96% phóng viên từng bị cản trở tác nghiệp

96% phóng viên tham gia trả lời khảo sát thực hiện tháng 5/2016 của RED Communication cho biết đã từng bị cản trở. Từ năm 2011 – 2015, mỗi năm có khoảng 40 vụ cản trở tác nghiệp phóng viên, trong đó 30% số vụ hoàn toàn do lỗi của phóng viên, nhà báo.

Sáng nay, 20/6/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá vấn đề cản trở tác nghiệp báo chí ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia RED cho biết: Khảo sát thực hiện tháng 5/2016 của RED Communication về trải nghiệm bị cản trở tác nghiệp của phóng viên cho thấy xu hướng tiếp tục xấu đi, khi có tới 96% người trả lời đã từng bị cản trở, cao hơn nhiều so với mức 88% trong khảo sát năm 2011. Trong đó, gần 36% đã từng bị cản trở từ 5 lần trở lên.

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia RED Communication chia sẻ những con số đáng giật mình về hiện trạng cản trở tác nghiệp báo chí

Dữ liệu thống kê của RED cho thấy, số lượng các vụ cản trở ở mức độ nghiêm trọng (đe dọa, hành hung nhà báo) ghi nhận được từ năm 2011 không có chiều hướng gia tăng về số lượng (khoảng 40 vụ việc mỗi năm).

Tuy nhiên, các vụ việc điển hình cho thấy mức độ va chạm giữa khu vực doanh nghiệp và báo chí đã tăng lên, là căn nguyên chính của những vụ tấn công nhà báo nổi cộm nhất.

Đáng lo ngại là trong nhiều vụ tấn công, có những nguyên nhân xuất phát từ sai sót nghiệp vụ, từ lỗi tác nghiệp không chính đáng của phóng viên. Có tới 30% số vụ cản trở tác nghiệp thì lỗi sai hoàn toàn thuộc về phía nhà báo, phóng viên.

Ông Nguyễn Quang Đồng cũng nhấn mạnh khía cạnh: “Rủi ro các nhà báo dính vòng lao lý trong khi tác nghiệp cũng là vấn đề cần phải quan tâm”.

Khảo sát của RED cũng đã tìm ra một số vấn đề nổi bật khiến các nhà báo, phóng viên dễ dính rủi ro pháp lý, đó là: Thiếu hụt kiến thức pháp lý của nhà báo (hầu như phóng viên, nhà báo phải tự trang bị, tòa soạn chưa có hỗ trợ phù hợp); Không có luật sư tư vấn cho nhà báo trong các vụ việc làm điều tra phức tạp; Nhà báo mơ hồ giữa vai trò điều tra của cơ quan tố tụng/điều tra với vai trò tìm kiếm sự thật của nhà báo...

Mỗi khi có rủi ro xảy ra, nguồn hỗ trợ hiệu quả cao nhất đối với các nhà báo, phóng viên chính là nhóm bạn bè, đồng nghiệp, tiếp đến là tòa soạn. Còn sự tư vấn, hỗ trợ từ hội nhà báo, tổ chức phi chính phủ còn hạn chế. Các Sở TT&TT, chính quyền địa phương, công an cũng là những người có thể hỗ trợ phóng viên khi có hiện tượng xâm phạm nghiêm trọng như xúc phạm, hành hung.

“Vừa rồi có sự thay đổi tích cực là ra đời Nghị định 159, trong đó quy định việc cản trở, hành hung phóng viên được xử lý theo hướng có tình tiết tăng nặng chứ không chỉ xử lý hành chính thông thường như trước. Tuy nhiên, số lượng vụ việc áp dụng theo Nghị định 159 trong thực tế vẫn chưa nhiều, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách pháp lý với thực thi”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.

Ông Phan Hữu Minh, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam lưu ý câu chuyện nhiều người làm báo chưa thạo nghề, đã tự tạo nên những mâu thuẫn không cần thiết và bị cản trở tác nghiệp.

Đánh giá cao kết quả khảo sát của RED Communication, ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, lưu ý thêm: Cần phân định rõ chuyện nhà báo bị cản trở tác nghiệp và những người tập làm nghề bị cản trở tác nghiệp. Vì nhiều khi những bạn mới vào nghề, tập làm nghề chưa được trang bị cách hành xử và đã tự mình tạo nên những mâu thuẫn không cần thiết và không bảo vệ được mình.

Dẫn chứng cụ thể cho nhận định nêu trên, ông Phan Hữu Minh nêu trường hợp 2 phóng viên VTV bị đánh khi tác nghiệp ở Đại Từ, Thái Nguyên, một phần cũng do không tuân thủ đúng lộ trình làm nghề, không có giấy tờ chứng minh mà tự ý “áp đáo tại gia” để làm phóng sự điều tra về việc cho chất độc vào chè. Có thể nói những phóng viên này chưa thạo nghề.

Bình Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/96-phong-vien-tung-bi-can-tro-tac-nghiep-post201640.info