60 trường Đại học công bố chuẩn đầu ra mang tính hình thức

VOV.VN -Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, mới rà soát 60% số trường thì có tới 60 trường có chuẩn đầu ra chỉ mang tính hình thức.

Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật giáo dục đại học. Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng vừa được Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XI thông qua. Vậy giáo dục đại học đã làm được những gì? VOV phỏng vấn ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.

PV: Thưa ông, giáo dục đại học năm vừa rồi có những điểm nhấn nào?

Ông Bùi Anh Tuấn: Ngày 28/12, Hội nghị Tổng kết giáo dục đại học năm học 2012-2013 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 được tổ chức. Có thể nói năm học vừa qua có rất nhiều việc đã làm được.

Đây là năm đầu tiên xây dựng và thực hiện Luật giáo dục ĐH. Để thực hiện Luật Bộ đã tham mưu Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Nghị định mang tính chất đột phá, liên quan đến giáo dục đại học. Ví dụ Nghị định 141 liên quan đến triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học, trong đó có những đột phá liên quan đến chương trình đào tạo, đến chế độ chính sách với nhà giáo, kéo dài thời gian làm việc của những giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS.GS và lương của giảng viên có học hàm giáo sư; Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Bộ cũng Ban hành mới nhiều văn bản liên quan đến chấn chỉnh giáo dục đại học.

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ảnh: giaoduc.net)

Thứ hai là việc thanh tra, kiểm tra, xử lý tổ chức cá nhân sai phạm và việc Bộ cương quyết xử lý được xã hội đồng tình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời tiến hành rà soát kiểm tra các hoạt động đào tạo ở các nhà trường các địa phương, các hoạt động đào tạo ngoài cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo. Rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng. Cương quyết dừng tuyển sinh, thu hồi với những ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về đội ngũ giảng viên hoặc cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

Chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng theo QĐ 327 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch ngành nghề đào tạo, cảnh báo cho xã hội nhu cầu về sử dụng lao động để người học, phụ huynh biết có những định hướng đúng. Thành lập được hai tổ chức kiểm định giáo dục trực thuộc hai Đại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để triển khai hoạt động kiểm định trong thời gian tới.

PV: Thưa ông, với 2 tổ chức kiểm định có thể kiểm định được bao nhiêu trường đại học, cao đẳng?

Ông Bùi Anh Tuấn: Hai tổ chức kiểm định trực thuộc ĐH Quốc gia nhưng ra quyết định thành lập và bổ nhiệm do Giáo dục và Đào tạo. Trong kế hoạch, 2 tổ chức sẽ kiểm định một số trường và chương trình trong năm 2014. Đây là việc mới nên tham vọng về hai tổ chức này vừa phải, sẽ cố gắng kiểm định được vài chục trường và một số chương trình đào tạo trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Để tăng cường kiểm định thì ngoài 2 tổ chức, Bộ cũng xây dựng hàng hoạt văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này đi vào thực tiễn. Rồi quan tâm đào tạo kiểm định viên, khuyến khích các nhà trường triển khai áp dụng các tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế, khuyến khích các trường mời các tổ chức quốc tế uy tín kiểm định chất lượng đào tạo.

PV: Thực hiện Luật giáo dục Đại học, việc giao quyền tự chủ cho các trường hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Bùi Anh Tuấn: Công tác quản lý của Bộ Giáo dục- Đào tạo có sự thay đổi quan trọng, từ quản lý về chuyên môn nay nghiêng hẳn sang quản lý nhà nước. Các trường hiện được tự chủ hoàn toàn. Bộ giờ tập trung vào xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, tiến hành kiểm tra thanh tra định hướng, quy hoạch phát triển.

Để nâng cao chất lượng đào tạo Bộ sẽ đưa ra một số chuẩn và yêu cầu các nhà trường phải thực hiện đúng như chuẩn về chương trình, chuẩn về nhà trường và một số tiêu chuẩn về kiểm định đánh giá chất lượng. các nhà trường phải thực hiện công khai chuẩn đầu ra, chuẩn này phải đáp ứng được yêu cầu của việc làm mà sau này sinh viên ra trường sẽ đáp ứng.

Khi công bố chuẩn rồi thì phụ huynh, học sinh, xã hội sẽ giám sát lại các nhà trường. Cho nên việc giám sát quản lý chất lượng sẽ không chỉ có các cơ quan nhà nước mà cả các phụ huynh, học sinh, xã hội sẽ cùng tham gia giám sát. Đây là quan điểm mới trong việc đảm bảo chất lượng các nhà trường.

60 trường đại học công bố chuẩn đầu ra mang tính hình thức

PV: Thưa ông, hiện có bao nhiêu trường đã công bố chuẩn đầu ra?

Ông Bùi Anh Tuấn: Theo nguyên tắc, tất cả các nhà trường hiện nay đều phải công bố chuẩn đầu ra. Nhưng rà soát lại chuẩn đầu ra thì có nhiều trường làm nghiêm túc chuẩn đầu ra, khoa học, có tính thực tiễn. Nhưng nhiều trường cũng làm mang tính chất hình thức.

Chúng tôi mới rà soát 60% số trường thì thấy có 60 trường có chuẩn đầu ra chỉ mang tính hình thức. Sắp tới chỉ đạo kiên quyết là chuẩn đầu ra phải gắn liền với từng ngành nghề đào tạo và gắn với thế giới việc làm.

PV: Bộ có duyệt chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục hay không, thưa ông?

Ông Bùi Anh Tuấn: Bộ không duyệt chuẩn đầu ra nhưng trách nhiệm công bố công khai cho xã hội biết, đó là của các nhà trường. Nó còn gắn liền thương hiệu, uy tín của các nhà trường. Buộc trường phải cân nhắc, nếu đưa ra cao quá, không đáp ứng được; còn đưa ra thấp quá, xã hội đánh giá khác. Nên các trường phải đưa ra chuẩn hợp lý, phải gắn liền với năng lực người học ở từng vị trí cụ thể. Bây giờ phải xây dựng chuẩn phải dựa trên nhu cầu xã hội, đó mới là điều quan trọng.

PV: 60 trường chuẩn đầu ra mang tính hình thức, vậy nếu không duyệt thì liệu Bộ có buông lỏng để các trường tự do đào tạo?

Ông Bùi Anh Tuấn: Không phải buông lỏng, mà thời gian vừa qua chúng tôi đã kiểm tra giám sát, rà soát. Qua quản lý như vậy, chúng tôi phát hiện ra những thiếu sót, có những biện pháp chỉ đạo và chấn chỉnh. Mặt khác thời gian vừa qua, Bộ triển khai thí điểm các chương trình đào tạo như chương trình định hướng nghề nghiệp POHE, chương trình HIP… tạo ra các hình mẫu để chuyển giao các nhà trường, hỗ trợ các nhà trường tích lũy kinh nghiệm, chuyển giao được công nghệ trong việc xây dựng chuẩn đầu ra cũng như chương trình đào tạo.

Khái niệm chuẩn đầu ra khá mới mẻ, trước đây chúng ta chỉ nói tới mục tiêu đào tạo. Bởi vậy nhiều trường lúng túng, xây dựng chưa chuẩn là một thực tế. Khái niệm chuẩn đầu ra hoàn toàn khác, đòi hỏi tư duy khác hoàn toàn. Ví dụ, trước đây Bộ đưa ra chương trình khung tới 80%, các trường chỉ thêm 20%. Còn nay các trường phải tự xây dựng chương trình đào tạo hoàn toàn, đó là tư duy mới. Thời gian tới, trong công cuộc đổi mới phải tập trung mạnh vào chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo.

PV: Ông có nhắn gửi gì tới các nhà trường, các sinh viên khi chuẩn bị bước sang năm 2014 và đang bước vào công cuộc đổi mới giáo dục trong đó giáo dục đại học?

Ông Bùi Anh Tuấn: Việc đổi mới có thành công hay không phụ thuộc vào các thầy, các cán bộ quản lý và người học. Sinh viên là đối tượng được đào tạo thì cũng phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, các em cũng là lực lượng góp phần để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2014 được coi là năm bản lề về thực hiện Nghị quyết TW 8 và Luật giáo dục đại học. Đổi mới sẽ quyết định sự tồn tại của các trường ĐH.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thục Hiền/VOV 2 (Thực hiện)

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/60-truong-dai-hoc-cong-bo-chuan-dau-ra-mang-tinh-hinh-thuc/301957.vov