6 tiêu chí dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình công nghệ cao

Kết quả của dự án phải đáp ứng một trong các điều kiện: bảo đảm cho phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn; có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng loạt, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học; tạo ra sản phẩm công nghệ cao...

Ảnh minh họa

Đây là một trong các tiêu chí dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình công nghệ cao được quy định rõ trong Thông tư quy định quản lý Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành vừa có hiệu lực.

8 TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ CAO

Theo Thông tư, dự án khoa học và công nghệ phải đáp ứng 8 tiêu chí. Thứ nhất, công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án khoa học và công nghệ phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này phải thuộc một trong những trường hợp: là công nghệ được nghiên cứu phát triển, ứng dụng để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; được nghiên cứu để thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai,mục tiêu, nội dung của dự án phải gắn kết hữu cơ, đồng bộ, được tiến hành trong một thời gian nhất định và được triển khai dưới hình thức đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm.

Thứ ba,kết quả của dự án khoa học và công nghệ phải đáp ứng một trong các điều kiện: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ tư,tổ chức chủ trì có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, khả năng triển khai, phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả dự án khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Ưu tiên tổ chức chủ trì đang triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có liên quan đến dự án khoa học và công nghệ đề xuất đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc đã được triển khai trong khu công nghệ cao (đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao)...

Chủ nhiệm dự án khoa học và công nghệ là lãnh đạo của Tổ chức chủ trì dự án khoa học và công nghệ, có đủ thời gian và khả năng tổ chức thực hiện dự án. Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

Thứ năm, tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì dự án phải có ít nhất 1 bài báo khoa học hoặc 1 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 1 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.

Thứ sáu, hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm.

Thứ bảy,tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Thứ tám, khuyến khích, ưu tiên dự án khoa học và công nghệ có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

6 TIÊU CHÍ DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM

Cũng theo Thông tư này, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình công nghệ cao phải đáp ứng 6 tiêu chí.

Thứ nhất,công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án sản xuất thử nghiệm phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải thuộc một trong những trường hợp: là công nghệ được nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao; nghiên cứu thích nghi, làm chủ công nghệ cao nhập khẩu, công nghệ cao được chuyển giao; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, giải mã công nghệ; được nghiên cứu để tạo ra công nghệ cao.

Thứ hai,kết quả của dự án phải đáp ứng một trong các điều kiện: bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn đáp ứng nhu cầu thực tiễn; có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng loạt, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học; tạo ra sản phẩm công nghệ cao, hình thành liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.

Thứ ba,thành viên chính tham gia thực hiện dự án phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Thứ tư, tính đến thời điểm đăng ký tham gia thực hiện dự án, tổ chức chủ trì dự án phải có ít nhất 1 bài báo khoa học hoặc 1 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực của dự án phù hợp với thực tiễn, có khả năng ứng dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc 1 đề tài, dự án trong lĩnh vực liên quan từ cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên đã được nghiệm thu hoặc chuyển giao công nghệ.

Thứ năm, tuân thủ và áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Thứ sáu, khuyến khích, ưu tiên dự án có sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/6-tieu-chi-du-an-san-xuat-thu-nghiem-thuoc-chuong-trinh-cong-nghe-cao.htm