6 tháng cuối năm, thế giới 'chạy nước rút'

Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức 2,1%. Như vậy, theo WB, tăng trưởng toàn cầu giảm từ 3,1% năm 2022 xuống mức 2,1% năm 2023, cao hơn so với dự báo chỉ tăng 1,7% hồi đầu năm. Một trong những lý do tác động được cho là do 6 tháng cuối năm tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại.

Người dân Washington (Mỹ) cũng giảm bớt chi tiêu do giá cả. Nguồn: AFP.

Người dân Washington (Mỹ) cũng giảm bớt chi tiêu do giá cả. Nguồn: AFP.

Nhiều dự báo giảm hơn tăng

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ năm 2023 là 1,1%, cao hơn gấp đôi so với mức 0,5% được đưa ra hồi đầu năm. Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 dự kiến đạt 5,6%, cũng cao hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra trước đó. Trong khi đó tăng trưởng năm 2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được nâng lên mức 0,4%.

WB cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 6 tháng cuối năm 2023 sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế. Những yếu tố này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong năm 2024, khiến tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với các dự đoán trước đó.

Tại thời điểm này, nhiều định chế tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2023. Nếu như vào thời điểm cuối tháng 3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9% thì cho rằng 6 tháng còn lại của năm chỉ đạt 2%. Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 2,6%, cho dù tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm chậm hơn 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023. Với khu vực Đông Nam Á, WB nhận định phục hồi kinh tế của các quốc gia sau suy thoái do đại dịch Covid-19 khá khác nhau. Tăng trưởng GDP của Indonesia, Malaysia và Thái Lan dự báo lần lượt đạt 4,8%; 4,0% và 3,6%. WB cũng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines và Việt Nam ở mức 5,4% và 6,3%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia chưa được kìm chế thì ở những quốc gia khác lại rơi vào suy thoái nhẹ. Vì vậy, triển vọng thị trường lao động toàn cầu 6 tháng cuối năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch, chỉ tăng 1%.

Những nhân tố rủi ro

Nhóm chuyên gia của WB cũng đã đưa ra một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới nửa cuối năm nay. Trước hết, đó là sự phục hồi của 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản không mạnh mẽ như kỳ vọng. Hệ thống ngân hàng trung ương vẫn có thể tăng lãi suất để giảm lạm phát. Sức mua của người dân giảm.

Thứ hai, xung đột ở Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế châu Âu. Tiếp đó là việc Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu thô/ngày sẽ đẩy giá năng lượng lên cao. Trong khi đó giá lương thực vẫn không thể kéo giảm do chuỗi cung ứng đứt gãy và đặc biệt là thời tiết cực đoan kéo theo hạn hán và lũ lụt khiến sản xuất nông nghiệp rơi vào tình thế khó khăn. Từ đó, một số quốc gia cung ứng lương thực cho thế giới sẽ cắt giảm xuất khẩu để tránh gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong nước.

Thứ ba, WB cho rằng, đó là khó khăn về nợ khi mà khoảng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào tình trạng khó khăn về nợ và khoảng 25% các nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ nợ cao. Tăng trưởng thấp hơn và chi phí đi vay cao hơn đã khiến tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế này trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là những nền kinh tế có nhu cầu trả nợ bằng USD Mỹ trong ngắn hạn.

Cùng đó, WB cũng cho rằng một số nguyên nhân khác cũng khiến tăng trưởng của thế giới 6 tháng cuối năm 2023 suy giảm, đó là lạm phát kéo dài; nhiều ngân hàng trung ương định giá lại thị trường tài chính đột ngột ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản cũng như hoạt động của các thị trường lớn; các biện pháp trừng phạt quốc tế tiếp tục chia rẽ nền kinh tế thế giới thành các khối và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Dự báo các nền kinh tế lớn

Mỹ, Trung Quốc và EU (Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia) là 3 nền kinh tế lớn có khả năng chi phối mạnh nhịp tăng trưởng kinh tế toàn cầu không chỉ trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, “sức khỏe” của kinh tế Nhật Bản cũng tác động đáng kể đến kinh tế thế giới.

Với Mỹ, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng cả năm 2023 dự báo đạt 1,4%. Đây cũng là tín hiệu sáng sủa (WB dự báo tăng 1,1%; OECD dự báo tăng 1,5%). Trước đó, giá lương thực và năng lượng tăng cao cùng với thị trường lao động thắt chặt đã đẩy lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trước khi giảm xuống vào cuối năm. Điều đó đã khiến Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong hơn 40 năm qua, gây thêm áp lực đối với hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, theo WB, lạm phát ở Mỹ đã giảm từ đầu năm 2023 và vẫn sẽ kéo dài hết năm, tuy rằng khó đạt mức 2% như đề ra. Việc kiềm chế lạm phát thành công đã khiến người dân chi tiêu nhiều hơn, lấy lại sinh khí của nền kinh tế. Theo các chuyên gia tài chính thì điều đó được coi là nền tảng để vượt qua trì trệ. Như vậy, 6 tháng cuối năm và cả năm 2023, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng tốt, tuy rằng khó có thể đạt được con số 1,8% của năm 2022.

Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 2/2023, UNDESA cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2022 và 2023 bắt đầu đi xuống trong bối cảnh các điều kiện tiền tệ bị thắt chặt nhanh chóng.

Khu vực đồng Euro được IMF dự báo tăng trưởng thấp của cả năm 2023 với 1% (so với sự về đích bất ngờ 3,2% năm 2022). Trong khi đó, theo WB, tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 dự báo sẽ ở mức 0%. Nhìn chung, hoạt động kinh tế khu vực đồng Euro được cho là chỉ ổn định vào những tháng cuối năm.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia của OECD cho rằng tăng trưởng của khu vực đồng Euro sẽ “chậm dần đều” về cuối năm 2023. Dự báo tăng trưởng chung của cả năm chỉ ở mức 0,8%. Lý do chính được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột ở Ukraine, đồng thời mùa hè kéo dài dẫn đến hạn hán ở nhiều nơi, nước trên nhiều dòng sông châu Âu suy giảm.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, ngày càng có tác động tới kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng cũng không khả quan như những dự báo đưa ra hồi đầu năm, do thị trưởng bất động sản khổng lồ của quốc gia 1,4 tỷ dân gặp khó khăn, nhiều dự án bất động sản lớn còn dang dở.

Nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo đạt 4,8% năm 2023. Dự báo cao nhất là của OECD khi cho rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 5,3% khi kết thúc năm 2023 đầy khó khăn này.

Đối với Nhật Bản, được dự báo 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng 1,8%; cả năm dự báo đạt 1,5%. Đây là dấu hiệu tích cực khi mà kinh tế Nhật Bản đã phải chịu đựng khoảng thời gian trì trệ kéo dài do tình trạng thiếu chip phục vụ công nghiệp, chi phí nhập khẩu tăng do đồng yên Nhật suy yếu. Trong bối cảnh đó, lạm phát ở Nhật Bản dự báo sẽ giảm xuống còn 1,2% trong năm 2023.

Nhìn chung lại, 6 tháng cuối năm 2023, dự báo kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn, tăng trưởng cả năm thấp. Tuy nhiên, việc các nền kinh tế lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) đã lấy lại đà tăng trưởng cần được xem là một chỉ dấu tích cực.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF nhận định kinh tế thế giới sẽ khó trở lại bắt kịp đà tăng trưởng. Tuy nhiên, IMF cũng bày tỏ lạc quan về các nền kinh tế mới nổi, khi dự báo tăng trưởng ở mức 3,9% trong năm 2023. IMF cũng cho rằng khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022-2030 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ là 2,2% mỗi năm, chấm dứt gần 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững trước đó.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/6-thang-cuoi-nam-the-gioi-chay-nuoc-rut-5721713.html