5 ông trùm người Nga sở hữu các đội bóng đá ở châu Âu

Trước những lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga liên quan xung đột Nga-Ukraine, những tỷ phú, doanh nhân người Nga sở hữu các đội bóng ở châu Âu liệu có liên quan?

Roman Abramovich – Chelsea

Căng thẳng Nga-Ukrane buộc tỷ phú Roman Abramovich phải rao bán Chelsea với mức giá 3 tỷ Bảng. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2003, trong một lần đến sân Old Trafford theo dõi MU thắng Real Madrid 4-3 tại Chapions League, Roman Abramovich bắt đầu quan tâm tới bóng đá Anh và quyết định sẽ mua một đội bóng. Ở thời điểm đó, sau hơn 1 thập kỷ ra đời, giải Ngoại hạng Anh đang phát triển mạnh mẽ.

Roman Abramovich đã bỏ qua MU, Tottenham và Arsenal vì những lý do khác nhau và quyết định mua lại Chelsea với giá 140 triệu Bảng. Cuộc thương thảo chỉ vỏn vẹn trong 30 phút với Giám đốc điều hành của Chelsea khi đó là Trevor Birch, vào tháng 7/2003. Lúc này, Chelsea đang lâm vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính và mong chờ một ông chủ mới.

Tiếp quản Chelsea, Abramovich đã tạo ra một hệ thống điều hành CLB mà không tốn kém quá nhiều chi phí, phân tích một cách cẩn thận tất cả các vụ chuyển nhượng và sẵn sàng cung cấp mọi thứ tốt nhất cho những cầu thủ tiềm năng.

Roman Abramovich không chỉ biến Chelsea thành một thế lực trong thế giới bóng đá, mà còn đứng trên đỉnh cao suốt 19 năm và liên tục mở rộng bộ sưu tập danh hiệu với 21 danh hiệu trong 19 năm gồm: 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 2 cúp bạc Champions League, 2 lần đăng quang Europa League, 5 League Cup, 3 FA Cup, 2 Community Shield, 1 UEFA Super Cup và 1 FIFA Club World Cup bất chấp sự cạnh tranh từ những thế lực giàu mạnh khác. Trước đó, CLB này đã mất tới 98 năm để chỉ có được 15 danh hiệu.

Tỷ phú người Nga cũng là người tiên phong trong làn sóng chuyển đổi từ ông chủ là người địa phương giàu có của bóng đá Ngoại hạng Anh, sang những ông chủ siêu giàu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng, căng thẳng Nga-Ukraine buộc tỷ phú này phải rao bán Chelsea với mức giá 3 tỷ Bảng. Thu nhập ròng từ thương vụ này có thể sẽ được chuyển cho quỹ từ thiện để chăm lo cho các nạn nhận của cuộc xung đột.

Roman Abramovich chia sẻ, đây là quyết định khó khăn và rất đau lòng khi phải chia tay Chelsea theo cách này. Ông cũng tuyên bố xóa 1,5 tỷ Bảng mà đội bóng đang nợ ông. Đây là số tiền mà vị tỷ phú này đã bơm vào CLB thông qua Fordstam Limited và Chelsea FC Plc.

Dmitry Rybolovlev - AS Monaco FC

Tỷ phú 55 tuổi Dmitry Rybolovlev hiện không nằm trong số những nhà tài phiệt Nga bị nhắm tới. (Nguồn: AFP)

AS Monaco hiện đang chơi ở Ligue 1, giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Pháp. Đội bóng này là một trong số các câu lạc bộ thi đấu tại giải của quốc gia khác và thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev. Ông mua lại Monaco từ tháng 12/2011.

Dmitry Rybolovlev từng sở hữu Uralkali – một trong những nhà sản xuất phân bón kali lớn nhất thế giới và là một trong những doanh nhân lọt vào danh sách 10 người giàu nhất nước Nga.

Năm 2021, Rybolovlev được Forbes định giá tài sản ròng khoảng 6,7 tỷ USD. Ông được chú ý là chủ sở hữu của hai câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, là AS Monaco từ Pháp và Cercle Brugge từ Bỉ.

Vào thời điểm ông chủ người Nga xuất hiện tại Monaco, CLB này đang ở giai đoạn khó khăn nhất và rất cần một nhà đầu tư.

Tỷ phú Dmitry Rybolovlev đã đầu tư hơn 100 triệu Euro vào việc mua cầu thủ. Sau quãng thời gian bết bát, nguồn tiền của ông chủ người Nga đã giúp CLB Monaco thay đổi bộ mặt, với đỉnh cao là vượt qua PSG để giành Ligue 1 mùa giải 2016-2017.

Rybolovlev từng thừa nhận, tiếp quản một CLB bóng đá khó hơn cả điều hành một gã khổng lồ như Uralkali. Rybolovlev đặt mục tiêu khá khiêm tốn cho Monaco, là có thể giành được vị trí hàng đầu ở giải vô địch quốc gia Pháp và đạt được kết quả tốt ở các giải đấu châu Âu.

“Chúng tôi không phải là Chelsea hay Real Madird và có lẽ không bao giờ trở thành một siêu câu lạc bộ để giành chức vô địch Champions League hàng năm”, Rybolovlev nói.

Rybolovlev được cho là nắm giữ 66,6% cổ phần tại Monaco nhưng lại để con gái Ekaterina đứng tên. Theo nhật báo thể thao Pháp L'Equipe, tỷ phú 55 tuổi hiện không nằm trong số những nhà tài phiệt Nga bị các lệnh trừng phạt từ châu Âu nhắm tới.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Nga cho biết, “điều đó không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không thể xảy ra ở giai đoạn sau. Tùy thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột, các biện pháp chống lại các nhà tài phiệt Nga có thể khiến họ bị cấm điều hành các công ty Pháp".

Maxim Demin - AFC Bournemouth

Maxim Demin khẳng định, ông và AFC Bournemouth không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào. (Nguồn: Reuters)

Năm 2011, AFC Bournemouth – đội bóng đến từ La Manche đang nợ ngập đầu và đứng trước nguy cơ phải rời khỏi làng bóng đá chuyên nghiệp. Đúng lúc đó, tỷ phú người Nga Maxm Demin xuất hiện và bỏ ra 850.000 Bảng để mua lại CLB, AFC Bournemouth lúc đó đang thi đấu ở giải League 1.

Bạn bè và các đối tác của Demin gọi CLB như “chiếc vali không tay cầm” và gọi việc mua lại CLB này giống như mua một đồ chơi đắt tiền.

Sau khi sở hữu AFC Bournemouth, tỷ phú người Nga đã thực hiện một cuộc cách mạng cho CLB. Trong 3 mùa giải, tỷ phú người Nga Maxm Demin đã bơm hơn 25 triệu Bảng vào CLB và tìm 1 huấn luyện viên trưởng có khả năng hiện thực hóa những tham vọng của CLB.

AFC Bournemouth bắt đầu tiến hành các phi vụ mua cầu thủ trẻ ở địa phương có tiềm năng và tập trung nâng cao thể lực cho họ.

Với đầu tư của Maxim Demin, Bournemouth thăng tiến một mạch lên Championship và giành quyền thăng hạng Premier League năm 2016. Đội bóng này có 4 năm chơi ở hạng đấu cao nhất của Anh trước khi rớt hạng năm 2020. Bournemouth hiện đang đứng thứ 3 tại Championsship mùa này và có nhiều tiềm năng được thăng hạng.

Trước lệnh trừng phạt của chính phủ Anh đối với hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga, Maxim Demin khẳng định không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào như Abramovich vì ông mang hộ chiếu Anh.

Anton Zigarevich - Botev Plovdiv

Tỷ phú bóng đá Anton Zigarevich là con trai của tỷ phú nổi tiếng người Nga Boris Zingarevich

Là con trai của tỷ phú nổi tiếng người Nga Boris Zingarevich, ông Anton Zigarevich hiện đang sở hữu Botev Plovdiv FC của Bulgaria có trụ sở tại Plovdiv, Bulgaria. Botev Plovdiv FC thi đấu tại Bulgarian Parva Liga - giải đấu hàng đầu của bóng đá Bulgaria. Tuy nhiên, ông lại được nhiều người biết đến khi là chủ sở hữu cũ của CLB bóng đá Anh Reading.

Về Reading FC, năm 2015, tỷ phú Anton mua lại CLB này với giá 25 triệu Bảng, nhưng hầu như không quan tâm đến việc quản lý và chỉ 2 năm sau đó, ông đã bán đội bóng này cho nhóm các nhà đầu tư Thái Lan với chỉ 1 Bảng, kèm theo một món nợ khổng lồ. Trong thời gian Zingarevich tiếp quản, Reading FC không có cơ hội tham dự loạt play-off lên hạng Premier League.

Tỷ phú Anton Zigarevich từng được cho là có liên quan đến một vụ gian lận tín dụng trị giá khoảng 2,5 tỷ Ruble. Tuy nhiên, vụ việc này đã khép lại vào năm 2019. Và ông vẫn là một trong những người giàu nhất ở Nga.

Theo truyền thông Bulgaria, tổng tài sản của gia đình Zingerevich khoảng hơn 1 tỷ USD vào năm 2018. Các công ty của họ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, năng lượng và xây dựng.

Người ta cũng tin rằng, Anton Zingarevich và các đối tác của ông hiện đang sở hữu khoảng 2.000 cầu thủ bóng đá trên khắp thế giới, chủ yếu đến từ châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Cách đây 2 năm, tỷ phú Zingarevich đã quyết định mua lại 99% cổ phần của Botev Plovdiv. Hiện chưa có thông tin liên quan việc ông có bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với doanh nghiệp Nga hay không.

David Traktovenko - Sydney FC

Sydney FC khẳng định, họ hoàn toàn thuộc sở hữu của các cổ đông Australia và đảm bảo, họ sẽ không phải chịu các lệnh trừng phạt do chính phủ liên bang Australia áp đặt đối với hệ thống tài chính và doanh nghiệp Nga. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài các đội bóng châu Âu, các tỷ phú Nga còn sở hữu các CLB ở các châu lục khác, như Sydney FC của Australia - một trong những quốc gia ngoài châu Âu công bố những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các cá nhân và tổ chức Nga, do chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow đang tiến hành tại Ukraine.

Sydney FC đã lọt vào tầm ngắm của ông chủ ngân hàng người Nga David Traktovenko ngay sau khi con gái Alina kết hôn với doanh nhân người Australia Scott Barlow.

Năm 2006, David Traktovenko đã mua 22% cổ phần và mở rộng sở hữu cổ phần lên đến 90% chỉ 2 năm sau đó.

Ông chủ người Nga biết chính xác phải làm gì với Sydney FC khi CLB này đang ở thời kỳ sa sút. Việc vực dậy Sydney cũng giống như việc ông từng giúp Zenit St. Petersburg trở thành CLB mạnh nhất của Nga khi còn làm giám đốc điều hành.

Thành công cũng lặp lại với Sydney FC khi CLB này lần đầu tiên vô địch giải Australia A-League và vô địch 5 lần liên tiếp sau đó.

Đầu tháng 3/2022, Sydney FC khẳng định, họ hoàn toàn thuộc sở hữu của các cổ đông người Australia và đảm bảo rằng, Sydney FC sẽ không phải chịu các lệnh trừng phạt do chính phủ liên bang Australia áp đặt đối với Nga.

Nhiều thông tin cho rằng, ông chủ ngân hàng người Nga David Traktovenko đã lặng lẽ từ bỏ quyền sở hữu CLB và để con gái là Alina và con rể Scott Barlow nắm quyền kiểm soát.

Sydney FC cũng đưa ra một tuyên bố, “Sydney FC là một công ty của Australia do các cổ đông Australia sở hữu 100%. Gia đình Barlow sở hữu 98% câu lạc bộ với 2% còn lại do gia đình Crismale và hai cổ đông người Australia khác nắm giữ. Tất cả các khoản tài trợ cho CLB được cung cấp bởi các cổ đông từ nguồn thu nhập có nguồn gốc từ Australia”.

(theo RBTH)

Minh Nhật

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/5-ong-trum-nguoi-nga-so-huu-cac-doi-bong-da-o-chau-au-179411.html