7 giải pháp để ngành Du lịch Việt Nam đột phá trong năm 2024

Ngành Du lịch Việt Nam đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu là đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa trong năm 2024.

Tại tọa đàm Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá do báo Người Lao động tổ chức sáng ngày 12-3, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu là đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Đây là mục tiêu rất tham vọng.

7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành Du lịch có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng phê duyệt. Khi quy hoạch ban hành, ngành du lịch xác định hướng đi để tổ chức thực hiện.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động liên kết – phát triển điểm đến xanh-bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm.

Thứ ba, đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt.

Một nhiệm vụ nữa là thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài – đây điểm yếu của Việt Nam so với các nước. Trước tiên sẽ mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào).

Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng là xây dựng được nhiều sản phẩm phù hợp giữ chân du khách.

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế.

Thứ sáu, phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách. Thứ bảy, tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.

Tọa đàm Giải pháp để ngành Du lịch tạo đột phá do Báo Người Lao động tổ chức sáng ngày 12-3. Ảnh: Thu Trinh.

Đề xuất nhiều giải pháp

Về phía TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau dịch COVID-19, ngành du lịch thành phố định hướng chú trọng về đóng góp của doanh thu, không quá chú trọng vào số lượng khách nhất là trong bối cảnh khách quốc tế chưa ổn định.

“Hiện tại, ngành du lịch TP nhận thấy công tác truyền thông quảng bá ở nước ngoài rất tốt. Đặc biệt chính sách visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Sở Du lịch TP.HCM đã tận dụng truyền thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trước khi chính sách được đưa ra nên hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ” – ông Hòa nói.

Khách quốc tế trải nghiệm đạp xe đạp tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Thu Trinh

Để doanh nghiệp có thể thu hút khách, ông Võ Việt Hòa - Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đề xuất về visa, dù đã thông thoáng hơn rất nhiều so với hai năm trước nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc nên đơn vị này cũng đề xuất miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.

Về xúc tiến thương mại, Saigontourist sẽ đồng hành cùng Cục Du lịch quốc gia, tham gia các sự kiện, tham gia mái nhà chung du lịch Việt Nam – đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn.

"Chúng tôi mong có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc... Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi cho công tác xúc tiến thương mại du lịch" - ông Hòa góp ý.

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/7-giai-phap-de-nganh-du-lich-viet-nam-dot-pha-trong-nam-2024-post780038.html