50% ca cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông

Trong 5 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 700 ca cấp cứu, trong đó tai nạn giao thông (TNGT) chiếm 50%, một nửa có liên quan đến rượu bia.

Trưa 1/5 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp được xe cấp cứu đưa đến đây trong tình trạng nặng, gồm TNGT và tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động.

Được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức vào sáng sớm 1/5, bệnh nhân L.V.H (34 tuổi, Quảng Hòa, Cao Bằng) có tiên lượng nặng do bị chấn thương cột sống cổ.

Bệnh nhân L.V.H bị chấn thương cột sống cổ đang được cấp cứu.

Theo em trai của bệnh nhân, đêm qua, gia đình nhận được tin anh H bị TNGT và được người đi đường đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Hòa. Theo người đi đường kể lại, khoảng 21h ngày 30/4, anh H điều khiển xe máy trên đường, gặp trời mưa và tự ngã.

"Từ hôm qua đến nay, anh tôi không nói được nên cũng không biết anh có uống rượu, bia hay không”, em trai anh H cho biết.

Nằm ngay giường cấp cứu bên cạnh là nam bệnh nhân H.X.H (39 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương.

Các bác sĩ đang đánh giá tình trạng tổn thương của bệnh nhân.

Anh H.T.T là em trai của bệnh nhân cho chúng tôi cho biết: Anh H làm nghề lái xe taxi. Khoảng 24h đêm 30/4, trên đường đi làm về, anh H tự đâm vào cột điện khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng, còn anh H bị thương rất nặng được người đi đường gọi xe cấp cứu. “2h sáng gia đình mới nhận được tin và chạy vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Bác sĩ nói anh tôi bị chấn thương sọ não, chấn thương vùng mặt cổ, tiên lượng rất nặng phải chuyển lên tuyến trên. 3h sáng xe của bệnh viện đưa anh tôi xuống Hà Nội, 6h thì tới đây. Hiện anh vẫn hôn mê", anh T lo lắng cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những ca nặng, có nhiều trường hợp gặp TNGT khá hy hữu trong kỳ nghỉ lễ.

Sáng sớm 1/5, chị Đ.T.T.T (42 tuổi, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) dậy đi tập thể dục. Vừa ra khỏi nhà được 3 phút, đang đi bộ trên đường, chị bị xe máy chở gà đi cùng chiều đâm phải. Lái xe do buồn ngủ đã không làm chủ được tay lái, cú đâm khiến chị T bị chấn thương ngực kín, tổn thương gan độ 3, chấn thương cổ tay.

"Hàng xóm mở cửa bán hàng từ sớm thấy vậy hô hoán gọi người nhà đưa tôi vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp sơ cứu, sau đó chuyển ra đây. Hiện tại tôi rất đau", chị T cho biết.

Các bác sĩ đang nỗ lực ép tim suốt 1h để cứu tính mạng nữ bệnh nhân 25 tuổi bị đa chấn thương do ngã từ tầng 2.

BS Nguyễn Xuân Hòa, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Trưởng tua trực cấp cứu sáng 1/5, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Trong 5 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 150 ca vào cấp cứu, trong đó TNGT chiếm 50% và một nửa trong số đó liên quan đến rượu, bia; ngoài ra còn tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động.

“Đến 10h sáng hôm nay chúng tôi tiếp nhận 30 bệnh nhân vào cấp cứu, dự báo từ giờ đến tối bệnh nhân sẽ đông hơn những ngày trước vì người dân từ khắp nơi di chuyển về Hà Nội”, BS Hòa cho biết.

Nhiều ca TNGT do tự ngã.

Theo BS Hòa, từ khi Bộ Công an triển khai xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, số lượng bệnh nhân có uống rượu bia bị TNGT vào Bệnh viện Việt Đức giảm mạnh, mức độ nặng của những ca này cũng giảm hơn so với thời điểm trước.

"Các trường hợp TNGT vào cấp cứu gặp đa dạng, có thể chấn thương sọ não, chấn thương bụng, ngực, gẫy tứ chi và thường là đa chấn thương trên một bệnh nhân", BS Hòa cho biết thêm.

Để bảo đảm cho ứng trực cấp cứu trong kỳ nghỉ lễ, Ban lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức yêu cầu các phòng ban sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị, phẫu thuật cấp cứu… Thông thường 1 tua trực, mổ cấp cứu có 25-30 y bác sĩ để đảm bảo cho hoạt động cứu chữa người bệnh.

BS Hòa cũng cảnh báo về tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động xảy ra trong kỳ nghỉ lễ. Điển hình là nam bệnh nhân 43 tuổi là công nhân ngành nhựa, trong lúc làm việc đã gặp tai nạn tụt chân vào máy ép. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc, được hồi sức cấp cứu, nhưng khả năng chân không giữ được, phải cắt cụt.

Với trường hợp tai nạn lao động nặng như trên, BS Hòa khuyến cáo bệnh nhân cần được đưa vào cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, sau đó mới chuyển tuyến. Nếu được sơ cứu đúng cách sẽ đảm bảo cho việc khám chữa bệnh sau này, tránh để lại biến chứng, mất cơ hội phục hồi.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/50-ca-cap-cuu-o-benh-vien-viet-duc-do-tai-nan-giao-thong--i729896/