5 mục tiêu, thách thức của y tế toàn cầu trong thế kỷ 21

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các y bác sĩ đã đạt được nhiều thành tựu trong suốt chặng đường 75 năm qua, kể từ khi hình thành và tiếp tục những sứ mệnh cao cả trong tương lai.

Ngày Sức khỏe Thế giới 2023

Năm 1948, các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đảm bảo thế giới an toàn khỏi các dịch bệnh, tăng cường sức khỏe cho người dân trên thế giới.

Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO là cơ hội để nhìn lại những thành tựu sức khỏe cộng đồng trong suốt hơn 7 thập kỷ qua.

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), đây cũng là cơ hội hành động nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe hôm nay ̶và mai sau. Hãy tham gia cùng WHO vì "Sức khỏe cho mọi người" (Health for All).

Ngoài 7 sứ mệnh cao cả của WHO như đã đề cập (bao gồm mục tiêu "Sức khỏe cho mọi người", Giảm bớt những căn bệnh hiểm nghèo, Bảo vệ con người khỏi đại dịch, Hòa bình và Sức khỏe, Hướng dẫn chính sách và tiêu chuẩn y tế, Phòng bệnh nhờ Tiêm chủng, Giải quyết các thách thức về sức khỏe liên quan tới Biến đổi khí hậu), 5 mục tiêu cũng như những trọng tâm về y tế sau sẽ tiếp tục là hành trình của nhân loại ở phía trước bên cạnh những thành tựu đã đạt được:

5 mục tiêu/thách thức y tế toàn cầu trong thế kỷ 21

1. Cải thiện Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em

Một trong những thành tựu y tế cộng đồng lớn nhất trong những thập kỷ qua là Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em.

Nhờ kỹ năng của những "cô đỡ thôn bản" (người đỡ đẻ cho sản phụ), tiến bộ trong sản phụ khoa, tiêm chủng cho trẻ em cũng như kiểm soát quản lý các bệnh ở trẻ em, ngày nay, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh sống sót cao hơn bao giờ hết.

Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm xuống một nửa.

Từ năm 2000 cho tới nay, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai đã giảm một nửa trên toàn cầu. Đây là tiến bộ ấn tượng trong chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ mang thai và trẻ em cũng là một thành tựu ấn tượng của Việt Nam. Nhờ đó Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn, trở thành một trong những điểm sáng trên toàn cầu.

Hiện nay, những thách thức mới như sức khỏe tâm thần, béo phì, tác động của COVID-19 đòi hỏi những giải pháp mới.

2. Đảm bảo nguồn nhân lực y tế

Những thành tựu y tế công có được là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ nhân viên y tế trên toàn thế giới.

WHO luôn ủng hộ và sát cánh cùng đội ngũ nhân viên y tế, những người âm thầm cống hiến để thế giới trở nên khỏe mạnh và tốt đẹp hơn. Những thành tựu y khoa từ loại trừ bệnh đậu mùa đến các phương pháp điều trị mới người nhiễm HIV đều nhờ sự tận tâm của đội ngũ các y bác sĩ, điều dưỡng,...

Hình ảnh nữ hộ sinh 17 tuổi vào năm 1960 ở Afghanistan. Chương trình đào tạo "cô đỡ thôn bản" do WHO hỗ trợ giúp nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại những ngôi làng xa xôi hẻo lánh.

Nhằm tôn vinh các y bác sĩ, đặc biệt là y tá điều dưỡng trong sứ mệnh "Sức khỏe cho Mọi người", WHO đã bổ nhiệm chức danh Giám đốc điều dưỡng trong đội ngũ lãnh đạo của mình vào năm 2017.

"Chiến lược toàn cầu của WHO về nguồn nhân lực y tế đến năm 2030" đã giúp gia tăng gần 30% trong lực lượng lao động y tế toàn cầu từ năm 2016-2020.

Chiến lược của WHO nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030, đặt ra thách thức quan trọng đối với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về y tế.

3. Phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cải thiện sức khỏe tâm thần

Có sức khỏe tốt không chỉ đơn thuần là sống không bệnh tật mà còn đạt được trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội.

WHO đang nỗ lực để bảo vệ người dân trên toàn thế giới khỏi những nguy cơ dẫn tới các bệnh mạn tính thông qua lối sống lành mạnh hơn.

Tập thể dục giúp đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh không lây như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư,....(Ảnh: Tập thể dục buổi sáng ở công viên Rizal, Philippines. Nguồn ảnh: WHO / Yoshi Shimizu)

Hút thuốc, lười vận động, uống rượu và chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân dẫn tới các bệnh không lây nhiễm. Các căn bệnh như tiểu đường, ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch,... cùng những biến chứng liên quan chiếm 74% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

Những chiến lược nhằm tăng tuổi thọ cho hàng triệu người trên thế giới, giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh hơn, ví dụ như:

Chiến lược toàn cầu đầu tiên về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm vào năm 2000.
Báo cáo Y tế Thế giới đầu tiên về sức khỏe tâm thần vào năm 2001 “Hiểu biết mới, Hy vọng mới”,
Chương trình Hành động Toàn cầu về Sức khỏe Tâm thần (mhGAP) năm 2008
Sáng kiến Loại bỏ Ung thư Cổ tử cung vào năm 2018,....

4. Giải quyết tình trạng kháng kháng sinh

Tình trạng lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn mới kháng lại các loại thuốc đã biết, đe dọa những tiến bộ đã đạt được của nhân loại. Kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong hành trình nâng cao tuổi thọ và cuộc sống khỏe mạnh hơn cho người dân.

WHO đã xây dựng kế hoạch hành động toàn cầu vào năm 2015, cảnh báo thế giới về tình trạng kháng kháng sinh và vận động các quốc gia phát hiện, ngăn chặn và quản lý cuộc khủng hoảng này.

Giống như nhiều quốc gia khác, Armenia đang phải đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh - thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Armenia đang tiến hành các bước hạn chế lạm dụng kháng sinh. (Ảnh: Các bác sĩ kiểm tra phổi cho một em bé bị viêm tiểu phế quản tại phòng khám Wigmore ở Yerevan, Armenia vào ngày 8/11/2021. Nguồn ảnh: WHO / Nazik Armenakyan)

Cùng với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Thú y Thế giới, WHO đã thành lập liên minh “Một sức khỏe” (One Health) cam kết chống lại tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới.

Các cơ quan đã ký một thỏa thuận đột phá vào năm 2022 tăng cường hợp tác nhằm cân bằng bền vững và tối ưu hóa sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

5. Ứng dụng các thành tựu khoa học và đổi mới trong y tế

Những thành tựu về sức khỏe đạt được là nhờ cam kết đối với khoa học và đổi mới trong y tế.

Năm 1972, WHO thành lập Chương trình Nghiên cứu và Đào tạo Đặc biệt về Sinh sản Con người “HRP” dành riêng cho nghiên cứu về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục.

Kiểm tra cấy vi khuẩn lấy từ nước rửa họng của một bệnh nhân viêm phổi do cúm. Hầu hết các trường hợp tử vong do cúm thực tế là do biến chứng viêm phổi do vi khuẩn. Việc xác định vi khuẩn gây bệnh là cần thiết để có thể đưa ra liệu pháp kháng sinh thích hợp. (Nguồn ảnh: WHO / Eric Schwab)

Năm 1975, WHO thành lập và bắt đầu tổ chức Chương trình đặc biệt về nghiên cứu và đào tạo về các bệnh nhiệt đới “TDR”, một chương trình hợp tác khoa học toàn cầu giúp tạo điều kiện, hỗ trợ và tác động đến các nỗ lực chống lại các bệnh nghèo đói.

Thế kỷ 21 chứng kiến kỷ nguyên 4.0, WHO đảm bảo khoa học vẫn là kim chỉ nam. Năm 2019, WHO thành lập Bộ phận Khoa học mới hoạt động trên các lĩnh vực y tế công cộng.

Việc thành lập Ban Khoa học đã chứng minh là kịp thời giúp chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong việc phản ứng nhanh chóng với dữ liệu khoa học nghiêm ngặt và giúp điều phối việc phát triển và phân phối vaccine COVID-19, đặc biệt tới những quốc gia và đối tượng dễ tổn thương trên thế giới.

Ngoài ra, vào năm 2021, WHO thành lập Hội đồng Khoa học (gồm các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới) để tư vấn về công nghệ khoa học mới nổi có mức độ ưu tiên cao có thể tác động trực tiếp hoặc thúc đẩy sức khỏe toàn cầu.

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-muc-tieu-thach-thuc-cua-y-te-toan-cau-trong-the-ky-21-169230403155942788.htm