7 thư viện đáng chiêm ngưỡng nhất thế giới

Trong kỷ nguyên của công nghệ, sách điện tử và smartphone thì thư viện với các kệ đầy sách vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng dân chúng. Trong số đó, có những thư viện đáng để ghé thăm, không chỉ vì các đầu sách cổ, quý hiếm mà còn bởi kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời của nó.

1. Thư viện Trung tâm (Seattle, Washington, Mỹ)

Ảnh: AFP

Thư viện Trung tâm ở Seattle có được hình dáng như ngày nay là do kiến trúc sư người Hà Lan Rem Koolhaas và nhà thiết kế người Mỹ Joshua Ramus tạo nên. Ấn tượng ban đầu về thư viện này là kiến trúc đẹp, hiện đại và tinh tế. Hàng năm có rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm, khám phá, tìm hiểu nơi đây. Trong năm đầu tiên mở cửa, thư viện đã đón hơn 2 triệu du khách trong và ngoài nước.

Viện Kiến trúc Mỹ đã bình chọn Thư viện Trung tâm ở Seattle là một trong 150 công trình kiến trúc được yêu thích ở Mỹ. Trong những năm qua, thư viện này cũng nhận được nhiều đánh giá tốt và được coi như một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng: bóng bẩy, quyến rũ và độc đáo.

Đặc biệt, thư viện này còn thường xuyên tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật, các buổi ký tặng sách cũng như nhiều sự kiện khác quanh năm.

2. Thư viện trường cao đẳng Trinity (Dublin, Ireland)

Đây là thư viện lớn nhất ở Ireland, có niên đại từ năm 1592. Ảnh: AFP

Được thành lập vào năm 1592, dưới thời Nữ hoàng Elizabeth I, thư viện của trường cao đẳng Trinity (tại Dublin) cũng là thư viện lâu đời nhất ở Ireland.

Không chỉ sở hữu vẻ ngoài ấn tượng, đây còn là thư viện có kiến trúc buồng lớn nhất thế giới, còn được gọi là Long Room (nghĩa là “Căn phòng dài”), hiện đang cất giữ hơn 200.000 cuốn sách cổ nhất của thư viện.

Một trong những bản thảo viết tay nổi tiếng nhất là The Book of Kells: Turning Darkness into Light (Tạm dịch: Sách của Kells: Chuyển bóng tối thành ánh sáng) gồm 4 quyển sách phúc âm viết bằng chữ Latin trên giấy da dê, dựa theo bản Kinh thánh bằng tiếng Latin được viết hồi thế kỷ thứ 4. Chỉ riêng bản thảo này mỗi năm đã thu hút hơn 500.000 du khách lặn lội từ khắp nơi tới để chiêm ngưỡng.

Tòa nhà Long Room mang hình dáng của một cây đàn hạc - biểu tượng của Ireland, có từ thế kỷ 15 nên được coi là “cây đàn hạc cổ nhất” của nước này.

3. Thư viện Geisel (Đại học California, San Diego, Mỹ)

Thư viện này được đặt theo tên thật của Tiến sĩ Seuss là Theodor Seuss Geisel. Ảnh: Flickr

Được đặt theo tên thật của Tiến sĩ Seuss, thư viện Geisel (ở San Diego) là một trong những thư viện hiện đại nhất thế giới. Nhìn lướt qua, thư viện giống như một con tàu vũ trụ hoành tráng, uy nghi.

Kiến trúc sư William Perei đã lấy cảm hứng từ trạm không gian tại Cape Canaveral (Houston, Texas, Mỹ) để thiết kế nên thư viện này vào năm 1970. Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng, truyện ngắn và tiểu thuyết đã “mượn”, đưa thư viện này vào để xây dựng các bối cảnh.

4. Thư viện Trường công nghệ Delft (Hà Lan)

Mái thư viện được phủ xanh bằng cỏ. Ảnh: Flickr

Xây dựng vào năm 1997, hiện nay thư viện trường Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) có hơn 862.000 cuốn sách, 16.000 quyển báo tạp chí và một bảo tàng riêng. Nhưng những điểm ấn tượng về thư viện này không chỉ dừng ở quy mô số lượng sách lưu trữ, mà còn ở cảnh quan đẹp mắt.

Tòa nhà nằm bên dưới mặt đất, mái nhà được che phủ bởi đồi cỏ rộng 5.500m2 chính là điểm đặc biệt của thư viện này. Do đó, nếu đứng trên mặt đất, du khách rất khó nhìn thấy thư viện này.

Nổi bật trên “đồi cỏ” là một hình nón khổng lồ, tượng trưng cho công nghệ được xây “xuyên” qua mái nhà. Khi xây dựng mái thư viện này gặp rất nhiều khó khăn trong khâu bảo dưỡng và chống rò rỉ. Nhưng đến khi hoàn thiện, thì mái nhà chính là điểm ấn tượng, nổi bật nhất và trở thành công trình kiến trúc thân thiện với môi trường và người đọc.

5. Thư viện Bibliotheca Alexandrina (Alexandria, Ai Cập)

Bibliotheca Alexandrina là một phiên bản hiện đại của thư viện cổ nổi tiếng đã bị đốt cháy vào thế kỷ thứ 4

Thư viện Bibliotheca Alexandrina ngày nay được xem như sự “hồi sinh” của thư viện cổ của Hoàng gia Alexandria. Đây là thư viện lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong thế giới Hy Lạp, xây dựng dưới thời Alexander Đại đế cách đây 2.300 năm.

Thư viện Bibliotheca Alexandrina được hoàn thành năm 2002 trên bờ biển Địa Trung Hải, sau 10 năm thiết kế, quy hoạch và xây dựng.

SNOHETTA (người chiến thắng cuộc thi quốc tế do Liên minh Kiến trúc sư quốc tế, UNESCO và chính phủ Ai Cập tổ chức) là đơn vị đã thiết kế nên thư viện mới ngày nay.

Với cấu trúc vòng tròn nghiêng, tường phủ đầy các bản khắc tranh và chữ cái để thể hiện đây là thư viện ngôn ngữ, Bibliotheca Alexandrina trông như một bức tranh hiện đại cuốn hút mọi ánh nhìn.

Ngoài các khu chứa sách được thiết kế theo tiêu chuẩn, Bibliotheca Alexandrina còn có 4 bảo tàng trưng bày cổ vật, bản thảo, các tác phẩm khoa học, 15 không gian triển lãm cố định, bao gồm “Ấn tượng Alexandria”, “Thư pháp Ả Rập” và “Lịch sử in ấn”.

6. Thư viện thành phố Stuttgart (Stuttgart, Đức)

Thư viện thành phố Stuttgart gồm những khối hình học màu trắng. Ảnh: Flickr

Là một cấu trúc đẹp đẽ, ấn tượng, nhưng thư viện thành phố Stuttgart (Đức) đang vấp phải nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng không gian, kiến trúc thư viện rất sáng tạo, nhưng số khác lại cho rằng nó không phù hợp với đời sống của người dân địa phương.

Dẫu vậy, thư viện thành phố Stuttgart cùng với bảo tàng Porsche gần đó vẫn là một trong những công trình kiến trúc thú vị nhất trong khu vực.

Thư viện này do kiến trúc sư người Đức gốc Hàn Quốc Yi Eun-young thiết kế, với cấu trúc khối lập phương được lấy cảm hứng từ các đền thờ cổ Pantheon ở Rome (Italy).

Ở giữa là không gian chung, có hình trái tim tạo bởi các đường thẳng, đây là nơi luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Các cầu thang được sơn màu trắng làm không gian thêm sáng sủa, trang nhã và hiện đại và nổi bật thêm các giá sách nhiều màu.

Tất cả các cầu thang bộ được thiết kế với độ dốc là 45 độ và bố trí cân xứng với nhau tạo cảm giác thoải mái cho người đọc. Thư viện là không gian lý tưởng tổ chức các sự kiện khác nhau như ký tặng sách và triển lãm.

7. Thư viện công cộng Bishan (Singapore)

Thư viện Bishan được thiết kế như một ngôi nhà cây. Ảnh: Flickr

Thư viện công cộng Bishan trải rộng trên diện tích 4.000m2 ở trung tâm của Bishan (Singapore). Với thiết kế vừa đơn giản vừa tinh tế, nhìn từ xa trông giống như một ngôi nhà cây khổng lồ.

Những ô cửa được kéo dài ra bên ngoài, sơn sửa bắt mắt hệt như những cuốn sách nhô ra, thụt vào trên giá sách. Đặc biệt, đây cũng chính là không gian dành riêng cho người những người muốn thực sự yên tĩnh để đọc sách hoặc là nơi tổ chức hội thảo, các buổi tọa đàm, diễn thuyết.

Thu Thủy

Theo CNN

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/7-thu-vien-dang-chiem-nguong-nhat-the-gioi-78608.html