9.187 tỷ đồng xây đường hành lang ven biển; Bổ sung 3.235 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 91

Đầu tư 9.187 tỷ đồng xây đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Cần Thơ giao bổ sung 3.235 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn 7 km Quốc lộ 91…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư nhà máy trồng nấm 33 triệu USD tại TP.HCM

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về kết quả làm việc với Công ty Finc Bio-Tech Pte.Ltd (Singapore) đối với Dự án Nhà máy trồng nấm tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại huyện Củ Chi.

Một góc Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, TP.HCM

Tại buổi làm việc giữa Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM với Công ty Finc Bio-Tech vào tháng 1/2024, doanh nghiệp có nhu cầu thuê 10 ha đất trong 30 năm để đầu tưtrồng nấm. Dự án có tổng vốn đầu tư là 33 triệu USD, giai đoạn 1 đầu tư là 20 triệu USD, giai đoạn 2 là 13 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là cung cấp sản phẩm nấm ăn đạt theo tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Dự án còn thực hiện các chức năng là Trung tâm lưu trữ các giống nấm ăn và Trung tâm nghiên cứu và phát triển các giống nấm ăn.

Nhà đầu tư cho biết, nhà máy trồng nấm sẽ được quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng HACCP, áp dụng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi được chấp thuận, dự kiến nhà đầu tư sẽ hoàn tất công tác xây dựng giai đoạn 1 trong 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Về phía Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM cho rằng, dự án này phù hợp với tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp sản phẩm nấm ăn đạt theo tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P cho thị trường Việt Nam, có ứng dụng các công nghệ tự động…

Để sớm giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, hôm 7/2, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Trái Đất Xanh Tươi; Trung tâm Tư vấn và phát triển nông nghiệp bền vững và Công ty cổ phần nông dược Hai; Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Rồng Đỏ và hoàn thành trước ngày 15/3/2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xử lý 3 dự án chậm triển khai của Công ty cổ phần Thiên Phong, Công ty cổ phần Sinh học Trường Xuân và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Quốc Thịnh theo đúng quy định.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Củ Chi và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặc bằng dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao (23,3 ha), tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi để sớm có quỹ đất, làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư.

Làm rõ việc giao đầu mối triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 774/VPCP – CN gửi Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Ảnh minh họa.

Tại văn bản này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT căn cứ theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức PPP, kiến nghị rõ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo đúng Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ làm cơ sở để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai ngay các thủ tục đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2024; phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai bảo đảm đúng quy định và nhiệm vụ được giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP được giao có ý kiến đối với việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án theo quy định của pháp luật, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/0/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào tháng 10/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó đề xuất giao địa phương này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Tại công văn số 464/VPCP – CN gửi Văn phòng Chính phủ vào tháng 1/2024, Bộ GTVT cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức PPP quy định việc kinh doanh Cảng hàng không được áp dụng phương thức PPP để đầu tư, khai thác (điểm a, khoản 1, Điều 4 và khoản 1, Điều 2, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ).

Trường hợp đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không như Cảng hàng không Biên Hòa, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ (điểm c, khoản 2, Điều 12). Về cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, Luật Đầu tư theo phương thức PPP cũng quy định cơ quan có thẩm quyền bao gồm Bộ hoặc UBND cấp tỉnh (khoản 1, Điều 5); trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền (khoản 3, Điều 5).

Như vậy, thẩm quyền xem xét, giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng mới Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP là của Thủ tướng Chính phủ.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng còn khó khăn, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP.

Trong giai đoạn trước mắt, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam để lập và phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Biên Hòa làm cơ sở nghiên cứu phương án đầu tư cho phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, rút ngắn tiến độ Sân bay Long Thành từ 3-6 tháng

Ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường Dự ánSân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo báo cáo tổng thể của Bộ Giao thông Vận tải, sau hơn 5 tháng khởi công, các nhà thầu đã huy động hơn 3.200 nhân lực và gần 1.300 máy móc thiết bị để thi công các gói thầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) cùng thi công với công nhân một hạng mục tại Dự án sân bay Long Thành ngày mùng 4 Tết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Riêng dịp Tết Nguyên đán trên công trường vẫn bố trí gần 800 kỹ sư, công nhân thi công xuyên Tết. Hiện nay, phần ngầm của nhà ga đã thi công xong, tiến độ thi công đường băng và nhà ga đảm bảo tiến độ, tiến độ giải ngân của các gói thầu đạt hơn 11.300 tỷ đồng.

Về công tác giải phóng mặt bằng đến nay, đã thu hồi tổng diện tích 4.882/5.000 ha, đạt 98,7%, trong đó đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 với tổng diện tích 2.532 ha (đạt 100%). Về bố trí tái định cư, tổng số gia đình bị ảnh hưởng là 5.647 hộ, trong đó đã xét duyệt 4.246 hộ (đã bố trí tái định cư 4.112 hộ); còn 320 hộ dự kiến xét duyệt đầu năm 2024.

Trên công trường Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã động viên và chúc tết cán bộ, công nhân, nhân viên tham gia thi công xuyên Tết các gói thầu của dự án.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tiến độ triển khai các hạng mục, trong đó giải phóng mặt bằng và các khâu thủ tục đã làm xong, đường băng và nhà ga đã thành hình.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022, 2023 là năm khởi động thì 2024 là năm tăng tốc, 2025 sẽ là năm bứt phá và 6 tháng đầu năm 2026 phải hoàn thành, đưa công trình sân bay Long Thành vào sử dụng.

Với tiến độ thi công như hiện nay trên công trường, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lại tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian thêm từ 3 đến 6 tháng để bù lại thời gian bị chậm. Đồng thời, phát động thi đua từ nay tới 30/4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để đạt được mục tiêu rút ngắn tiến độ từ 3-6 tháng, Thru tướng yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục phát huy tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", thi công 3 ca 4 kíp, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, bàn giao cho chủ đầu tư để triển khai các dự án thành phần, xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình bố trí tái định cư, triển khai dự án.

Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm, chúc tết người dân ở Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (huyện Long Thành). Tại đây, Thủ tương đã cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng để làm Dự án Sân bay Long Thành.

Sau khi nghe một số kiến nghị của người dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương rà soát lại, quan tâm tạo việc làm, sinh kế cho bà con, nhất là đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương làm việc tại dự án hiện nay và công trình sân bay Long Thành khi hoàn thành.

Chưa tìm được nguồn nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 đoạn qua Đắk Lắk

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 29 dài 293 km, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 174 km (Km109+800 - Km280+650), quy mô cấp III- IV, 2-4 làn xe, hiện trạng cơ bản cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường từ 5,5 m đến 16 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa và đá dăm láng nhựa.

Một đoạn Quốc lộ 29 qua Đắk Lắk.

Thời gian qua, tuyến đường đã được bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa cục bộ từ nguồn vốn bảo trì để duy trì chất lượng khai thác mặt đường bảo đảm êm thuận và an toàn cho phương tiện lưu thông (năm 2024, Quốc lộ 29 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk đã được bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên khoảng 7,097 tỷ đồng, sửa chữa định kỳ khoảng 36,995 tỷ đồng và giao Sở GTVT Đắk Lắk thực hiện).

Về nhu cầu đầu tư Quốc lộ 29 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt đoạn từ thị trấn Krông Năng đến thị xã Buôn Hồ (Km167+300 - Km175+900) theo quy mô quy hoạch nhằm bảo đảm tính đồng bộ, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, an ninh quốc phòng cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung là cần thiết.

Bộ GTVT đã nghiên cứu lập Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 29 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới (bao gồm cả Quốc lộ 29).

Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã cân đối khoảng 11.834 tỷ đồng để hoàn thành 01 dự án đang đầu tư (xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột) và khởi công mới 1 dự án (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1).

“Căn cứ nhu cầu đầu tư theo kiến nghị, Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực. Trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan và địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra và duy tu, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT quan tâm, đề xuất với Chính phủ cho bổ sung vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 đoạn thị trấn Krông Năng - thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk từ nguồn ngân sách Trung ương.

Dự án có địa điểm xây dựng tại huyện Krông Năng, huyện Krông Búk và thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Tổng mức đầu tư Dự án là 551,95 tỷ đồng, trong đó tuyến chính Quốc lộ 29 đoạn thị trấn Krông Năng - thị xã Buôn Hồ khoảng 420,15 tỷ đồng; tuyến nhánh đoạn từ thị trấn Krông Năng đi xã Phú Lộc khoảng 131,8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là năm 2024-2028.

Đầu tư 9.187 tỷ đồng xây đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 168/QĐ - TTg phê duyệt đề xuất Dự án “Xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” do UBND tỉnh Trà Vinh đóng vai trò cơ quan chủ quản, sử dụng vốn vay của ADB.

Ảnh minh họa.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe kết nối với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre qua hướng cầu vượt cửa Cung Hầu và cầu Cổ Chiên 2, đồng thời kết nối với tỉnh Sóc Trăng thông qua cầu Đại Ngãi với tổng chiều dài khoảng 60,7 km.

Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần nâng cao năng lực quản lý dự án, quy hoạch, quản lý hành lang kinh tế dọc theo các tuyến đường trong dự án nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với cam kết Paris.

Tổng mức đầu tư Dự án là 9.186,996 tỷ đồng, tương đương 388,9 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 284,323 triệu USD, tương đương 6.716,567 tỷ đồng; vốn đối ứng là 2.470,429 tỷ đồng, tương đương 104,577 triệu USD.

Đối với vốn vay ADB sẽ do Ngân sách trung ương cấp phát 90%, tỉnh Trà Vinh vay lại 10%; vốn đối ứng sẽ do tỉnh Trà Vinh tự cân đối, bố trí 100% từ ngân sách của tỉnh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước Thủ tướng về nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời hông báo với ADB về đề xuất Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, phối hợp với ADB lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

UBND tỉnh Trà Vinh chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về hiệu quả của Dự án; tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung đề xuất Dự án; chịu trách nhiệm thực hiện Dự án công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng và hoàn thành Dự án theo tiến độ được phê duyệt.

Quảng Nam: Gần 1.600 tỷ đồng đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Bến cảng Chu Lai

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam vừa qua đã thông báo tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của Công ty TNHH Cảng biển quốc tế Chu Lai đề xuất thực hiện Dự án mở rộng và nâng cấp bến cảng Chu Lai.

Theo đó, Dự án mở rộng và nâng cấp bến cảng Chu Lai được thực hiện tại Khu bến Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành). Quy mô dự án Xây dựng mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai thuộc Khu bến cảng Tam Hiệp cho tàu 50.000DWT. Diện tích sử dụng đất xây dựng bến cảng là 1,72ha.

Cảng Chu Lai tỉnh Quảng Nam.

Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1,72ha nằm trong phạm vi 5,48ha đã đăng ký trong kỳ Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Núi Thành được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1354/QĐUBND ngày 03/7/2023. Hiện trạng là đất mặt nước, do nhà nước quản lý và không có ai sử dụng.

Dự án mở rộng và nâng cấp bến cảng Chu Lai có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.589 tỷ đồng; tiến độ thực hiện Dự án là năm 2024 và 2025. Thời hạn hoạt động của Dự án là 70 năm…

Được biết, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (Thilogi) là một trong 15 cảng biển của cả nước được quy hoạch từ cảng biển loại 2 (cảng tổng hợp địa phương) thành cảng biển loại 1 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực) trong những năm đến.

Để phát triển cảng Chu Lai tương xứng với quy mô, sản lượng khai thác hàng hóa của cảng biển loại 1, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán khảo sát, lập quy hoạch phát triển cảng biển Chu Lai định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; là cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Đà Nẵng sẽ chuyển đổi một khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái

Thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt quyết định về Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp Thành phố đến năm 2030.

Chương trình được ban hành hướng đến mục tiêu đảm bảo ngành công nghiệp của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ được kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động phát sinh chất thải cả về số lượng và chất lượng.

Đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển đổi 1 khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Đồng thời, hoạt động cải thiện, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của ngành công nghiệp luôn trong trạng thái chủ động, từ đó giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp. Hoàn thành các tiêu chí về quản lý môi trường trong ngành công nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2023 – 2025, Thành phố Đà Nẵng sẽ chuyển đổi 1 Khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí quốc gia.

Ngoài ra, 100% khu, cụm công nghiệp thực hiện đúng quy định chung về bảo vệ môi trường và yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Giai đoạn 2023 – 2025, có 100% cơ sở công nghiệp theo quy định cam kết lập thủ tục để đăng ký cấp giấy chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; 100% cơ sở công nghiệp thực hiện thu gom, lưu trữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn sản xuất, chất thải nguy hại đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định …

Ngoài ra, Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đạt tỷ lệ 30% cơ sở công nghiệp hiện có không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường tại khu vực cơ sở hoạt động cam kết thực hiện chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

100% cơ sở công nghiệp hình thành mới phải đảm bảo đúng quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trước khi được cấp phép…

Trong giai đoạn 2026-2030, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện đảm bảo giữ vững tỷ lệ 100% đối với các nội dung đã đạt trong giai đoạn 2023-2025; 100% cơ sở công nghiệp có phát sinh bụi, khí thải, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường; Phấn đấu giữ vững kết quả đạt được đối với các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí quốc gia…

Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 KCN, tổng diện tích hơn 1.066 ha đang hoạt động. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các KCN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, với việc bổ sung 3 KCN mới là Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, với diện tích tăng thêm là 880 ha.

Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tạo động lực, sức bật mới cho Quảng Ninh

Năm 2024, Quảng Ninh dự kiến sẽ đưa thêm nhiều công trình giao thông vào khai thác. Đây là các công trình trọng điểm góp phần đồng bộ, hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phối cảnh cầu Bến Rừng.

Công trình cầu Bến Rừng là cầu thứ ba kết nối tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, sau cầu Đá Bạc và Bạch Đằng. Cầu có thiết kế dài 1.865,3 m, bề mặt rộng 21,5 m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, cùng hạ tầng phụ trợ đồng bộ như dải an toàn, dải phân cách, hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị an toàn giao thông..., với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Đây là công trình giao thông trọng điểm, hợp tác giữa 2 địa phương trong mục tiêu kết nối liên vùng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sau hợp long ngày 31/1/2024, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tích cực triển khai các hạng mục còn lại, phấn đấu hoàn thành công trình trước ngày 30/4/2024.

Cùng đó đường nối cầu Bến Rừng có chiều dài 2,2 km, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh gần 360 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2024 cùng cầu Bến Rừng.

Với đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đường ven sông), đây là công trình quan trọng trong chiến lược phát triển hành lang phía Tây của tỉnh Quảng Ninh. Đường ven sông có chiều dài 40,93 km, đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều. Trên tuyến thiết kế 13 cầu vượt sông, bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dạng cầu song lập. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, được triển khai từ đầu năm 2023.

Đến nay, các gói thầu cầu và đường đều đã được tập trung thi công tích cực, đặt mục tiêu với các gói thi công cầu phấn đấu về đích trước từ 2 đến 4 tháng. Dự kiến, kết thúc năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính dự án, thông xe kỹ thuật, chính thức đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025.

Cùng với các dự án giao thông kết nối liên vùng, dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Lạng Sơn đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ dự kiến được hoàn thành trong năm 2024. Công trình có chiều dài gần 21km, tổng mức đầu tư gần 816 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, hiện việc thi công đã đạt trên 65% khối lượng. Trong đó, đào đắp nền đường đạt trên 90% khối lượng. Đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công lớp cấp phối đá dăm và thảm nhựa mặt đường. Dự án khi đưa vào khai thác sẽ hoàn thiện giao thông kết nối giữa vùng thấp, vùng động lực, vùng phát triển với vùng cao của TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống của người dân.

Còn dự án cải tạo, nâng cấp tuyết đường liên xã Húc Động – Đồng Văn – Cao Ba Lanh ra Quốc lộ 18C hiện đã hoàn thành được gần 90% khối lượng công việc. Ngày 13/2 (mùng 4 Tết Nguyên đán), các đơn vị đều đã đồng loạt tổ chức thi công.

Dự án đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến Quốc lộ 18C có tính chất đặc thù, đặc biệt, đi qua 3 xã Húc Động, Hoành Mô và Đồng Văn, có chiều dài trên 43km, được chia thành 2 tuyến (tuyến Húc Động - Đồng Văn dài 28,82km; tuyến Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C dài 14,45km). Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực miền núi, biên giới.

Đối với dự án đường nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với cảng Vạn Ninh, hiện cũng đang được chủ đầu tư tập trung thi công. Tổng mức đầu tư của dự án trên 520 tỷ đồng. Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh có tổng chiều dài 9,5km, có điểm đầu tuyến từ km0+00 đấu nối với tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thuộc phường Ninh Dương và điểm cuối tuyến tại km9+500 xã Vạn Ninh. Đây là công trình được thành phố Móng Cái xác định là động lực, trọng điểm nhằm tạo ra hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ba nhà đầu tư đề xuất mở rộng quốc lộ nối TP.HCM với Tây Ninh

Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 là nhà đầu tư mới nhất gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất tham gia đầu tư mở rộng Quốc lộ 22.

Quốc lộ 22 nối từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh

Với kinh nghiệm đã đầu tư nhiều Dự án lớn như: Quốc lộ 1K đoạn qua TP.HCM- Bình Dương- Đồng Nai; Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa; tuyến cao tốc phía Đông đoạn Cam Lâm- Vĩnh Hảo.

Nhà đầu tư này đề xuất với UBND TP.HCM được tham gia đầu tư mở rộng Quốc lộ 22, đoạn từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3 theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Trước đó, hai nhà đầu tư là Tập đoàn Trung Nam; Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam- Công ty cổ phần xây dựng Đắc Đạo - Công ty TNHH Đồng Thuận Hà đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất được tham gia dự án mở rộng Quốc lộ 22.

Như vậy, tính đến hết tháng 1/2024, Dự án mở rộng Quốc lộ 22 đã nhận được sự quan tâm của 3 nhà đầu tư.

Sau khi nhận được đề xuất của hàng loạt doanh nghiệp, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án. Sau đó sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án vào quý III/2025 bằng hình thức đấu thầu.

Cần Thơ giao bổ sung 3.235 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn 7 km Quốc lộ 91

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký Quyết định số 294/QĐ-UBND về việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương.

Dự án có điểm đầu tại Km0 + 00, nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi

Theo đó, UBND TP. Cần Thơ giao bổ sung 3.235 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương cho Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lô 91 (đoạn từ Km0- Km7) TP. Cần Thơ do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lô 91 (đoạn từ Km0- Km7) TP. Cần Thơ được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TP. Cần Thơ.

Mục tiêu tổng thể của Dự án nhằm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, phấn đấu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố hiện đại và văn minh, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp; đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, làm trợ lực vững chắc cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần phát triển các khu vực lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả khai thác Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ, đặc biệt là kết nối khu cảng - khu công nghiệp Trà Nóc, sân bay Cần Thơ với các địa bàn lân cận; giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đoạn tuyến Km0 - Km7; kết nối toàn tuyến và hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả của dự án.

Về quy mô đầu tư, Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 7,04 Km (bao gồm cầu Bình Thủy). Dự án có điểm đầu tại Km0 + 00, nút giao đường Cách Mạng Tháng Tám - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi; điểm cuối tại Km7 kết nối với đoạn Km7 - Km14 đang khai thác.

Đây là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.240 đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Ðịa điểm thực hiện dự án tại quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Thời gian thực hiện dự án năm 2023 - 2027.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 146/QĐ – BGTVT phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với việc nghiên cứu phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không Cà Mau theo từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị được giao nhiệm vụ còn phải đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.

Cảng hàng không Cà Mau hiện hữu - Ảnh: ACV.

Các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; điều tra, thu thập các số liệu quá khứ và hiện trạng của Cảng hàng không Cà Mau; cập nhật các Dự án đã và đang triển khai tại Cảng hàng không; dự báo nhu cầu vận tải thông qua Cảng; đánh giá khả năng và các phương án quy hoạch Cảng, bao gồm khu bay và khu hàng không dân dụng cũng như các nội dung liên quan khác. Bên cạnh đó, nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn phải xác định tính chất, vai trò, quy mô của Cảng, cùng các chỉ tiêu cơ bản về đất đai cho thời kỳ quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật; xác định các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác phù hợp với mục tiêu phát triển của Cảng.

Theo Quyết định số 146, thời hạn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là năm 2024.

Bộ GTVT giao UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn; bảo đảm tư vấn được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Cà Mau và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm tài trợ; chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch; có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan lập quy hoạch sau khi tiếp nhận sản phẩm, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Theo Quy hoạch tổng thể số 648 về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau – TP.HCM và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.

Bình Phước thu hút nhà đầu tư châu Âu vào nông nghiệp công nghệ cao

Nhằm kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển công nghệ cao, đưa nông nghiệp tỉnh và mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền vừa ban hành Quyết định số 55/KH-UBND về kế hoạch tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - Bình Phước năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Phó Chủ tịch VIDA Vũ Mạnh Hùng và đại diện các sở, ban ngành Bình Phước tại buổi họp bàn tổ chức Diễn đàn.

Theo đó, Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - Bình Phước năm 2024 dự kiến được tổ chức chiều ngày 12/3, tại Trường chính trị tỉnh Bình Phước (TP. Đồng Xoài).

Ngoài đơn vị chủ trì là UBND tỉnh Bình Phước, Diễn đàn còn có sự đồng chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và được phối hợp thực hiện bởi Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam).

Dự kiến sẽ có khoảng 280 đến 320 đại biểu là các lãnh đạo đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh Bình Phước và các sở, ban ngành; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Lãnh sự và Tham tán Thương mại các nước châu Âu; các doanh nghiệp thuộc EuroCham, các tập đoàn lớn và doanh nghiệp Bình Phước.

Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đây là diễn đàn kết nối đầu tư quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Bình Phước. Đây cũng là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Phước; giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các Dự ántrọng điểm, đặc biệt là các dự án tại khu kinh tế, các dự án nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Diễn đàn cũng là cơ hội để Bình Phước mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi, thông tin với cộng đồng doanh nghiệp. Kết nối doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào địa phương, đặc biệt các doanh nghiệp trong EuroCham”.

Đặc biệt, tại Diễn đàn lần này, theo bà Trần Tuệ Hiền, UBND tỉnh Bình Phước, EuroCham, các hiệp hội và các tập đoàn nông nghiệp ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác và phát triển các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chia sẻ về mục đích tổ chức Diễn đàn, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, Tổng giám đốc De Heus châu Á cho biết: “Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp EuroCham kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ, nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Bình Phước đến với thị trường châu Âu. Tại Diễn đàn, EuroCham sẽ đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch VIDA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, với mục đích kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngoài các phát biểu đánh giá và nhận định về xu hướng đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp EuroCham, Diễn đàn sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, các tham luận của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng.

Đáng chú ý, bên lề Diễn đàn là các hoạt động hưởng ứng Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nghiệp công nghệ cao EuroCham - Bình Phước năm 2024, như: Hoạt động khảo sát các khu cụm công nghiệp của tỉnh Bình Phước; Hoạt động trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương…

Phú Yên kêu gọi đầu tư 15 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch

UBND tỉnh Phú Yên cho biết, theo quy hoạch tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2030, các khu du lịch được định hướng tập trung phát triển tại địa phương gồm Khu du lịch gành Đá Đĩa; Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài; Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Từ Nham; Khu danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện; Khu Di tích lịch sử Vũng Rô - du lịch sinh thái Hòn Nưa; Khu Du lịch sinh thái đầm Ô Loan; Khu Du lịch sinh thái đảo Nhất Tự Sơn; Khu danh thắng Quần thể Hòn Yến - bãi Phú Thường; Khu Du lịch sinh thái núi Đá Bia; Khu công viên văn hóa Núi Nhạn; các khu ẩm thực đậm đà Xứ Nẫu.

Du khách tham quan Di tích thắng cảnh quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện. Nguồn: phuyentourism.

Tỉnh Phú Yên cũng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các khu chức năng dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao. Trong đó, Phú Yên dự kiến thu hút khoảng 3 - 4 sân golf tại một số vị trí thuận lợi trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên thông tin, địa phương đang kêu gọi đầu tư 15 Dự ánvề lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.

Các dự án này gồm Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô – Hòn Nưa tại xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa có diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự án với mục tiêu hình thành một quần thể du lịch đặc thù, cao cấp, hiện đại phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, 3 dự án có mục tiêu hình thành sân golf gồm Dự án Tổ hợp khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp An Hòa Hải tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An (420 ha, 4.200 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch dịch vụ cao cấp Bãi Từ Nham tạ xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (300 ha, 3.000 tỷ đồng); Dự án Tổ hợp khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Đá Bàn – Hồ Mỹ Lâm tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (350 ha, 1.200 tỷ đồng).

Một số dự án khác như Dự án Khu du lịch, nghỉ dưỡng phía Tây Đầm Ô Loan tại xã An Cư, huyện Tuy An (100 ha, 1.500 tỷ đồng); Dự án Khu công viên chuyên đề kết hợp thuhơng mại – dịch vụ nghỉ dưỡng tại phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa (32,8 ha, 800 tỷ đồng); Dự án Tổ hợp khu du lịch, văn hóa, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe cao nguyên Vân Hòa tại huyện Sơn Hòa và huyện Tuy An (65 ha, 700 tỷ đồng).

Nhận diện hệ thống đô thị Phú Yên trong tương lai

Tại Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đô thị của Phú Yên đó là đến năm 2030, xây dựng Phú Yên có chuỗi đô thị ven biển, cơ bản trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, năng động và đa dạng, là tỉnh phát triển thuộc nhóm trên của các tỉnh có thu nhập trung bình cao của cả nước.

Phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng; Phát triển đô thị tập trung, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đô thị phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có bản sắc, bảo đảm phát triển bền vững…

TP Tuy Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên

Xây dựng từng đô thị trở thành trung tâm, đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của từng huyện, từng vùng và cả tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 50%.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, tỉnh Phú Yên sẽ huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư hình thành chuỗi đô thị ven biển với trung tâm là thành phố Tuy Hòa mở rộng về phía Nam, cực tăng trưởng của tỉnh.

Về phân vùng không gian đô thị, Phú Yên sẽ được phân thành 3 vùng theo 3 hình thái phát triển không gian.

Cụ thể, vùng không gian phát triển phía Đông (ven biển) bao gồm thành phố Tuy Hòa (dự kiến mở rộng về phía nam), thành phố Sông Cầu (dự kiến) và thị xã Tuy An (dự kiến). Đây là trung tâm hành chính, nơi tập trung dân cư mật độ cao của toàn Tỉnh và là trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa chính trị của toàn Tỉnh.

Vùng không gian phát triển bán sơn địa (Hành lang sông Ba), bao gồm huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa. Vùng không gian phát triển phía Tây (miền núi), bao gồm huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa và huyện Sông Hinh.

Về mô hình, cấu trúc và định hướng hệ thống đô thị, hệ thống đô thị tỉnh Phú Yên được chia thành 3 cực phát triển chính. Cực phát triển đô thị ven biển: bao gồm thành phố Tuy Hòa mở rộng về phía Nam (đô thị biển, trung tâm vùng tỉnh), thị xã Sông Cầu, đô thị Tuy An, phát triển kết hợp với khu Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Cực phát triển đô thị miền núi bao gồm thị trấn La Hai, đô thị Xuân Lãnh, đô thị Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); thị trấn Củng Sơn - đô thị trung tâm tiểu vùng, đô thị Sơn Long - đô thị sinh thái của vùng cao nguyên Vân Hòa, đô thị Trà Kê - Sơn Hội (huyện Sơn Hòa); thị trấn Hai Riêng, đô thị Tân Lập (huyện Sông Hinh); phát triển kết nối với vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk).

Cực phát triển đô thị bán sơn địa bao gồm thị trấn Phú Hòa, đô thị Phong Niên, đô thị Hòa Trị (huyện Phú Hòa); thị trấn Phú Thứ, đô thị Sơn Thành Đông, đô thị Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa).

Quy hoạch cũng xác định phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn của tỉnh Phú Yên như sau:

Giai đoạn 2021-2030, Phú Yên sẽ nâng cấp các đô thị hiện hữu và hình thành các đô thị mới phù hợp với Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt.

Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh Phú Yên có 12 đô thị bao gồm 1 đô thị loại II (thành phố Tuy Hòa); 1 đô thị loại III (thị xã Sông Cầu); 1 đô thị loại IV (thị xã Đông Hòa); 9 đô thị loại V gồm cá đô thị hiện hữu: Đô thị Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), đô thị La Hai (huyện Đồng Xuân), đô thị Hai Riêng (huyện Sông Hinh), đô thị Phú Hòa (huyện Phú Hòa), đô thị Phú Thứ (huyện Tây Hòa), thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) và hình thành đô thị mới: Tân Lập (xã Ea Ly - huyện Sông Hinh); Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); Xuân Phước (huyện Đồng Xuân).

Đến năm 2030, toàn tỉnh Phú Yên sẽ có 18 đô thị bao gồm 1 đô thị loại I ( thành phố Tuy Hòa mở rộng về phía Nam); 1 đô thị loại II (thành phố Sông Cầu); 1 đô thị loại III (thị xã Đông Hòa); 6 đô thị loại IV (đô thị Củng Sơn - huyện Sơn Hòa, đô thị La Hai - huyện Đồng Xuân, đô thị Hai Riêng - huyện Sông Hinh, đô thị Phú Hòa - huyện Phú Hòa, đô thị Phú Thứ - huyện Tây Hòa, thị xã Tuy An (dự kiến).

Và 9 đô thị loại V, gồm các đô thị hiện hữu (được thành lập đến 2025): Tân Lập (huyện Sông Hinh); Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Hình thành đô thị mới: Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); Trà Kê - Sơn Hội (huyện Sơn Hòa); Hòa Trị, Phong Niên (huyện Phú Hòa), Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), Sơn Long (huyện Sơn Hòa).

Quảng Trị đặt mục tiêu hoàn thành dự án tái định cư cao tốc trong tháng 3/2024

Quảng Trị phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 9 khu tái định cư phục vụ việc di dời các hộ dân tại dự án cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh trong tháng 3/2024.

Hiện nay, việc hoàn thành chậm các khu tái định cư là một trong những nguyên nhân chính khiến việc di dời chỗ ở cho các hộ dân trong phạm vi Dự án chưa được thực hiện, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh qua Quảng Trị chưa đạt như kỳ vọng.

Triển khai thi công xây dựng khu tái định cư tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Theo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh Quảng Trị cho biết, để triển khai dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đoạn qua Quảng Trị, toàn tỉnh sẽ có khoảng 351 hộ thuộc diện ảnh hưởng phải tái định cư tại 9 khu tái định cư (TĐC) với tổng diện tích quy hoạch khoảng 37,24 ha.

Về tiến độ thực hiện dự án tái định cư, tại huyện Vĩnh Linh, khu tái định cư xã Vĩnh Khê (diện tích 3,35ha, 28 hộ) hiện nay đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (28/28 lô). Công tác thi công hệ thống thoát nước đạt 30%, đang thi công đài nước; hệ thống đường giao thông được thi công đạt 40%. Dự kiến khu tái định cư này sẽ được cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 11/3/2024.

Đối với khu tái định cư xã Vĩnh Hà (diện tích 3,14ha, 40 hộ), đến nay đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (40/40 lô); thi công hệ thống thoát nước đạt 90%; Hệ thống đường giao thông đạt 60%. Hiện khu tái định cư đang được triển khai thủ tục đấu nối hệ thống cấp nước. Dự kiến khu tái định cư cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 11/3/2024.

Với khu tái định cư thị trấn Bến Quan (diện tích 1,52ha, 20 hộ), tại đây đã hoàn thành san nền, cắm mốc phân lô (20/20 lô); thi công hệ thống thoát nước đạt 90%; Hệ thống đường giao thông đạt 50%... Dự kiến khu tái định cư này sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 25/2/2024.

Tại huyện Gio Linh, đến nay khu tái định cư xã Hải Thái (diện tích 3,04ha, 29 hộ) đã hoàn thành san nền, cắm mốc phân lô (29/29 lô); khối lượng thực hiện đạt trên 95%, chỉ còn hạng mục bắt nước sinh hoạt và hoàn thiện.

Với khu tái định cư xã Gio An (diện tích 6,2ha, 72 hộ), hiện tại đây đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (72/72 lô); thi công hạng mục đường giao thông, cống thoát nước, đường điện và nước sinh hoạt đạt khoảng 45% khối lượng công việc. Dự kiến khu tái định cư sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 11/3/2024.

Tại khu tái định cư xã Linh Trường (diện tích 3,38ha, 31 hộ), tại đây đã hoàn thành san nền và cắm mốc phân lô (28/31 lô); thi công hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước đạt khoảng 35% khối lượng công việc. Dự kiến khu tái định cư Linh Trường sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 15/3/2024.

Huyện Cam Lộ cũng có 3 khu tái định cư được thực hiện. Đến nay khu tái định cư xã Cam Tuyền (diện tích 2,53ha, 15 hộ) đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (15/15 lô); thi công các hạng mục đường giao thông, cầu, cống thoát nước, hoàn trả kênh mương và các cấu kiện đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Dự kiến khu tái định cư sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 15/3/2024.

Với khu tái định cư xã Cam Thủy (diện tích 3,16ha, 20 hộ), tại đây đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (20/20 lô); thi công các hạng mục đường giao thông, cống thoát nước, hoàn trả kênh mương và các cấu kiện đạt khoảng 40% khối lượng công việc. Dự kiến cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng khu tái định cư trước ngày 15/3/2024.

Tại khu tái định cư xã Cam Hiếu (diện tích 10,92ha, 96 hộ), đến nay tại đây đã hoàn thành công tác san nền, cắm mốc phân lô (56/96 lô); thi công các hạng mục đường giao thông, cống thoát nước và các cấu kiện đạt khoảng 40% khối lượng công việc. Dự kiến khu tái định cư này sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ hạ tầng trước ngày 15/3/2024.

Cũng theo Ban Chỉ đạo GPMB cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ GPMB được 28,28/32,53 km, đạt 86,94%. Trong đó, huyện Cam Lộ thực hiện 6,32/6,58 km - đạt 96%; huyện Gio Linh thực hiện 9,36/11,7 km - đạt 80,0%; huyện Vĩnh Linh thực hiện 12,6/14,25 km - đạt 88,4%.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cũng đã bàn giao mặt bằng sạch cho Ban QLDA đường HCM (chủ đầu tư dự án) được 24,69/32,53 km - đạt 75,90%. Trong đó huyện Cam Lộ bàn giao 5,94/6,58 km - đạt 90,3%; huyện Gio Linh bàn giao 8,6/11,7 km - đạt 73,5%; huyện Vĩnh Linh bàn giao 10,15/14,25 km - đạt 71,2%.

Sân bay Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được đầu tư xây dựng với quy mô sân bay đạt cấp 4F.

Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế.

Cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay.

Đồng thời, sân bay này sẽ là trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam xác định sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh với 5 loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia.

Đảm bảo kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế. Lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam, các trục kết nối phục vụ các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

Đồng thời, hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước theo hành lang quốc tế Đông - Tây.

Quy hoạch cũng xác định sẽ nâng cấp, mở rộng hệ thống đường tỉnh gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; phát triển các tuyến đường huyện có tính kết nối liên huyện để nâng cấp thành các tuyến đường tỉnh. Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang, Cổ Cò với công nghệ hiện đại, kiến trúc độc đáo phù hợp với cảnh quan đô thị ven biển và thúc đẩy phát triển du lịch.

Về đường sắt, sẽ phát triển hệ thống ga đường sắt gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên.

Nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị kết nối vào mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố Đà Nẵng, bao gồm tuyến kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ thành phố Hội An.

Về cảng biển, sẽ đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt; hình thành trung tâm logistics đa phương tiện.

Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistics container của miền Trung - Tây Nguyên, là đầu mối hàng hóa quan trọng của hành lang quốc tế Đông - Tây.

Quy hoạch cũng định hướng, từng bước đầu tư nạo vét luồng các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang, Thu Bồn, khai thác vận tải đường thủy nội địa theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với các đảo trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và các khu du lịch, đô thị Đà Nẵng - Hội An - Duy Hải, Duy Nghĩa - Bình Minh - Tam Kỳ - Núi Thành…

Hạnh Nguyên (tổng hợp )

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/9187-ty-dong-xay-duong-hanh-lang-ven-bien-bo-sung-3235-ty-dong-nang-cap-quoc-lo-91-d209048.html