9 tháng đầu năm: Lợi nhuận ngân hàng khả quan

Nhiều ngân hàng thương mại đã hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với những con số rất ấn tượng.

Nợ xấu được xử lý tốt thì lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm.

Là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 3/2017, VPBank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng này tính tới ngày 30/9/2017 đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.

Những dự báo mang sắc hồng

Có thể thấy, việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận từ mức 6.800 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm lên 7.200 tỷ đồng sau quý 2 của VPBank là hoàn toàn có cơ sở. Thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm tăng 41%, đạt 14.944 tỷ đồng.

Là “tân binh” mới lên sàn UPCoM, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của LienVietPostBank đạt 1.450 tỷ đồng, gần chạm mục tiêu 1.500 tỷ đồng của cả năm. Hay như TPBank vừa hé lộ thông tin, khả năng năm nay, ngân hàng sẽ đạt mốc lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, chính thức gia nhập câu lạc bộ ngân hàng lãi trên 1.000 tỷ đồng. Lũy kế tính đến hết quý 3/2017, lợi nhuận của TPBank đã đạt 807 tỷ đồng, vượt mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay là 780 tỷ đồng.

Sacombank dưới “đế chế” ông Dương Công Minh đang ngày càng khởi sắc, ước tính, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 1.100 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu của cả năm (585 tỷ đồng). Hiện lãnh đạo ngân hàng này dự định chia thưởng lần thứ hai cho người lao động sau lần chia thưởng hồi tháng 7/2017.

Dù chưa có báo cáo tài chính quý 3/2017, song đến thời điểm này, kết quả kinh doanh ba quý đã được nhiều ngân hàng hé lộ với mức tăng trưởng cao cho cả khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.

Với hai “ông lớn” của hệ thống là Vietcombank và BIDV, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo, lợi nhuận của Vietcombank 9 tháng ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng khoảng 18-19%. Trong khi đó, BIDV tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 4% do phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, song con số tuyệt đối vẫn lên tới khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cũng theo SSI, lợi nhuận trước thuế ước tính của SHB 9 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng, của MB đạt khoảng 3.900 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), của ACB ước trên 2.000 tỷ đồng (tăng hơn 60%)…

Lợi nhuận bứt phá khi nợ xấu được xử lý

Tại báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng khá khả quan. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%. Tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng cũng giảm từ 53% (năm 2016) xuống 49%.

Bên cạnh tín dụng tăng trưởng tốt, việc ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trước đây cũng khiến áp lực trích lập dự phòng những tháng đầu năm nay giảm hẳn, giúp lợi nhuận không bị “cắt xén”, ăn mòn.

Như vậy, xét trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán như SSI, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, chính sách nới lỏng tiền tệ theo đuổi tăng trưởng của Chính phủ sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ từ chính sách tăng trưởng tín dụng cao này, trong đó có ngân hàng. Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, MBB, VTG, ACB… đều tăng trưởng rất tốt.

Cùng với đó, các ngân hàng đang ráo riết xử lý nợ xấu và thời gian tới thị trường mua bán nợ xấu sôi động, ngân hàng bán được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, một lượng lớn nợ xấu sẽ biến thành lợi nhuận cho các ngân hàng (do phần lớn các khoản nợ này đã được trích lập dự phòng đầy đủ).

Điều duy nhất khiến các chuyên gia cảnh báo các ngân hàng cũng như nhà đầu tư hiện nay là việc nới lỏng tín dụng có thể gây ra tác dụng phụ là nợ xấu. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tính đến cuối tháng 9/2017 là 2,9%, tăng so với mức 2,6% của thời điểm này năm 2016.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/9-thang-dau-nam-loi-nhuan-ngan-hang-kha-quan-d62416.html