70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Người cựu binh và những ký ức hào hùng

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cận kề Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cựu binh Nguyễn Quang Phiệt (93 tuổi, ở xóm 1 xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) lại nhớ về chiến trường xưa, nơi có những đồng đội đã kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu bất khuất, kiên cường và cũng có biết bao người đã ngã xuống...

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết

Cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, khi cuộc chiến chống Pháp đang vào hồi quyết liệt nhất, năm 1953, khi vừa 20 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Phiệt đã trốn cha mẹ đăng kí đợt tuyển quân bổ sung vào chiến trường.

Tấm ảnh đầu tiên khi Nguyễn Quang Phiệt bước vào đời lính.

Thanh niên Phiệt trúng tuyển, chỉ với bộ quần áo dắt túi, ông lên đường tham gia huấn luyện tân binh cùng với những người lính trẻ khác. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, Nguyễn Quang Phiệt được bổ sung vào Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 được lệnh đánh cứ điểm Hồng Cúm, đây là phân khu phía Nam trung tâm Mường Thanh 3 cây số.

Nhớ lại thời khắc khi sắp tham gia trận chiến có ý nghĩa lịch sử này, cựu binh Phiệt giọng hào hứng nói: “Lúc bấy giờ những người lính trẻ như chúng tôi ai ai cũng sùng sục ý chí chiến đấu, chỉ mong đến giờ ra trận địa để tiêu diệt kẻ thù”...

Sau 20 ngày đêm hành quân trên con đường đầy nắng gió nơi miền Tây bắc, đơn vị của ông đến Tuần Giáo và được nghỉ lại một ngày để lấy sức ngày mai lên Điện Biên. “Ở Tuần Giáo lúc bấy giờ đã nghe thấy tiếng phi cơ gầm rú và tiếng đại bác rít lên liên hồi, khiến mọi người ai nấy đều hồi hộp. Niềm khao khát được cầm súng chiến đấu trong những ngày ở đơn vị vận tải đã hiện dần trước mắt đối với những người lính trẻ” – ông Phiệt cho hay.

Chiều ngày 6/5/1954, được tin Tổng tư lệnh quân đội Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm đơn vị để động viên, cổ vũ tinh thần toàn quân, và tối cùng ngày vào giờ G sẽ có tiếng nổ, đó là lệnh tổng công kích trên toàn chiến trường, ai cũng biết rằng chiến dịch đã đi đến hồi quyết định.

Cựu binh Nguyễn Quang Phiệt nhớ về chiến trường xưa ở Điện Biên Phủ.

Khí thế toàn quân đã sẵn sàng, khoảng 8h tối ngày 6/5, từ trong lòng đất trên đồi A1 phát ra tiếng nổ long trời của khối bộc phá gần 1.000kg.

Bị tấn công bất ngờ, nên quân địch từ trong hầm trú ẩn bị tử vong nhiều do sức ép quá lớn, hiệu lệnh tấn công đã phát, quân ta ào ra từ chiến hào để chiến đấu trong thế giằng co ác liệt, còn giặc cũng điên cuồng chống trả.

“Trấn chiến đó khiến nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, còn tôi bị thương ở tay, đạn găm vào đùi và được đưa về bệnh xá quân quân y để chữa vết thương. Nhưng sau đó, tôi lại trốn bệnh xá để tiếp tục trở lại đơn vị cầm súng chiến đấu” – cựu binh Phiệt nhớ lại.

Sau những trận chiến ở thế giằng co, 5h chiều ngày 7/5/1954, từ bên Hồng Cúm nhìn qua khu đồi A1, địch lũ lượt kéo cờ trắng xin hàng. Mường Thanh đã thất thủ, Tướng Đờ-Cát xin đầu hàng, niềm vui sướng vỡ òa trong lòng mỗi chiến sỹ.

Ở trung tâm là vậy, thế nhưng tại cứ điểm Hồng Cúm địch vẫn im lìm cố chống cự đến cùng, mặc dù quân ta đã buộc tướng Đờ Cát điện cho chỉ huy địch ở Hồng Cúm đầu hàng. 17h chiều, trung đội trưởng trung đội 55 bắc loa kêu gọi địch đầu hàng bằng tiếng Pháp, nhưng chúng điên cuồng dùng súng cối chống trả. Ngay lập tức quân ta đã dùng pháo bắn cấp tập vào cứ điểm của địch.

Chiến dịch Hồng Cúm kết thúc, các đồng đội của ông được hưởng niềm vui chiến thắng, cùng với người dân nơi đây, trong mắt ai cũng rưng rưng niềm vui lẫn xúc động.

CCB Nguyễn Quang Phiệt (thứ 9, từ trái qua) chụp lưu niệm cùng các CCB và cán bộ đoàn tham dự hội nghị toàn quốc Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội năm 2024.

Sau nhiều ngày vất vả áp giải số tù binh để đưa tới trại Kim Tân (Thanh Hóa) bàn giao, ông Phiệt cùng đơn vị được lệnh hành quân tham gia bảo vệ và tiếp quản Thủ đô. Sau đó ông Phiệt tiếp tục được đi học hết chương trình phổ thông rồi được cử đi học lái xe tăng ở Giang Tô (Trung Quốc) trong 3 năm.

Bình dị trong cuộc sống đời thường

Đến 1963 vì vết thương tái phát, sức khỏe không đảm bảo nên ông xin chuyển ngành. Cuộc đời quân ngũ 10 năm đã để lại trong lòng người lính những kỉ niệm sâu sắc không thể nào quên được, trong đó có trận chiến Hồng Cúm lịch sử.

Những tấm huy chương, huy hiệu giờ đây là kỉ vật quý giá được ông lưu giữ cẩn thận.

Trở về với cuộc sống đời thường ở quê nhà, ông tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao và luôn là người đi đầu trong các phong trào đó, nên được mọi người tin yêu.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, giờ đây những chiến sĩ Điện Biên năm xưa người còn, người mất. Có những Cựu chiến binh đã hơn 100 tuổi, nhưng ánh mắt vẫn đầy tự hào khi chia sẻ với con cháu những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đối với các cựu chiến binh, những ngày tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là khoảng thời gian hào hùng, anh dũng, quyết tâm chiến đấu để giành chiến thắng, bảo vệ Tổ quốc.

Những chiến công thầm lặng và sự hy sinh anh dũng của các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên phủ luôn là niềm tự hào và là những tấm gương đối với người dân Việt Nam.

Nhắc tới chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính trẻ năm nào lại thấy bồi hồi với những nỗi niềm khó tả. Bởi rất nhiều đồng đội đã ngã xuống nhưng hiện nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ, nhiều gia đình vẫn khắc khoải với mong ước được tìm thấy các anh, dù chỉ là một nắm xương tàn.

Còn với ông, được sống trở về đã là điều may mắn, còn sức khỏe để sống quây quần bên con cháu đã là niềm hạnh phúc. Và ông luôn dạy bảo con, cháu mình phải ra sức rèn luyện học tập, lao động, công tác noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ.

Gia Ân-Thành Đô

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-nguoi-cuu-binh-va-nhung-ky-uc-hao-hung-429189.html