5 món ăn hiếm thấy của người Tiều ở Sài Gòn

Tuy là đặc sản nhưng mì chỉ, cháo dùng chung với lòng, trứng cá… không phải là món có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào có cộng đồng người Tiều sinh sống.

Mì chỉ cá

Mì chỉ có hình dáng giống như cọng mì, nhưng không làm từ bột mì như các loại mì khác mà là từ bột gạo, cọng nhỏ và thanh hơn. Đặc biệt, dù trụng qua nước sôi, cọng mì vẫn không bị bở mà còn cuộn chặt vào nhau như một cuộn chỉ màu trắng, mang đến cảm giác có thể nuốt vào luôn mà chẳng cần phải nhai.

Nếu các món mì khác có thể nấu chung với bất kỳ loại cá hay hải sản nào thì mì chỉ chỉ có thể nấu với cá gộc, một loại cá không nặng mùi. Có như thế, khi thưởng thức, thực khách mới có thể cảm nhận rõ vị thơm của miếng cá hòa quyện với nước lèo. Ăn món này đúng kiểu phải nêm với nước tương và một chút dấm đỏ, cũng như cho ớt sa tế ra dĩa để chấm kèm.

Cháo cá dùng chung lòng và trứng cá

Song song với món mì chỉ nổi tiếng, xe mì có thâm niên 60 năm còn sở hữu một món độc không kém là món cháo cá phong cách "Sua ga Hai" (núi và biển) phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Cụ thể tô cháo được chia làm 2 phần riêng biệt - "núi" là phần gạo nở nằm phía trên, còn "biển" là phần nước phía dưới. Cả hai nằm tách riêng chứ không trộn lẫn vào nhau. Dùng kém với tô cháo lạ này là lòng và trứng cá khá lạ. Cách ăn đúng kiểu của món này cũng là phải chấm với sa tế mới đúng điệu.

Bạn có thể thưởng thức hai món ăn này tại: Mì chỉ cá Cao Văn Lầu, 243 Cao Văn Lầu, P. 3, Q. 6. Mở cửa từ 17h - 24h hàng ngày. Giá: Mì chỉ cá (32.000 đồng/tô), Cháo cá - lòng, trứng (32.000 đồng/tô).

Hủ tiếu Hồ

Hủ tíu Hồ không chỉ có cọng bánh lạ mà phần nhân cũng khác biệt so với các loại hủ tiếu khác.

Hủ tiếu của người Hoa ở Sài Gòn có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng 2 món hủ tiếu hồ và hủ tiếu sa tế chỉ có thể tìm thấy ở các quán do người Triều Châu (Tiều) làm chủ.

Khác với các loại hủ tiếu khác, hủ tiếu Hồ có “cọng” hủ tiếu làm từ những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Ngoài ra, hủ tiếu Hồ không ăn chung với thịt heo, gà hay cá mà chỉ dùng với lòng heo khìa cùng cải chua.

Hủ tiếu sa tế nai

Đế có một tô hủ tiếu sa tế ngon đúng vị cần đến gần 20 gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Nhiều hương vị như thế lại đi kèm với thịt nai, một loại thịt có độ dai, vị ngọt và mùi dịu hơn thịt bò nên tô hủ tiếu sa tế nai quấn quýt thực khách hơn với mùi hương thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt.

Bạn có thể thưởng thức hai món hủ tiếu này tại: Hủ tiếu Triều Châu, 49 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11. Mở cửa: 6. - 10h hàng ngày. Hủ tiếu hồ (25.000 đồng/tô), hủ tiếu sa tế nai (25.000 đồng/tô).

Bánh mì phá lấu Tiều

Cùng cách gọi nhưng phá lấu của công đồng người Tiều khác hẳn món phá lâu nội tạng heo hay bò dùng chung với nước cốt dừa. Cụ thể, ngoài phá lấu lòng heo, đặc sản của người Tiều còn có thêm phá lấu chân gà, tàu hũ chiên, trứng...

Ngoài cách ăn truyền thống của món ăn này là dùng chung với cơm hoặc cháo, phá lấu Tiều còn được phá cách dùng chung với bánh mì. Thay đổi cách thưởng thức nên để khắc phục cái ngấy, ngán của món ăn nhiều dầu mỡ, người ta dùng nhiều món chua như cải chua, kim chi, củ sen... ăn kèm để giảm độ béo.

Hiện chỉ có một xe bán bánh mì phá lấu Tiều trên đường Nguyễn Trãi với thâm niên hơn 60 năm và đã qua ba thế hệ.

Địa chỉ: Phá lấu Tâm Ký, 823 Nguyễn Trãi, P. 14, Q. 5. Mở cửa: 11 - 23h30 hàng ngày. Giá: Bánh mì phá lấu (15.000 đồng/ổ), phá lấu đủ thứ (270.000 đồng/ký).

Huỳnh Hằng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/5-mon-an-hiem-thay-cua-nguoi-tieu-o-sai-gon-post90841.info