5 điểm đáng chú ý về 'thảm họa COVID-19 cận kề' ở Indonesia

Ở thời điểm tháng 5, có cảm giác Indonesia đã vượt qua được điểm đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất. Đó là khi số ca nhiễm mới giảm một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 2. Phần lớn các khu vực vẫn duy trì giãn cách xã hội, nhưng nhiều người tin rằng nhịp sống đang dần trở lại bình thường.

Một nạn nhân xấu số chết vì COVID-19 được đưa đi an táng ở Bekasi, ngoại ô thủ đô Jakarta. Ảnh: Reuters

Nhưng chỉ hai tháng sau, Indonesia thực sự là tâm dịch ở Đông Nam Á. Quốc gia vạn đảo này ghi nhận 38.391 ca nhiễm mới trong ngày 8/7, mức kỉ lục. Trước đó một ngày, Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong kỉ lục là 1.040, lần đầu tiên vượt mốc bốn con số. Dưới đây là 5 điểm đáng chú ý về tình trạng dịch bệnh hiện nay ở Indonesia.

Diễn biến trên thực địa

Số ca mắc mới tính theo ngày lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 hôm 24/6 và chỉ có tăng, không giảm những ngày sau đó. Tình hình còn tồi tệ hơn trong vài ngày gần đây, khi Indonesia trong bốn ngày liên tiếp từ ngày 6/7 ghi nhận 30.000 ca mắc mới/ngày, mới nhất là 38.124 ca ngày 9/7.

Gia tăng lây nhiễm đã gây ra tình trạng quá tải bệnh viện ở nhiều khu vực tập trung đông dân số, nhất là trên đảo Java. Tại đây, công suất sử dụng giường bệnh ở 6 khu vực hành chính, trong đó có thủ đô Jakarta, đã vượt 80%. Cũng đã xuất hiện thông tin về tình trạng khan hiếm oxy cục bộ ở một số điểm, vùng, buộc chính phủ phải can thiệp, ưu tiên điều tiết nguồn cung oxy cho bệnh viện.

Về biện pháp phòng bệnh, chính quyền đã lường trước được xu hướng gia tăng lây nhiễm sau kỳ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào trung tuần tháng 5. Nhưng mãi đến ngày 3/7, Indonesia mới cho siết chặt các quy định hạn chế. Lúc đầu, một số chính quyền, cộng đồng địa phương phản ứng thắt chặt giãn cách xã hội. Nhưng trước làn sóng lây nhiễm bùng phát mạnh, Indonesia mới xác lập được quan điểm thống nhất từ trung ương tới địa phương trong thiết lập biện pháp phòng dịch mạnh tay hơn.

Tình hình tại Indonesia so với các nước trong khu vực

Điều này còn tùy thuộc vào tiêu chí đánh giá để phân định mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nếu lấy số ca mắc mới/ngày và thống kê theo tuần, số ca mắc ở Indonesia tăng 120% trong vài ngày gần đây, là mức tăng mạnh nhất trong nhóm ASEAN-5 gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Malaysia ghi nhận lây nhiễm tăng ở mức hai con số trong cùng thời gian này, trong khi Philippines có chiều hướng giảm, còn Thái Lan tăng với mức 60%.

Tuy nhiên, nếu tính theo quy mô dân số, Malaysia là nước chịu tác động mạnh nhất trong nhóm ASEAN-5. Theo thống kê của “Our World in Data”, Malaysia có tỉ lệ 236,48 ca mắc COVID-19/1.000.000 dân tính tại thời điểm ngày 6/7, cao hơn nhiều so với mức 114.03 ca nhiễm/1.000.000 dân ở Indonesia.

Đâu là nguyên nhân làm bùng phát lây nhiễm?

Giới quan chức chính phủ và các chuyên gia dịch tễ đều thống nhất cho rằng tụ tập đông người trong dịp lễ Eid al-Fitr vừa qua là nguyên nhân chủ yếu dẫn đền làn sóng lây nhiễm mới.

Hàng năm, người Indonesia thường duy trì thói quen trở về quê hương, bản quán để tổ chức dịp lễ đánh dấu kết thúc tháng Ramadan, họ tụ tập thành viên nhiều thế hệ trong gia đình. Chính phủ đã lường trước và ban hành lệnh cấm di chuyển có hiệu lực đến giữa tháng 5, nhưng ít nhất có hơn 1,5 triệu người vẫn phớt lờ quy định này để đoàn tụ với gia đình, người thân.

Người dân xếp hàng để nạp bình oxy tại một cửa hàng ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm lý tự thỏa mãn của cũng là một yếu tố làm tình hình trầm trọng thêm. Dữ liệu do Google cung cấp cho thấy mức độ di chuyển của người Indonesia trong vài tháng gần đây đã tăng khá mạnh so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, hoạt động di chuyển để tới nhà hàng, trung tâm mua sắm trong từ tháng 3 đến đầu tháng 7/2020 giảm 28%, nhưng chỉ giảm 9% trong cùng giai đoạn này của năm 2021, với mốc so sánh của hai mô hình này đều là từ 3/1-6/2/2020.

Biến thể Delta và vaccine tác động ra sao?

Delta, biến thể có mức lây nhiễm nhanh, cũng được cho là một nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng bùng phát dịch bệnh gần đây. Theo một nghiên cứu từ Scripps Research (Mỹ), biến thể Delta chiếm 25% số ca mắc mới ở Indonesia, cao hơn mức 19% và 14% lần lượt ở Malaysia và Thái Lan. Một quan chức chính phủ Indonesia chia sẻ giới chức nước này không tính đến khả năng một biến thể mới như Delta xuất hiện và lây lan mạnh như vậy, dẫn đến chỉ thực thi giải pháp giãn cách xã hội “lỏng”, không đủ mạnh để chặn đà lây.

Chiến dịch tiêm chủng ở Indonesia cũng chậm. Mới chỉ có khoảng hơn 5,2% dân số Indonesia được tiêm đủ hai mũi. Gần 85% vaccine được đưa vào tiêm ngừa là từ Trung Quốc.

Liệu Indonesia đã tới đỉnh dịch?

Ông Pandjaitan - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Đầu tư và Hàng hải Indonesia, đầu mối phụ trách chiến dịch ứng phó COVID-19, mới đây thừa nhận rằng chính phủ đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, với 70.000 ca nhiễm mới/ngày.

Tri Yunis Miko Wahyono, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Indonesia thậm chí còn đưa ra cảnh báo ảm đạm hơn. Theo đó, nếu tỉ lệ dương tính trên xét nghiệm vẫn duy trì ở mức 30%, chính quyền tăng năng lực xét nghiệm lên mức 400.000-500.000 lượt/ngày, số ca nhiễm mới có thể vọt lên 100.000 ca/ngày. Ông dự đoán, đỉnh dịch có thể chỉ đến sau một tuần thực thi biện pháp giãn cách xã hội khẩn cấp.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/5-diem-dang-chu-y-ve-tham-hoa-covid19-can-ke-o-indonesia-20210710091811237.htm