7 sự kiện bi hài nhất năm 2012

Những sự kiện sau đây do CSTC bình chọn, lấy tiêu chí bi và hài làm cơ sở, nhưng là sự bi hài rất đáng suy ngẫm, là nỗi trăn trở của toàn xã hội...

Bóng đá Việt: Tưởng sư tử...

1. Qua lốc, nhận ra "lừa đội lốt sư tử"!

Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam có hơn 1 năm được FIFA xếp ngự trị số 1 Đông Nam Á, trong đó nhiều tháng lọt top 100, vượt trên Thái Lan tới 42 bậc, trên cả những "ông kẹ" châu lục như Triều Tiên, UAE... Bởi sự hoành tráng ấy nên khi xuất quân sang Thái Lan đấu AFF Suzuki Cup, từ cầu thủ, huấn luyện viên đến VFF đều coi việc lọt vào trận chung kết là đương nhiên và không quên dọa người Thái "sẽ đánh bại các bạn như 4 năm trước".

Sự thật đã rõ, tuyển Việt Nam trắng tay rời giải chỉ vẻn vẹn 1 điểm và xách về nỗi khiếp vía khi xung trận. Một lãnh đạo VFF phân bua rằng, họ không có "chạy" FIFA để được thứ hạng cao, nhưng các chuyên gia thì thực tế hơn: tuyển Việt Nam lâu nay ngộ nhận vị trí "là riêng, là thứ nhất", còn thực ra chỉ đứng thứ 5, thứ 6 khu vực, sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, chỉ ngang hàng với Myanmar, Lào.

Lời bàn: Chuyện ngụ ngôn kể, có con lừa lấy bộ da sư tử khoác vào, các loài vật tưởng sư tử, khiếp vía trốn chạy, từ đó lừa cũng tưởng mình có sức mạnh sư tử. Bất ngờ cơn lốc ào tới, lột phăng da sư tử, lừa hiện nguyên hình và bị hổ, gấu, sói... xông tới xé xác! Chuyện xưa, cứ ngỡ để viết cho bóng đá Việt hôm nay.

2. "Đi đêm" đụng Bí thư Thành ủy!

Vụ nhân viên bến phà Bính đòi "làm luật" cả Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong cơn bão Sơn Tinh xứng đáng để lọt vào top đầu sự kiện bi hài nổi bật nhất năm. Hôm đó (chiều 28/10), Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão ở huyện Thủy Nguyên. Khoảng 18h30 cùng ngày, ông Thành từ huyện Thủy Nguyên trở lại nội thành Hải Phòng qua bến phà Bính. Khi đến bến phà, đoàn đi xe biển trắng nên nhân viên không biết lãnh đạo thành phố đi công tác và đã từ chối chạy phà, sau đó đòi "làm luật". Bí thư Thành ủy điện thoại "cầu cứu" nhưng không có kết quả.

Vụ nhân viên "làm luật" Bí thư Thành ủy gây xôn xao dư luận, sau đó bị xử nghiêm, hàng loạt cán bộ, nhân viên bị kỷ luật, kể cả lãnh đạo Sở GTVT. Chuyện "làm luật" của cán bộ công quyền đã quá cũ. Nhưng vòi cả người đứng đầu thành phố thì đúng là xưa nay hiếm.

Lời bàn: Nhân chuyện này mới thấy cái biển xanh, biển trắng của ông Bí thư Thành ủy nghiệm đến chỗ nào, bởi đó như cuộc vi hành, có đi biển trắng lãnh đạo mới trực diện tiêu cực mà nếu ở hội trường nghe báo cáo, "cái kim" phổ biến ấy có bao giờ ló dạng? Đây chỉ là dẫn chứng điển hình cho chuyện tiêu cực trong bộ máy hành chính hiện nay.

3. Công chức 100 triệu và chuyện "đốt đuốc tìm chứng cứ"!

Phát ngôn của Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực về việc "chạy công chức mất ít nhất 100 triệu đồng" tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội cuối năm 2012 gây sốc. Sốc không phải vì con số 100 triệu, mà bởi chuyện ai cũng hiểu, song chỉ khi nói ra trước hội họp mới giật mình như thật. Nó cũng gây ra cuộc tranh luận ồn ào trên báo chí và đi đến "tổng kết": mức 100 triệu chỉ là ít nhất, còn nhiều nhất khó thể định hình gấp bao nhiêu lần. Về vụ này, Bộ Nội vụ vào cuộc, cho biết sẽ thanh, kiểm tra làm rõ. Nhưng tìm chứng cứ "chạy công chức" quả khó như mò kim, mà mò theo kiểu "Bộ Nội vụ chưa nhận báo cáo vụ "chạy" công chức" thì kết quả thế nào đã rõ!

Lời bàn: Giá mà các vị có chức có quyền cũng "vi hành" trong dân thì trong chuyện chạy công chức, thiếu gì sự thật sinh động đâu cần lời bàn và đâu cần thanh, kiểm tra.

4. "Bầu khủng" sa cơ

Bắt đầu từ hội nghị tổng kết mùa giải (8-9-2011) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên trở thành gương mặt "ăn khách" trên các phương tiện truyền thông và nhanh chóng nổi đình nổi đám cả về tiềm lực lẫn khả năng "chém gió". Đặc biệt, ngày 14-12-2011, VPF chính thức được thành lập, được giao nhiệm vụ tổ chức và điều hành V-League 2012. Đây là sự kiện lịch sử của nền bóng đá nước nhà, in đậm dấu ấn "bầu Kiên" khi lần đầu tiên, giải vô địch quốc gia hai hạng đấu cao nhất không còn nằm trong tay VFF như truyền thống...

Tuy nhiên, dư luận ngã ngửa khi nhận ra sự thật ông bầu bằng các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Ông Nguyễn Đức Kiên trở thành bị can với 3 tội danh, gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và kinh doanh trái phép.

Lời bàn: Phần nổi của một con người dễ nhận diện, nhưng còn lại là phần "tảng băng chìm" rất khó thấy, nhưng người ta nói: Cuộc sống thật khó đoán định sự tốt - xấu và ranh giới theo nghĩa đó nếu chỉ trực diện bề nổi.

5. Lợi ích nhóm ở đâu?

Từ khi SJC được Ngân hàng Nhà nước công nhận là thương hiệu vàng miếng quốc gia, Công ty SJC đương nhiên được hưởng lợi thế, dù việc sản xuất, dập vàng của họ tới đây cũng bị tước quyền. Việc đưa ra quyết định này có nguyên do của Ngân hàng Nhà nước và vì mục đích lâu dài là ổn định thị trường vàng, tuy nhiên, trước mắt, người dân chịu nhiều thua thiệt. Người sở hữu vàng phi SJC bất ngờ bị "bay của" sau khi giá các loại vàng này giảm mạnh, chênh lệch lớn so SJC, đồng thời tạo ra một loạt vàng giả, nhái SJC. Cùng với đó là các hệ lụy xã hội...

Nhiều vấn đề đã được đặt ra và làm nóng nghị trường Quốc hội, trong đó có chuyện "lợi ích nhóm".

Lời bàn: Có những câu hỏi ngầm hiểu nhưng không thể trả lời được. Lợi ích nhóm ở đâu, ra sao, lại trả về cho dư luận.

6. Hai siêu dự án gây chấn động

Giữa lúc kinh tế nước nhà gặp rất nhiều khó khăn, GDP tăng trưởng chậm lại, ngân sách eo hẹp, các dự án hầu hết phải dừng hoặc hủy, việc tăng lương cũng phải chắt chiu từng đồng thì bất ngờ hai dự án khủng xuất hiện: dự án xây dựng siêu trụ sở Bộ GTVT trị giá hơn 12 nghìn tỉ đồng và dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 12 nghìn tỉ. Đặc biệt, dự án xây siêu bảo tàng thực là chuyện bi hài số một: ngân sách thắt lưng buộc bụng mà dự án ngốn số tiền khổng lồ, trong khi hiện nước ta đang dư thừa bảo tàng, rõ nhất là Bảo tàng Hà Nội gần như để không. Đáng ngạc nhiên là cuối năm 2012, mặc dù dư luận phản đối nhưng cơ quan chủ quản vẫn trình "sự cấp thiết" để xin kinh phí.

Lời bàn: Sự cần thiết một dự án không nên chỉ nhìn vào văn bản. Khi mà dư luận về lợi ích nhóm hay "tham nhũng chính sách" đang gây bức xúc thì bất kể dự án nào cũng cần phải lật lại, xem thực chất đằng sau đó là gì, lợi ích nào?

7. Đề xuất kỳ quặc nhất nhưng đừng tưởng "khùng"

Đề xuất nhập xe túc túc, thực ra không "khùng" mà nó có lý do cả, tiếc là không được làm rõ.

Nhập xe túc túc, đó là ý tưởng được Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đề xuất lên Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, được lý giải nhằm "góp sức" vào chuỗi các giải pháp hạn chế xe cá nhân. Hiệp hội này lập luận rằng, loại xe 3-4 bánh - còn gọi là xe túc túc - hiện được sử dụng phổ biến ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore... Bằng việc cho phép xe túc túc hoạt động trên đường liên xã, liên huyện, Hiệp hội nói sẽ có tác dụng "hạn chế được lưu lượng phương tiện là xe máy từ ngoại thành vào nội đô"...

Đương nhiên, đề xuất kỳ quặc này bị Bộ GTVT bác. Nhưng điều đến nay chưa được làm rõ là tại sao một hiệp hội rõ về giao thông như vậy lại đề xuất nhập loại xe thực chất là xe lam, vốn đã bị cấm lưu hành vì gây quá nhiều hệ lụy, rồi vẽ ra lý do lạ lùng như trên?

Lời bàn: Dư luận cho là đề xuất "khùng", nhưng nhiều người nghĩ khác. Chẳng ai khùng cả, đều chuyên gia thì khùng làm sao. Vấn đề là nhiều dự án, đề xuất thường giấu cái lợi ích phía sau, tiếc là đến nay ngoài việc bác đề xuất, cũng không ai khơi được cái sự thật đằng sau đó là gì!

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat-sukien/tieudiem/2013/1/184494.cand