5 điểm mấu chốt thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Chia sẻ ý kiến về các giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân các chuyên gia cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt.

Trước thềm hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5 nhiều chuyên gia kinh tế đã chia sẻ những ý kiến thắng thắn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải quyết các vấn đề mấu chốt

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt nhất.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành vẫn không phù hợp với cơ chế thị trường, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp. “Trên thị trường, nhiều khi chỉ hơn kém 0,5% chi phí thôi đã đủ tạo nên sự khác biệt lớn về khả năng cạnh tranh. Trong khi đó tại Việt Nam, gánh nặng chi phí không chính thức vẫn rất lớn”, ông Thành nói.

Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì sẽ giúp xem xét ý tưởng khởi nghiệp đó có khả thi không, có trùng với các ý tưởng khác không… để tránh đi vào con đường người khác đã đi.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân. Điều này đòi hỏi một chiến lược, kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà nước và có sự tham gia của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu….

Doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều rào cản phát triển

"Cởi trói" cho DN khỏi những rào cản

Theoông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, vấn đề hoàn thiện thể chế có ý nghĩa quan trọng, cấp bách, tốc độ và trình độ phát triển của một lĩnh vực, một quốc gia chủ yếu là do thể chế quyết định.

Thể chế kinh tế thị trường ở nước ta từng bước được hoàn thiện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường ở nước ta vẫn còn những bất cập, làm phát sinh những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc sử dụng và phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả. Các loại thị trường, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ và vận hành đồng bộ. Giá một số loại dịch vụ vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tuy chiếm giữ nguồn lực lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả, thất thoát lớn, chưa làm được vai trò hỗ trợ, dẫn dắt khu vực tư nhân, thậm chí còn chèn lấn sự phát triển của khu vực này. Môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chưa hình thành được thị trường cạnh tranh ở không ít các ngành sản xuất và dịch vụ. Nền kinh tế phát triển không bền vững. Cần đánh giá đầy đủ thực trạng này để có những quyết định kịp thời và chính xác.

Ông Tuyển cũng cho rằng, thị trường lao động có sự phát triển khá nhất nhưng do chế độ tiền lương còn bất hợp lý nên không bảo đảm sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao đến các cơ quan quản lý nhà nước - các cơ quan có vai trò quyết định trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Thị trường vốn chưa phát triển, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tín dụng, chẳng những gây áp lực lên các ngân hàng thương mại mà còn rủi ro lớn. Thị trường khoa học công nghệ vẫn còn rất sơ khai…

“Trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, vẫn chưa tạo lập được thị trường cạnh tranh công bằng. Vẫn có sự phân biệt đối xử nhất định giữa 3 khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn, tiếp đến là DNNN; khu vực tư nhân rất khó tiếp cận các nguồn lực. Từ đó, vấn đề mấu chốt là phải khắc phục tình trạng này. Phải đẩy mạnh cải cách DNNN, phát triển mạnh khu vực tư nhân. Cạnh tranh sẽ thúc đẩy các thị trường phát triển”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Theo ông, cải cách DNNN không chỉ là cổ phần hóa, tuy cổ phần hóa là nội dung quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn là áp đặt kỷ luật thị trường lên hoạt động của DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả của DNNN.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cần lưu ý là kinh tế thị trường không phủ nhận DNNN, nhất là khi khu vực tư nhân còn nhỏ bé; vai trò của DNNN trong điều kiện này là thực hiện mục tiêu chính sách công mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc chưa đủ sức làm. Nhưng, theo ông Tuyển, trước khi sử dụng DNNN thực hiện mục tiêu đó, cần đặt câu hỏi: "Có cơ chế nào, lực lượng nào thực hiện tốt hơn không?"

Ông nhấn mạnh phải coi kinh tế tư nhân của Việt Nam là động lực chính. Vì vậy, bàn các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này là rất cần thiết, không thể chậm hơn.

Theo ông Đặng Đức Thành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất cho cân đối thu chi ngân sách quốc gia, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất đó là hướng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp; cả nước cần tập trung phục vụ cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Thành cho rằng trong số các nguồn vốn của quốc gia như tài nguyên, con người, đất đai, vốn huy động qua ngân hàng, qua thị trường chứng khoán…, thì nguồn vốn thu từ hoạt động của các doanh nghiệp phát triển vào ngân sách là nguồn lực có tiềm năng vô hạn. Doanh nghiệp càng phát triển số lượng và chất lượng; nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên, trong khi chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển không lớn.

“Với quy mô dân số hiện nay, so với các quốc gia tiên tiến của thế giới, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Quan trọng nhất, khi sử dụng nguồn thu thuế từ doanh nghiệp, Nhà nước không phải hoàn trả và không phải đóng phí; trong khi sử dụng các nguồn vốn khác đều phải hoàn trả và tốn phí rất cao”, ông Thanh chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính nhưng ở một vài nơi, vài bộ phận cán bộ còn chưa thông vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Như vậy, cần thiết phải phân tích rõ ràng việc “cởi trói” cho doanh nghiệp.

>> Trước thềm hội nghị Diên hồng với Thủ tướng: Doanh nghiệp lớn cũng kêu

Nguồn NDH: http://ndh.vn/5-diem-mau-chot-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-2017051503057577p4c145.news