7 giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch

(PL&XH) - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác cải cách hành chính nói chung và trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng của TP Hà Nội.

Ý thức được điều đó, nhiều năm qua, ngành Tư pháp TP Hà Nội đã tích cực tham mưu giúp Thành ủy, UBND TP hoàn thiện thể chế liên quan đến đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch; thường xuyên quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ này, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà cán bộ Tư pháp hộ tịch được giao phụ trách tới 12 đầu việc, nhưng theo biên chế chỉ có 1 cán bộ. Theo đó, ở nhiều xã, phường, thị trấn biên chế đội ngũ công chức Tư pháp hộ tịch đã được bổ sung; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ để vừa đáp ứng yêu cầu đăng ký “kịp thời, đầy đủ, chính xác” các sự kiện hộ tịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nhờ vậy, thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội đã đáp ứng tốt nhu cầu đăng ký các sự kiện hộ tịch của cá nhân. Trung bình hàng năm, toàn TP khai sinh cho hơn 180 nghìn trẻ em, đăng ký kết hôn cho hơn 67 nghìn đôi nam, nữ, đăng ký khai tử gần 35 nghìn trường hợp (chưa tính các trường hợp đăng ký lại). Ngoài ra, việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha mẹ con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; cấp lại bản chính Giấy khai sinh; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ Sổ hộ tịch… được thực hiện có nền nếp, nhanh chóng và hiệu quả.

Mục tiêu quan trọng trong cải cách hành chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh: Quỳnh Anh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, so với yêu cầu nhiệm vụ thì lực lượng cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế như: Đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch còn mỏng, chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều, một số ít cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ, chủ yếu mới qua tập huấn đào tạo, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn còn thấp. Bên cạnh đó, cán bộ Tư pháp hộ tịch hiện còn phải kiêm nhiệm cùng lúc rất nhiều hoạt động, tác nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động Tư pháp, trong đó có việc đăng ký hộ tịch. Vì phải kiêm nhiệm, công chức Tư pháp hộ tịch không có thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc thực thi công vụ do đó vừa thiếu tính chuyên nghiệp, vừa không đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Chẳng hạn, khi giải quyết các việc về hộ tịch chỉ dựa vào giấy tờ mà không có xác minh, đặc biệt là việc giải quyết yêu cầu về thay đổi, cải chính hộ tịch, đăng ký lại khai sinh cho cán bộ, công chức nên đã dẫn đến sai sót trong nội dung đăng ký. Vẫn còn tình trạng nhầm lẫn giữa cải chính và thay đổi hộ tịch. Nhiều hồ sơ thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch chưa đủ căn cứ… Việc đăng ký hộ tịch không đúng thẩm quyền cũng như dễ dãi trong việc cấp giấy tờ hộ tịch nhất là việc cấp bản sao không căn cứ vào sổ gốc vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Nhiều trường hợp nội dung trong bản chính Giấy khai sinh khác với nội dung đã ghi trong sổ gốc; thậm chí có những trường hợp một người được cấp 2 bản chính Giấy khai sinh với nội dung khác nhau….

Do đó, để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội, trong thời gian tới cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, để đảm bảo ổn định và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch thì việc Luật Hộ tịch quy định chức danh Hộ tịch viên là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác Tư pháp khác, theo hướng chuyên nghiệp hóa chức danh Hộ tịch viên để bảo đảm nâng cao chất lượng và trách nhiệm đăng ký hộ tịch, đáp ứng được mô hình đăng ký hộ tịch ở cấp xã. Chức danh Hộ tịch viên cần được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hộ tịch như các chức danh hộ tịch khác như Công chứng viên, Đấu giá viên, Trợ giúp viên pháp lý…

Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp hộ tịch các cấp, đủ về số lượng và tiêu chuẩn nghiệp vụ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, cán bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tư pháp hộ tịch; tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ cán bộ Tư pháp hộ tịch. Tăng cường giáo dục, rèn luyện chính trị, tư tưởng, thái độ phục vụ nhân dân, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Công chức Tư pháp hộ tịch và những người có thẩm quyền giải quyết công việc của dân phải là những người gương mẫu, tự giác trong chấp hành pháp luật, phải thực sự là những người công tâm, chuẩn xác, làm việc khoa học, mang tính chuyên nghiệp cao; Đối với những vùng điều kiện đi lại khó khăn hoặc vì lý do khách quan khác, công chức Tư pháp hộ tịch phải tìm đến dân chứ không phải ngồi chờ dân đến. Phải biết lắng nghe ý kiến góp ý, trao đổi của dân. Phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền của mình nói chung và trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng, phải thực sự là “công bộc” của dân. Có như vậy mới thực sự làm cho dân tin, thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý hộ tịch, hiệu quả quản lý Nhà nước về hộ tịch mới được nâng cao.

Thứ tư, chú trọng công tác tuyển dụng cán bộ, từng bước bố trí, sắp xếp để tiến tới 100% công chức Tư pháp hộ tịch đạt chuẩn, trong đó 80-90 % cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn có trình độ ĐH. Nội dung thi tuyển ngoài hiểu biết pháp luật nói chung, cần coi trọng kiểm tra, sát hạch về kỹ năng xử lý tình huống. Mặc dù hướng đến tin học hóa quản lý hộ tịch nhưng cũng cần xem xét chữ viết đẹp, rõ ràng cũng là một trong những tiêu chuẩn của người dự tuyển. Việc tuyển dụng phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, khách quan, công khai, khuyến khích nhưng cần đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, phấn đấu 100% công chức Tư pháp hộ tịch xã, phường thị trấn có máy tính nối mạng để thực hiện thống nhất quản lý chuyên ngành bằng công nghệ thông tin.

Thứ sáu, để kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ Tư pháp hộ tịch ở cơ sở phát huy được khả năng và trí tuệ phục vụ công việc được giao, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ làm công tác Tư pháp hộ tịch.

Thứ bảy, hàng năm cấp TP cần tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ Tư pháp hộ tịch; kiên quyết đưa ra khỏi vị trí công tác những cán bộ, công chức Tư pháp hộ tịch có năng lực chuyên môn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Tư pháp hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian tới, thiết nghĩ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên thì chắc chắn công tác đăng ký hộ tịch sẽ đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, toàn TP Hà Nội
có 861 cán bộ Tư pháp cấp xã trên tổng số 577 xã, phường, thị trấn, trong đó 542 công chức Tư pháp hộ tịch xã có trình độ cử nhân Luật (chiếm 62,7%),
185 cán bộ có trình độ trung cấp Luật (chiếm 21,5%), 134 cán bộ có trình độ chuyên môn khác. Cán bộ chuyên trách thực hiện
công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở cấp xã có thời gian công tác từ 5 năm trở lên
là 554 cán bộ (chiếm 4,3%), 307 cán bộ (chiếm 35,7%) cán bộ tư pháp đã làm
công tác tư pháp hộ tịch dưới 5 năm.

Nguyễn Phương Nam (Sở Tư pháp TP Hà Nội)

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130602100146571p1002c1022/7-giai-phap-nang-cao-nang-luc-doi-ngu-can-bo-tu-phap-ho-tich.htm