57 năm thảm sát Khánh Lâm, ký ức của nhân chứng sống

Một buổi sáng tháng 9/1966, họng súng đen ngòm kèm những tiếng nổ xé tan làng quê Khánh Lâm yên bình và cướp đi 84 sinh mạng, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em đã thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của ông Ngô Văn Kiệt.

Ký ức của người sống sót

Dáng người nhỏ bé, ông Ngô Văn Kiệt (67 tuổi, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi) tay cầm nén nhang nghi ngút khói, bước liêu xiêu trên bờ ruộng mấp mô của đồng Xứ Bá để viếng mộ người thân.

Đồng Xứ Bá- nơi xảy ra vụ thảm sát Khánh Lâm.

“2 ngôi mộ này là của 5 người trong gia đình cô ruột Ngô Thị Liên. Họ đã mất trong vụ thảm sát Khánh Lâm năm 1966”- ông Kiệt trầm giọng.

57 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát ở thôn Khánh Lâm, ký ức đau thương của người dân nơi này, trong đó có ông Kiệt- khi ấy chỉ mới là cậu bé 10 tuổi- vẫn chưa thể nguôi ngoai hết.

“Ông bà, mẹ, cô... đều mất. Quá đau thương nên ba tôi suy sụp, đau ốm mãi, năm sau thì qua đời”- ông Kiệt ngậm ngùi.

Ông Ngô Văn Kiệt- một trong số 3 người sống sót từ vụ thảm sát Khánh Lâm.

Sắp xếp lại các mốc thời gian, ông Kiệt bảo rằng, chiều 26/9/1966, lính Nam Triều Tiên xuất hiện ở khắp các ngã đường thôn Khánh Lâm. Sáng sớm 27/9/1966, từ núi Hầm một đại đội lính Nam Triều Tiên chia thành nhiều toán, càn quét vào xóm Đồng và xóm Nho Lâm.

Đến 9 giờ sáng cùng ngày (tức 14/8 âm lịch), chúng bắt được 87 người đưa đến tập trung tại đám ruộng đồng Xứ Bá và xả súng làm 84 người chết, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.

Được người thân chở che, ông Kiệt, Ngô Văn Ngọ (30 ngày tuổi, em trai ông Kiệt) và Đỗ Quý (9 tuổi) là 3 người may mắn sống sót. Gia đình khó khăn, em trai ông Kiệt sau đó phải gửi cho nhà khác nuôi và thất lạc cho đến nay.

Năm 14 tuổi, ông Kiệt tham gia kháng chiến, chỉ với ước mơ duy nhất là đánh đuổi ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh. Hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà, chăm lo hương khói cho người thân với niềm tin về tương lai tươi sáng hơn ở phía trước.

Cứ vào độ 13/8 âm lịch hàng năm, người dân Khánh Lâm lại tổ chức giỗ chung cho 84 vong linh. “Nhiều nhà, giỗ không có người về dự. Đỗ Quý là một trong 3 người sống sót từ vụ thảm sát cũng đi bộ đội, sau đó hy sinh”- ông Kiệt nói.

Đồng lòng xây đời mới

Chiến tranh kết thúc, sự kiện đau thương ngày 27/9/1966 dần lùi xa về quá khứ. Mảnh đất Tịnh Thiện yêu thương từng gắn trên mình nỗi đau chiến tranh nay đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

Xã Tịnh Thiện phủ màu xanh trù phú.

Đi qua bao mất mát và khó khăn, cán bộ, nhân dân thôn Khánh Lâm đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, từ năm 1993, nước từ công trình đại thủy nông Thạch Nham đưa về, nhiều cánh đồng được tắm mát. Mầm xanh của sự sống và trù phú lại vươn lên trên mảnh đất cằn.

Những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế, vừa thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương được lựa chọn để thâm canh sản xuất. Vùng đất “chết” năm nào, giờ đây đã mang diện mạo hoàn toàn khác.

Không chỉ làm kinh tế, người dân Khánh Lâm còn tình nguyện hiến đất để mở đường, đóng góp tiền xây dựng nhà tình thương, nhà văn hóa thôn. Nhiều hộ trở thành điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới như ông Đỗ Sơn hiến 500m2 đất, ông Ngô Văn Kiệt hiến 350m2 đất.

Theo ông Lê Minh Hưng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Khánh Lâm được biết đến là một trong những cái nôi của cách mạng. Nơi đây có rất nhiều người con trung dũng, kiên cường. Cả thôn có hơn 300 hộ dân, nhưng có đến 107 liệt sỹ, 14 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 38 thương binh, bệnh binh.

Di tích địa điểm vụ thảm sát Khánh Lâm nằm ở đám ruộng thuộc cánh đồng Xứ Bá, nơi giáp ranh giữa xóm Đồng và xóm Nho Lâm (thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh), nay là TP Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố khoảng 13km về hướng đông bắc.

Di tích vụ thảm sát Khánh Lâm đón nhận bằng chứng nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh.

“Ngày 21/2, Di tích vụ thảm sát Khánh Lâm - minh chứng cho truyền thống yêu nước, sự hy sinh anh dũng, kiên cường, không khoan nhượng trước kẻ thù của người dân Tịnh Thiện- được trao bằng chứng nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng của địa phương, góp phần giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trân trọng những giá trị lịch sử, giá trị của độc lập, tự do, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình”- ông Hưng chia sẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/57-nam-tham-sat-khanh-lam-ky-uc-cua-nhan-chung-song.html