95 ha cây dược liệu có liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ

Những năm qua, cây dược liệu được tỉnh Quảng Trị xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, nên có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển cây dược liệu theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất dược liệu mang lại lợi nhuận cao, làm tiền đề thúc đẩy mở rộng diện tích loại cây này trong thời gian tới.

 Sản xuất giống cây dược liệu - Ảnh: K.K.S

Sản xuất giống cây dược liệu - Ảnh: K.K.S

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 95 ha cây dược liệu có liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến với các doanh nghiệp như các cây đinh lăng, sâm Bố Chính, ngưu tất, sinh đinh, trạch tả, nghệ, chè vằng, cà gai leo … Doanh nghiệp liên kết gồm Công ty TNHH QT Minh Điền, Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm và Công ty Cổ phần Traphaco. Ngoài các doanh nghiệp ngoài tỉnh, trên địa bàn hiện có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Mai Thị Thủy, HTX Dược liệu Trường Sơn, Công Ty TNHH Bảo Ngọc, Công ty TNHH Huyền Thoại đã đầu tư các trang thiết bị tương đối hiện đại và xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động trong quá trình sản xuất. Trong đó, HTX Dược liệu Trường Sơn đang xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo theo các quy định, tiêu chuẩn sản xuất GMP. Có 3 đơn vị được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Nghị định 93/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ về quy định sản xuất mỹ phẩm để sản xuất các loại mỹ phẩm từ các nguyên liệu dược liệu.

Với mục tiêu gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất gắn với thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, Quảng Trị đang xây dựng Đề án “Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, ban hành các chính sách mới, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển một số sản phẩm dược liệu chủ lực theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đáp ứng các tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh. Huy động các nguồn lực tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý trong tự nhiên, từ đó lựa chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, bản đồ dược tính, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân liên kết, hợp tác sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm tăng cường sức khỏe, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh; thương mại hóa các sản phẩm dược liệu quý, có tính đặc thù trên địa bàn.

K.K.S

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=151021