70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam: Có một dòng sông chảy mãi

Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã trở thành 'một dòng sông chảy mãi' lôi cuốn người xem từ những thước phim đen trắng đầu tiên của bộ phim 'Chung một dòng sông' cho đến bây giờ khi điện ảnh đã phát triển vượt bậc bởi công nghệ.

NSƯT Lê Vân vai người vợ trẻ mất chồng trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10. (Ảnh: tư liệu Cục Điện ảnh)

“Chung một dòng sông” - thước phim không thể lãng quên

“Chung một dòng sông” là bộ phim truyện khởi đầu cho điện ảnh cách mạng nước ta do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (Phạm Kỳ Nam) đạo diễn, phim dựa trên kịch bản đầu có tên “Tình không giới tuyến” của tác giả Cao Đình Báu. Sau nhiều lần được góp ý, sửa chữa đề cương còn sơ lược, tác giả đã cùng Đào Xuân Tùng hoàn thiện kịch bản với tên gọi là “Chung một dòng sông”.

Nội dung bộ phim xoay quanh tình yêu của Hoài và Vận - hai thanh niên sống ở vùng giới tuyến. Sau Hiệp định Geneve, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai bờ Nam - Bắc. Nhân vật Vận là du kích ở bờ Bắc. Nhân vật Hoài ở bờ Nam làm nhiệm vụ chở du kích qua sông. Họ yêu nhau từ thời kháng chiến chống Pháp và hai bên gia đình dự định tổ chức lễ cưới.

Tình yêu rồi đám cưới của họ bị cản trở do thời chiến, nhưng sức mạnh của tình yêu tiếp tục núi kéo họ lại với nhau… Với sự giúp đỡ của người dân bờ Nam, Hoài đã vượt tuyến sang bờ Bắc gặp người yêu. Tình yêu cho cô động lực lớn lao, Hoài trở về bờ Nam cùng mẹ và dân làng tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Câu chuyện tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của Hoài và Vận gắn liền với những biến cố lịch sử dân tộc. Họ đã vượt qua cách ngăn thời chiến để tìm kiếm nhau. Một thông điệp của điện ảnh ban sơ với sự thiết tha hòa bình, xóa đi vĩ tuyến chia đôi đất nước.

Phạm Kỳ Nam là đạo diễn duy nhất được đào tạo bài bản ở nước ngoài (Học viện Điện ảnh Pháp), còn lại các nhà làm phim mới từ chiến khu Việt Bắc về và chủ yếu mới có kinh nghiệm sản xuất phim tài liệu, thời sự. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Hồng Nghi phải tính toán trước bối cảnh, không gian, chỗ đặt máy, vị trí của diễn viên... để hạn chế tối đa việc quay lại. Họa sĩ Đào Đức đảm nhận vai trò thiết kế mỹ thuật phim. Tham gia phần thiết kế mỹ thuật phim là các họa sĩ Vi Ngọc Linh, Nguyễn Công Độ. Quay phim có nghệ sĩ Nguyễn Đắc. Nhạc phim do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đảm nhận...

Những diễn viên ban đầu đó sau này đã đi theo năm tháng của điện ảnh cách mạng, gắn liền với ký ức của nhiều người hâm mộ điện ảnh như: Phi Nga (vai Hoài), Mạnh Linh (vai Vận), Song Kim (vai Mẹ Hoài), Huy Công (vai Quảng), Thu An (vai chị Cạn), Trịnh Thịnh (vai Thư ký Liêu), Danh Tấn (vai Xướng), Trần Đình Thọ (vai ông Bân), Bích Vân (vai Thởi gián điệp), Văn Phức (vai Bố Vận), Văn Hòa (vai Quận trưởng), Đỗ Thụy (vai gián điệp), Ngô Nam (vai Cảnh sát sẹo), Hòa Tâm (vai Cảnh sát 1)...

Diễn viên phần lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau chưa qua đào tạo. Cả ê-kíp “Chung một dòng sông” đã tập trung cao độ, chịu đựng mọi khó khăn, vất vả, thiếu thốn… để dựng nên một câu chuyện tình yêu tuyệt vời cùng một thông điệp ý nghĩa trong giai đoạn nước nhà chia cắt.

Phim Mùa hè chiều thẳng đứng. (Ảnh: tư liệu Cục Điện ảnh)

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh nhận xét: “Phi Nga - lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959 - 1962) hóa thân vào vai chính đầu tiên khá tự nhiên, chân chất, giản dị. Chị Phi Nga mới vào trường, chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Lúc đầu, đạo diễn dự định giao cho chị một vai phụ. Sau khi thử vai chỉ một lần duy nhất, Phi Nga đã được nhận vai chính. Có lẽ sự thuyết phục ở chị là bởi cách diễn xuất truyền cảm, tự nhiên, chân chất, giản dị. Với khuôn mặt tươi sáng, nụ cười nhỏ nhẹ, duyên dáng, vai diễn của Phi Nga chân chất, hồn nhiên, hài hòa từ hình thức thể hiện với chiều sâu nội tâm. Qua diễn xuất của chị, nhân vật Hoài hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với tâm hồn trong sáng, đôn hậu, cốt cách, quả cảm, can trường. Đạo diễn đã rất tinh tế khi mời chị - người con miền Nam tập kết ra Bắc - vào vai Hoài trong hoàn cảnh hạnh phúc lứa đôi bị cản trở, mang nỗi đau chia cắt hai miền. Là diễn viên kịch nói sân khấu quen thuộc với đông đảo khán giả, vai Vận là vai chính điện ảnh đầu tiên của nghệ sĩ Mạnh Linh. Cả hai diễn viên Mạnh Linh - Phi Nga đã cộng hưởng diễn xuất làm nên bản tình ca đẹp, vượt giới tuyến”.

“Chung một dòng sông” công chiếu chính thức vào ngày 20/7/1959 kỷ niệm 5 năm sự kiện ký kết Hiệp định Geneve. Phim được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ nhất năm 1959. Bộ phim đoạt Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (1973).

Có thể nói, “Chung một dòng sông” với những thước phim đầu tiên nội dung còn sơ sài, cốt truyện còn lỏng lẻo, tính cách không rõ, tâm lý nhân vật, tuyến nhân vật còn một chiều, chất lượng âm thanh chưa tốt..., nhưng nó đã tạo nên sự hứng khởi của những người làm nghệ thuật. Họ đã vượt qua khốn khó của thời chiến dựng thêm nhiều bộ phim hay còn lưu luyến đến tận bây giờ. Sau thành công của bộ phim này, một loạt phim về đề tài cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc được sản xuất, trong đó có nhiều bộ phim khá thành công như: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Kim Ðồng, Lửa trung tuyến...

Trong giai đoạn chống Mỹ từ 1965 - 1975, nhiều bộ phim xuất sắc đã ra đời, như: Nổi gió, Ðường về quê mẹ, Người về đồng cói, Bài ca ra trận, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Tiền tuyến gọi... (phim truyện); Ðầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, Những người săn thú trên núi Ðắc Sao, Những người dân quê tôi... (phim tài liệu - thời sự); Con khỉ lạc loài, Chuyện ông Gióng, Khăm Phạ - Nàng Ngà (phim hoạt hình)...

70 năm - bước chân của điện ảnh cách mạng

Ngày 15/3/1953 tại Ðồi Cọ, bản Bắc, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Trước đó, vào năm 1947, điện ảnh Khu 8, Khu 7 đã thành lập ở Nam Bộ và cho ra đời những thước phim tài liệu chiến trường đầu tiên.

Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. (Ảnh: tư liệu Cục Điện ảnh)

Năm 1969, Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập sau kỳ Đại hội đầu tiên. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, điện ảnh đã có những tác phẩm với đề tài đa dạng hơn, xoay quanh cuộc chiến vừa kết thúc, công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ở cả hai miền. Một số phim đáng chú ý thời kỳ này là: Cô Nhíp, Ngày lễ thánh, Sao tháng tám (1976), Mối tình đầu (1977), Mùa gió chướng (1978), Mẹ vắng nhà (1979) và Cánh đồng hoang (1979).

Sang thập niên 1980, đề tài làm phim đã đa dạng hơn rất nhiều. Một số tác phẩm chuyển thể từ văn học sang đã rất được yêu thích và làm nên tên tuổi nhiều diễn viên như: Chị Dậu (1980) và Làng Vũ Đại ngày ấy (1983) với các diễn viên Lê Vân, Bùi Cường, Đức Hoàn. Một số phim khác đáng chú ý như: Thị xã trong tầm tay (1982), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) và Cô gái trên sông (1986), Ván bài lật ngửa (1982 - 1987)…

Thời kỳ đổi mới sau thập niên 80, điện ảnh rơi vào khủng hoảng do không còn được bao cấp. Xuất hiện dòng phim “mì ăn liền”, đề tài gần gũi với số đông, dễ ăn khách. Dòng phim này kéo theo một thế hệ diễn viên ngôi sao mới như: Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Thái San, Y Phụng, Công Hậu, Thu Hà...

Cuối thập niên 90, điện ảnh Việt bắt đầu thoát dần khỏi khủng hoảng, đánh dấu sự trở lại của dòng phim nghệ thuật với: Hà Nội, Mùa đông năm 1946, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Ai xuôi Vạn Lý… đã có những phim mang đề tài xã hội, gần gũi với cuộc sống như: Những người thợ xẻ, Thung lũng hoang vắng, Vua bãi rác…

Làn sóng các nhà làm phim Việt kiều về nước gia tăng, với các tên tuổi như: Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hồ Quang Minh, Việt Linh, Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Johny Trí Nguyễn… góp thêm những màu sắc mới mẻ cho điện ảnh Việt Nam. 10 năm trở lại đây, các hệ thống rạp chiếu hiện đại được xây dựng ở nhiều nơi, phim nhập khẩu cũng nhiều và phong phú hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà làm phim trong nước với phim ngoại. Những năm 2014, 2015 đánh dấu sự tăng vọt của phim nội trong doanh thu…

Song, năm 2022 và đầu năm 2023, điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện hai bộ phim có doanh thu kỷ lục 420 tỷ đồng (Bố già) và 458 tỷ đồng (Nhà bà Nữ) của nhà làm phim Trấn Thành… Song song với dòng chảy thương mại, phim độc lập Việt Nam với dấu ấn nghệ thuật đậm chất tác giả bắt đầu bước ra thế giới, từ Bi đừng sợ (2010), Đập cánh giữa không trung (2014), Cha cõng con (2017), Song Lang (2018), Ròm (2019) và gần đây nhất là Tro tàn rực rỡ (2022)...

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/70-nam-dien-anh-cach-mang-viet-nam-co-mot-dong-song-chay-mai-post493445.html