ở nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, một số loài đã bị tuyệt chủng hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, bảo tồn nguồn gen cây rừng là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Bảo tồn nguồn gen cây rừng là lưu giữ các nguồn gen cây rừng phong phú và đa dạng hiện có, làm nền tảng cho công tác giống cây rừng ở nước ta. Vì thế, nó vừa phục vụ cho công tác giống vừa gắn liền với việc cung cấp giống trước mắt và lâu dài, đồng thời thiết thực phục vụ các chương trình trồng rừng trong nước và trao đổi giống quốc tế. Mặt khác, các hoạt động về cải thiện giống và cung cấp giống cũng đang làm phong phú thêm hoạt động bảo tồn nguồn gen cây rừng ở nước ta. Hiện nay, các nước có nền lâm nghiệp tiên tiến cũng chỉ nói tập trung bảo tồn nguồn gen cho một số cây trồng rừng chủ yếu. Ví dụ, ở châu Âu tập trung ở nhóm cây lá kim, ở Trung Cận Đông là nhóm Sổi Giẻ (Quercus) vv… Ở các nước Bắc Âu, bảo tồn nguồn gen cũng chỉ tập trung ở một số loài lá kim thuộc các chi Picea, Pinus, Psendotauga, Larix… và một số loài cây lá rộng thuộc chi Populus. Tại Thái Lan, quốc gia châu Á gần Việt Nam, việc bảo tồn nguồn gen tại chỗ (in shu) cũng chỉ tập trung cho 5 loài cây ưu tiên là gỗ đỏ (Aflezia xylocarpa), dầu rái (Dipterocarpus alatus), sao đen (Hopea odorata), giáng hương quả to (Pterocarpus maorocarpa) và tếch (Tectona grandis). Ở nước ta, các chương trình trồng rừng trước đây, đặc biệt là Chương trình 327 đã có một số đề xuất danh mục các loài cây trồng rừng áp dụng cho 9 vùng lâm nghiệp gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ gồm 104 loài, trong đó có những loài đáng chú ý như: Chò chỉ (Parashorea chinesis), dầu rái (Diptericarpus alatus), giáng hương quả to (Pterocarpus marocarpa), giổi (Talauma Giổi), gỗ đỏ (Aflezia xylocarpa)… Trong danh sách các loài cây trồng rừng có nhiều loài thuộc nhóm đối tượng cần bảo tồn nguồn gen là các loài bản địa, đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng, được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Đó là những loài quý hiếm có giá trị khoa học, kinh tế cao như: Hoàng đàn (Cupresus torulosa), thông đỏ bắc (Taxus chinensis), đỉnh tùng (Cephalotaxus manii), thông pà cò (Pinus kwangtungensis) v.v… Để các hoạt động trồng rừng, chăm sóc bảo tồn và làm giàu rừng đạt được kết quả, cần lưu ý 3 tiêu chí quan trọng. Trước hết là phải phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản phẩm từ rừng phải đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của xã hội. Hai là phải đảm bảo hệ sinh thái rừng bền vững và nâng cao vai trò phòng hộ môi trường của rừng. Ba là bảo vệ, duy trì và làm giàu thêm tính đa dạng sinh học của rừng Việt Nam. Tóm lại, công tác trồng rừng và làm giàu rừng phải quan tâm đến các loài cây bản địa, đặc hữu trong từng tỉnh, từng vùng sinh thái để sản xuất ra những loại sản phẩm đặc trưng đáp ứng các nhu cầu trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Đồng thời cũng cần sử dụng một số loài cây ngoại nhập nhằm nhanh chóng phủ xanh trên các lập địa có nhiều khó khăn như các vùng đất trống, đồi núi trọc, các vùng có nguy cơ hoang mạc hóa… TS. Lê Trần Chấn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/26/26/104233/Default.aspx