5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2 ngàn người mắc

Ngày 21-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc. Ảnh: T.B

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc. Ảnh: T.B

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2 ngàn người mắc, tăng hơn 1,4 ngàn người mắc so với năm ngoái.

Các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu ở bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn trường học.

Nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu liên quan đến vi sinh vật.

Kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc các mẫu thực phẩm gây ngộ độc, cơ quan chức năng ghi nhận việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên. Một số cơ sở kinh doanh nông sản nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân.

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đồng Nai xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc, không có ca tử vong.

Bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Lê

Bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Lê

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ATTP, xử lý ngộ độc thực phẩm. Tăng cường kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc.

Các địa phương cần tổ chức giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố về ATTP. UBND các cấp kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP.

Quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác này. Đặc biệt, cần quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm ra thị trường.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202405/5-thang-dau-nam-ca-nuoc-xay-ra-36-vu-ngo-doc-thuc-pham-lam-hon-2-ngan-nguoi-mac-57340c9/