6 'chảo lửa' trong phiên tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary

Rõ ràng đây là một phiên tranh luận mà bên nào cũng tung hết các chiêu bài như mạnh miệng tuyên bố trước đó.

Phiên tranh luận thứ hai giữa ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump được đài BBC đánh giá là “một trong những phiên tranh luận dữ dội nhất lịch sử”.

Ông Trump đã đánh lạc hướng sự chú ý của khán giả vào các phát biểu khiếm nhã về phụ nữ của mình trong quá khứ, sang cáo buộc quấy rối tình dục phụ nữ của ông Bill Clinton, và nói đó là “những hành động tồi tệ hơn rất nhiều”.

Trước phiên tranh luận, thậm chí ông tổ chức họp báo với sự tham gia của các phụ nữ từng đâm đơn kiện ông Bill Clinton tội quấy rối tình dục.

Về phần mình, bà Clinton nói rằng từng lời từng chữ ông Trump nói ra phản ánh chính xác con người thật của ông ấy - một nhân cách không phù hợp để làm Tổng thống.

Bà từ chối đấu khẩu với đối thủ về cáo buộc quấy rối của chồng, nhưng chỉ trích sự sốc nổi của ông Trump trong các dòng tweet đăng lên vào tối muộn.

Nói tóm lại, rõ ràng đây là một phiên tranh luận mà bên nào cũng tung hết các chiêu bài như mạnh miệng tuyên bố trước đó.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong 90 phút tranh luận vào ngày 10/10 của hai gương mặt sáng giá nhất trong đường đua giành ghế Tổng thống Mỹ.

Khiếm nhã với phụ nữ

Những phút đầu, câu chuyện làm nóng báo chí Mỹ trong 48 giờ qua được đưa lên bàn tranh luận. Đó là những phát biểu khiếm nhã của ông Trump về phụ nữ được ghi âm vào năm 2005. Cuốn băng được rò rỉ vào thứ Sáu.

Ông Trump liên tục nói những bình luận trên là “lời tán gẫu vô thưởng vô phạt”, và khẳng định ông “tôn trọng phụ nữ”. “Tôi không tự hào về nó. Tôi gửi lời xin lỗi tới gia đình tôi, tới người dân Mỹ”.

Trên thực tế, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa đã ngừng ủng hộ ông Trump sau khi cuốn băng cho thấy ông cưỡng ép phụ nữ và ve vãn người có gia đình bị tung ra. Trong số này có cả ứng viên đảng Cộng hòa cũng đang chạy đua cho chiếc ghế Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Khi người điều phối phiên tranh luận Anderson Cooper thúc ép ông Trump trả lời về việc ông có thực sự tiến hành hành vi quấy rối tình dục như trong đoạn băng hay không, ban đầu ông Trump thoái thác, sau đó khẳng định là không.

Bà Clinton nói cuốn băng là bằng chứng về quan điểm thật của ông Trump đối với phụ nữ. Nó cũng là bằng chứng cho thấy ông Donald không phải là một nhân cách phù hợp với cương vị Tổng thống.

Quá khứ của ông Bill Clinton

Ông Trump nhanh chóng đánh lạc hướng sự chỉ trích nhằm vào mình sang những hành động quấy rối phụ nữ của ông Bill Clinton - chồng bà Clinton Clinton.

“Tôi chỉ nói, còn ông ấy thì làm”, ông Trump nói. Ông chỉ ra Bill Clinton đã đối xử với phụ nữ “tệ hơn bất cứ người nào trong lịch sử”, một cách “thiếu tôn trọng”.

“Bill Clinton thì bạo hành phụ nữ. Còn Hillary Clinton thì tấn công những phụ nữ đó”, ông Trump nói.

Ông Trump mời bốn phụ nữ lên sân khấu. Những người này gồm bà Juanita Broaddrick, cáo buộc Bill Clinton cưỡng hiếp bà trong một phòng khách sạn năm 1978; bà Paula Jones, người kiện cựu tổng thống Mỹ vào năm 1994; bà Kathleen Willey, một trợ lý Nhà Trắng từng tố ông Clinton sàm sỡ trong văn phòng năm 1993; bà Kathy Shelton, nạn nhân trẻ em trong một vụ tấn công tình dục mà bà Clinton từng biện hộ trong thời gian làm luật sư.

“Bỏ tù”

Trong một khoảnh khắc kịch tính bậc nhất, ông Trup nhìn thẳng vào bà Clinton và nói nếu mình đắc cử, ông sẽ cử một điều tra viên đặc biệt để điều tra mạng email cá nhân của bà trong thời gian làm Ngoại trưởng dưới trướng ông Barack Obama.

“Thật may là một người sốc nổi như ông Trump không được quản lý bộ phận hành pháp”, bà Clinton đáp lại.

“Vì nếu được thì bà đã ngồi tù rồi”, ông Trump phản pháo.

Bê bối email cá nhân là bóng ma ám ảnh chiến dịch tranh cử của bà Clinton từ những ngày đầu, và nó sẽ chưa buông tha bà trong những tuần còn lại. Đây là lý do phổ biến nhất mà những người phản đối bà đưa ra.

Bà Clinton thừa nhận rằng việc dùng email cá nhân cho việc công là một “sai lầm. Tôi rất tiếc về chuyện đó”, và lưu ý là FBI đã không phát hiện bất cứ hành vi phạm tội hình sự nào trong quá trình điều tra.

Nhưng bà không đề cập đến việc Giám đốc FBI James Comey đã khiển trách bà “xử lý một cách cực kỳ bất cẩn” các thông tin mật, và những lời giải trình của bà thì liên tục bị thay đổi.

Ban đầu, bà nói không hề gửi email chứa thông tin mật, nhưng sau đó lại nói bà không gửi email được đánh dấu tuyệt mật, cuối cùng thì nói bà không gửi email có đánh dấu tuyệt mật ở tiêu đề.

Trong thời gian đó, FBI kết luận hơn 100 tin nhắn trong hơn 50 hội thoại của bà Clinton chứa thông tin mật, ba trong số đó chứa dấu tuyệt mật ở trong nội dung.

Vấn đề này chưa kết thúc cho đến phiên tranh luận thứ hai diễn ra. Cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ công bố hàng trăm email liên quan đến công việc của bà Clinton mà bà không tự giác giao nộp. Ngay trước ngày bầu cử, bộ này lên lịch công bố thêm.

Ông Trump “né” thuế

Bà Clinton đã công bố tài liệu về thuế trong chín năm qua lên mạng Internet. Bà nhiều lần hối thúc ông Trump làm tương tự, nhưng bị ông này từ chối, với lý do là Sở thuế vụ (IRS) đã kiểm định tài liệu thuế của ông.

Bà Clinton nhắc lại thông tin mới được công bố gần đây là ông Trump đã báo lỗ 916 triệu USD trong năm 1995, khoản lỗ khổng lồ cho phép ông tránh đóng thuế thu nhập trong vòng 18 năm sau đó.

Lần đầu tiên, ông Trump chính thức thừa nhận đã dùng khoản lỗ đó để tránh đóng thuế liên bang, nhưng ông cũng nói rằng đây là nghiệp vụ phổ biến của những doanh nhân thành đạt.

“Hầu hết những người hỗ trợ chiến dịch của bà Clinton cũng làm như vậy. Tôi biết rất nhiều người trong số đó, họ cũng báo lỗ khủng”, ông nói. “Bà Clinton cho phép điều đó, vì họ cho bà ấy tiền”.

Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết ông đã đóng hàng triệu USD tiền thuế.

Vấn đề Syria và người tị nạn

Ông Trump đã làm mất lòng chính người hậu thuẫn ông nhiệt tình nhất trong vấn đề Syria, đó chính là Mike Pence, ứng viên đảng Cộng hòa cũng đang chạy đua cho chiếc ghế Phó Tổng thống Mỹ.

Trong phiên tranh luận của mình, ông Pence từng nói sẽ điều lực lượng bộ binh đến Syria nếu đắc cử. Khi điều phối viên Martha Raddatz hỏi ông Trump có đồng ý với ông Pence không, vị tỷ phú đáp: “Tôi và ông ấy chưa nói chuyện với nhau về việc này, và tôi không đồng ý”.

Khi Martha Raddatz hỏi cặn kẽ lý do khiến ông Trump thay đổi lập trường chính sách về người Hồi giáo nhập cư trong cuộc khủng hoảng người nhập cư tại Syria, ông Trump đã kiếm cớ tránh né.

Nói về đề xuất cấm người Hồi giáo đến Mỹ, ông Trump cho rằng đây là con ngựa thành Troy lớn nhất.

“Tôi không muốn hàng trăm nghìn người đến từ Syria khi chúng ta chẳng biết gì về những giá trị của họ, không biết gì về tình yêu của họ với đất nước chúng ta", ông nói.

Trên thực tế, ông Trump từng nói sẽ cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ nếu trở thành Tổng thống, tuy nhiên sau đó lại đổi ý.

Về phần mình, bà Clinton nói sẽ tăng trần người tị nạn Syria đến Mỹ lên 65.000 người, cao hơn 81% so với mức hiện tại.

“Ông Trump nói sẽ cấm người tị nạn vì tôn giáo của họ. Làm gì có ai làm như thế? Chúng ta là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng tự do tôn giáo”, bà Clinton nhấn mạnh.

Vấn đề của Obamacare

Cả hai ứng viên đều cho rằng chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare có vấn đề. Tuy nhiên bà Clinton thì nói sẽ cải thiện và trưng dụng những điểm mạnh của chương trình này, còn ông Trump thì gọi nó là “thảm họa” và “sẽ không bao giờ có tác dụng”.

Đạo luật này đã đạt được mục tiêu chính, đó là mang bảo hiểm y tế tới 20 triệu người dân Mỹ trước đây chưa có từng có cơ hội mua bảo hiểm, giảm tỷ lệ người dân không có bảo hiểm xuống 6% còn 10,8%.

Bà Clinton chỉ ra một số điểm mà chương trình đã làm được, bao gồm cho phép các phụ huynh duy trì gói bảo hiểm sức khỏe của con em mình cho đến khi họ được 26 tuổi. Nó cũng cấm các hãng bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho người bệnh, hoặc tăng giá theo tình trạng sức khỏe và giới tính.

Ông Trump thì nói sẽ dỡ bỏ các hàng rào quy định giữa các bang. Theo đó, một công ty bảo hiểm bán được hàng hợp pháp tại một bang sẽ tự động được bán bảo hiểm ở các bang khác mà không cần phù hợp với quy định địa phương, trái ngược với quy định của chương trình Affordable Care Act.

"20 triệu người dân đang có bảo hiểm y tế", cựu ngoại trưởng Mỹ nói, cáo buộc ông Trump muốn đưa hệ thống chăm sóc y tế trở lại tầm kiểm soát của các công ty bảo hiểm.

Lề Phương

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/6-chao-lua-trong-phien-tranh-luan-thu-2-giua-ong-trump-va-ba-hillary-2064672.html