50 năm "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"

Sau Cách mạng tháng 8/1945 và những năm kháng chiến cứu nước, nước ta đã có nhiều bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ấn tượng sâu sắc trong đời sống tình cảm của nhân dân cả nước và bè bạn năm châu. Một trong số những bài hát đó là "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" của Nguyễn Tài Tuệ, lần đầu tiên được giới thiệu trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/1960), đến nay bài hát vừa tròn 50 tuổi.

Sau hòa bình 1954, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ công tác tại Đoàn ca múa Trung ương. Năm 1959 ông về công tác ở Ban nghiên cứu âm nhạc các dân tộc Việt Nam (nay là Viện Âm nhạc Quốc gia). Thời gian này ông được công chúng và bạn bè đồng nghiệp biết đến với nhiều bài hát hay như "Lời ca gửi Noọng", "Suối Mường Hum còn chảy mãi", "Mùa xuân gọi bạn", "Xuân về trên bản Nhắng" cùng một số tiết mục âm nhạc có những nét riêng đặc trưng tiêu biểu của các làn điệu dân ca, dân nhạc của các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc như Mông, Dao, Dáy, những nét giai điệu tình cảm như sli, lượn, then, cọi của các dân tộc Tày, Nùng… Ông đã có nhiều tháng ngày đi sưu tầm các làn điệu dân ca từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, dàn dựng tiết mục cho các đoàn nghệ thuật cùng những ngày tháng lội suối băng rừng sống cùng đồng bào các dân tộc nghe họ đàn hát dân ca, ông thực sự đắm mình vào kho tàng dân ca phong phú và giàu màu sắc của các dân tộc anh em. Và từ đó "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" ra đời, lúc này ông mới 23-24 tuổi. Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ kể lại: "Ngày ấy khoảng tháng 6 - tháng 7 năm 1959, anh Quốc Hương (NSND Quốc Hương) gặp tôi tâm sự: Mình là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, muốn Tuệ sáng tác cho một bài hát, mình trình bầy để tỏ lòng thành kính của đồng bào và chiến sĩ miền Nam dâng lên Hồ Chủ tịch nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày sinh của Người (1890-1960). Khi nhận lời với anh Quốc Hương nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ, sự hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ít, và cũng chưa một lần được gặp Người. Mặt khác trước đó đã có nhiều bài hát hay về Bác như "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của Văn Cao, "Ba Đình nắng" của Bùi Công Kỳ, "Biết ơn cụ Hồ" của Lưu Bách Thụ, "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ", "Nhớ ơn Hồ Chí Minh" của Tô Vũ…. Lời hứa với anh Quốc Hương, sáng tác một bài hát về Hồ Chủ tịch cứ theo thời gian qua đi đến cuối tháng 9/1959 mà tôi chưa có một ý tứ nào! Tình cờ gặp anh Khánh Chi, một người bạn học cũ của tôi ở trường Huỳnh Thúc Kháng khu 4, anh có giới thiệu bài thơ anh mới viết về Pác Bó nơi Bác Hồ từ nước ngoài trở về đầu năm 1941 để lãnh đạo Cách mạng trong nước. Từ những ý tưởng trong thơ của anh Khánh Chi, tôi đã có những suy nghĩ, tình cảm đầu tiên để viết ca khúc "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó". Trao đổi với anh Quốc Hương về việc viết một bài hát mà chủ đề là Pác Bó, qua đây thể hiện tình cảm và niềm kính yêu của nhân dân các dân tộc và nhân dân cả nước ta với Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Quốc Hương cho đó là ý kiến hay cần thực hiện; nhưng cả hai chúng tôi chưa một lần đến miền đất với nhiều sự tích lịch sử này, vì vậy chúng tôi có ý định phải đi Pác Bó! Lúc này việc đi lại rất khó khăn, không có phương tiện nên ý định lên Pác Bó của chúng tôi không thực hiện được, kể cả phương án mua một chiếc xe đạp thật tốt, thật khỏe để hai người chúng tôi đèo nhau. Thế rồi chừng một tháng sau "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" đã hoàn thành với ý kiến đóng góp của anh Quốc Hương, đặc biệt là ý thơ giàu hình tượng và cảm xúc của anh Khánh Chi trong bài thơ về Pác Bó. Tôi như hòa vào nhũng cung bậc của những làn điệu sli, lượn, Tày, Nùng cùng tiếng khèn, tiếng sáo Mông… Tôi nghĩ đó cũng là sự rung động chân thành của người nghệ sỹ, là nhịp đập trái tim của mỗi người Việt Nam chúng ta, với những ước mơ, hi vọng về một ngày quê hương thanh bình. 40 năm qua đi tác giả "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" mới có điều kiện lên Cao Bằng thăm Pác Bó lần đầu tiên, nhân dịp tỉnh Cao Bằng chuẩn bị 60 năm ngày Bác về Pác Bó và 110 kỉ niệm Ngày sinh của Người (19/5/1890- 19/5/2000). Như có sự trùng lặp tâm linh, hướng tới kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010), 120 năm Ngày sinh của Hồ Chủ tịch (19/5/1890 - 19/5/2010), Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến công tác "Về nguồn trong kí ức tin yêu" từ ngày 24/12/2009 - 28/12/2009. Tham gia có các chiến sĩ lão thành cách mạng, một số nhà sử học, nhà báo, quay phim, các thanh niên tiêu biểu của một số tỉnh và thành phố trong cả nước. Về phần nhạc sỹ có anh Nguyễn Tài Tuệ và tôi (nhạc sỹ Phạm Tuyên vì điều kiện sức khỏe không tham gia được). Sáng 24/12/2009 chúng tôi khởi hành từ Hà Nội, qua Bắc Kạn cuối chiều tới Cao Bằng. Ngày 26 chúng tôi lên Pác Bó, nơi Bác Hồ sau 30 năm tìm đường cứu nước trở về (1911-1941). Ở Pác Bó còn có đêm lửa trại của thanh niên ở bên suối Lênin, có đêm giao lưu với các nhạc sỹ với chủ đề "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó". Lúc này nhiệt độ càng về khuya càng rét đậm. Thật xúc động khi nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ phát biểu những suy nghĩ tình cảm của ông khi viết bài "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" và đây là lần thứ hai ông lên thăm Pác Bó sau 50 năm sáng tác bài hát này. Trong chuyến đi "Về nguồn trong ký ức tin yêu" đã để lại trong mỗi người chúng tôi những suy nghĩ, tình cảm về một thời trai trẻ của bao thế hệ cha anh, một thời hào hùng của cách mạng Việt Nam. Nhưng với nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, những cung bậc của bài hát "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" như tái hiện trong ông hình ảnh những phiên chợ ở Bắc Hà, Sa Pa, Lào Cai, Khâu Vai, Hà Giang cùng những gương mặt chàng trai cô gái dân tộc hân hoan những ngày xuống chợ, trong lòng ông như vang lên câu hát: "Trông vời lưng núi, Khuổi Nậm rì rào núi cao ngàn mây Chiều nay sáo ai đang lượn về dưới chân đèo Kể rằng: Người về đây, Người cao hơn núi. Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…" Và hình như ông cũng tự hỏi: Không hiểu vì sao ngày ấy ông lại viết được "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/vanhoathethao/tintucsk/2010/5/162849.cand