5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/7

(Baodautu.vn) Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/7 của các công ty chứng khoán.

TIN LIÊN QUAN

Vingroup dự chi gần 2.000 tỷ đồng trả cổ tức

Đường Ninh Hòa lập công ty con tại Singapore

1. PPC: P/E hiện tại là 7,21

CTCK BSC

Kế hoạch sản xuất kinh doanh: sản lượng điện sản xuất theo kế hoạch năm 2014 là 5.572 triệu kWh, thấp hơn 2013 là 672 triệu kWh. Sản lượng điện hợp đồng (Qc) năm 2014 được giao là 4,868 triệu kWh, thấp hơn năm 2013 là 579 triệu kWh.

Doanh thu hoạt động tài chính năm 2014 dự kiến là 424,88 tỷ đồng. Trong đó cổ tức lợi nhuận được chia là 86,97 tỷ đồng, doanh thu tài chính đầu tư dài hạn khác là 47 tỷ đồng, doanh thu đầu tư tài chính ngắn hạn là 290,91 tỷ đồng.

Các chi tiêu doanh thu, chi phí, lợi nhuận dự kiến 2014 sẽ được xây dựng, hiệu chỉnh khi giá bán điện năm 2014 được thông qua. Giá bán điện dây chuyền 1 theo công văn 11747/BCT-ĐTĐL ngày 12/12/2013 của Cục điều tiết điện lực, thì lợi nhuận sẽ bị giảm hơn so với năm 2013 (vì vốn chủ để tính lợi nhuận trong giá bán điện sẽ thu hồi dần qua khấu hao). Giá bán điện Dây chuyền 2 đàm phán cho cả phần đời còn lại của dự án (18 năm), những năm 2014 - 2015 vẫn còn khấu hao nên dự kiến lợi nhuận từ sản xuất điện sẽ rất thấp.

Ngày 22/5/2014, Công ty đã ký được hợp đồng mua bán điện năm 2013 với EVN, theo đó doanh thu điện bán cho EVN theo hợp đồng sửa đổi là 6.524,4 tỷ đồng . Chênh lệch doanh thu tính theo hợp đồng và doanh thu hạch toán trong BCTC năm 2013 là 18,24 tỷ đồng. Số chênh lệch này sẽ được hạch toán vào doanh thu trong BCTC năm 2014 và đã được đưa vào kế hoạch SXKD năm 2014.

Cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh: tính đến 30/6/2014, sản lượng điện sản xuất của PPC là 3.603 triệu kWh. Doanh thu dự kiến hơn, 3.000 tỷ đồng. Doanh thu tài chính thực hiện 5 tháng là 160,95 tỷ đồng. Trong đó cổ tức lợi nhuận được chia chưa có, doanh thu tài chính đầu tư dài hạn khác là 19,72 tỷ đồng. Doanh thu tài chính ngắn hạn là 141,23 tỷ đồng. Tính đến 31/05/2014 tỷ giá đồng yen nhật tăng hơn 7 VND/JPY so với 31/12/2013 nên lỗ chênh lệch tỷ giá 5 tháng đầu năm 2014 là 201 tỷ đồng.

Công ty dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhiệt điện Hải Phòng từ 25,9 lên 36%. Có thể xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại nhiệt điện Quảng Ninh trong khi các khoản đầu tư dài hạn khác thì giữ nguyên.

Tỷ lệ cổ tức năm 2014 dự kiến là 8%. PPC hiện đang được giao dịch với giá 20.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với P/E là 7,21.

2. JVC: Nhà đầu tư có thể theo dõi thêm JVC

CTCK MayBank KimEng

JVC công bố kết quả kinh doanh ước tính cho 6 tháng đầu năm 2014 với 300 tỷ đồng doanh thu (+24,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+195,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 tăng chủ yếu nhờ một số dự án cũ từ 2013 đã được hoàn tất và ghi nhận doanh thu trong những tháng đầu năm 2014. Lưu ý là do ảnh hưởng bởi việc cắt giảm chi tiêu công và một số dự án quốc tế tạm ngưng giải ngân, doanh thu 2013 của JVC đã giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 còn có phần doanh thu hợp nhất từ Kyoto Medial Science do JVC sở hữu 100% từ 2/5/2013.

Theo chúng tôi, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh có thể nhờ:

(1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện do giá bán tốt hơn khi công ty gia tăng đấu thầu trực tiếp và bán hàng qua dự án.

(2) Chi phí tài chính giảm do giảm nợ vay. Năm 2013, tình hình kinh doanh khó khăn khiến hàng tồn kho tăng cao (96% so với cùng kỳ năm ngoái) đã tạo áp lực dòng tiền cho JVC.

Với doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 khả quan, khả năng JVC đã giải phóng một phần lượng tồn kho. Ngoài ra, JVC còn hưởng chính sách trả chậm từ Hitachi (JVC đang là nhà phân phối độc quyền về thiết bị y tế của Hitachi tại VN).

JVC đặt kế hoạch doanh thu 2014 tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh khác trong 2014 đều khá lạc quan. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính là phân phối thiết bị y tế (chiếm xấp xỉ 60% tổng doanh thu) hiện vẫn còn là ẩn số do khách hàng chủ yếu của JVC là các đối tượng chi tiêu từ nguồn ngân sách công, trong đó 75% (307 tỷ đồng) là từ các dự án tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ. Lưu ý là trong 2013, JVC chỉ thực hiện chỉ khoảng 4% kế hoạch 300 tỷ đồng doanh thu từ các dự án. Mặc dù không loại trừ khả năng JVC có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng chúng tôi cũng lưu ý rằng rủi ro là không nhỏ.

Do vậy nhà đầu tư có thể theo dõi thêm JVC. Nếu đạt kế hoạch, EPS 2014 của JVC sẽ đạt 2.464 đồng/cổ phiếu, tương đương PE khá thấp, khoảng 6x.

3. TMP: Giao dịch với PE 4 quý gần nhất đạt 9,1x, xấp xỉ trung bình ngành

CTCK MayBank KimEng

TMP thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2013 tỷ lệ 20% và ngày GDKHQ là ngày 11/7/2014. Tỷ lệ chi trả cổ tức 20% tương ứng với lợi suất cổ tức khá hấp dẫn 9%. Cổ phiếu TMP giao dịch với PE 4 quý gần nhất (PE trailing) 9,1x, xấp xỉ trung bình ngành. Giá cổ phiếu TMP đã tăng 32% kể từ đầu năm. Điểm hạn chế khi giao dịch TMP là tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch thấp, khoảng 9% (hơn 6 triệu cổ phiếu) dẫn tới khối lượng giao dịch bình quân cũng thấp, khoảng 3.000 cổ phiếu/ngày.

Dự kiến vào ngày 5/7/2014, CTCP thủy điện Thác Mơ (TMP) sẽ khởi công nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng (tỉnh Bình Phước) với công suất 75MW, nâng công suất của TMP từ 150MW lên 225MW (+50%). Dự án nhà máy mở rộng được xây dựng bên cạnh nhà máy hiện có và sử dụng chung lưu vực và hồ chứa của nhà máy hiện có nhằm khai tác tối đa thuận lợi thủy văn và hiệu năng của hồ chứa. Do dùng chung hồ chứa và đập với nhà máy hiện có, chi phí đầu tư sẽ được tiết kiệm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.500 tỷ đồng, trong đó gồm 85% vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA (khoảng 6 tỷ Yên) và phần còn lại là vốn đối ứng của EVN.

Thời gian xây dựng dự kiến là 36 tháng; nếu thi công đúng tiến độ thì dự án sẽ được hoàn thành vào quý 3/2017. Nhà máy Thác Mơ mở rộng sau khi hoàn thành ước tính sẽ giúp tăng sản lượng thiết kế khoảng 9-10%, thấp hơn mức tăng công suất do sử dụng chung lưu vực và hồ chứa cùng nhà máy hiện có.

Trong tháng 3/2014, TMP đã ký hợp đồng với các nhà thầu, trong đó nhà thầu cung cấp và lắp lặt thiết bị cơ điện được lựa chọn là Tập đoàn Alstom (tập đoàn đa quốc gia lớn của Pháp), và nhà thầu xây dựng và kiến trúc là Liên doanh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) và CTCP xây dựng công trình ngầm. Các nhà thầu tham gia dự án đều là các công ty có uy tín, năng lực và nhiều kinh nghiệm trong thi công các công trình hạ tầng, do đó rủi ro chậm tiến độ ở dự án này theo chúng tôi là không lớn.

Trong quý I/2014, TMP ghi nhận tăng trưởng cao với doanh thu đạt 96,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng điện tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và giá bán điện bình quân tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái (do TMP bắt đầu tham gia thị trường điện cạnh tranh từ quý II/2013).

Doanh thu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí sản xuất kinh doanh chỉ tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái giúp lợi nhuận hoạt động tăng 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 32,5 tỷ đồng và lợi nhuận biên hoạt động cải thiện đáng kể lên 33,6% so với 28,1% trong quý I/2013. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái do nợ vay giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái cũng giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng 120,9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 19,5 tỷ đồng.

4. HTI: Khuyến nghị OUTPERFORM

CTCK BVSC

Hoạt động kinh doanh chính của HTI là thu phí của các phương tiện giao thông lưu thông qua trạm thu phí An Sương - An Lạc, nằm trên tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động thu phí của trạm thu phí An Sương - An Lạc bắt đầu từ năm 2005 và kéo dài đến năm 2033. Doanh thu thu phí hàng năm của HTI đạt khoảng 160 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% tổng doanh thu của Công ty.

HTI hiện đang thực hiện dự án cầu vượt tại giao lộ QL1 - Hương lộ 2 với tổng chi phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tự có của doanh nghiệp dự kiến 15% và phần còn lại là vốn vay ngân hàng. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công trong quý III/2014 và hoàn thành trong khoảng 8 tháng. HTI hiện đang đệ trình xin tăng mức phí qua trạm An Sương - An Lạc sau khi dự án hoàn thành để hoàn vốn đầu tư. Mức tăng phí mặc dù chưa được xác nhận, nhưng nếu so sánh với mức phí của các trạm thu phí khác trong khu vực và có điều kiện tương đương thì mức tăng có thể đạt khoảng 50%.

Do thuộc lĩnh vực được ưu tiên của Nhà nước đối với hoạt động thu phí đường bộ, HTI được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ưu đãi là 10% trong 15 năm, và được miễn thuế trong 4 năm kể từ năm bắt đầu có lãi (năm 2007), và được giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo. Như vậy, hiện nay HTI đang được hưởng mức thuế suất thuế TNDN là 5% và mức thuế này sẽ được duy trì đến năm 2019.

Doanh thu của HTI trong năm 2014 ước đạt khoảng 209 tỷ đồng (giảm 10% so với năm 2013) và lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 36 tỷ đồng (giảm khoảng 3%). Lợi nhuận sau thuế của HTI trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 18 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch.

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phần của HTI. HTI đang được giao dịch với mức P/E là 6,17, là mức khá thấp so với mức trung bình của các công ty trên thị trường. Hoạt động của HTI tương đối ổn định và công ty có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai khi mức tăng phí qua trạm An Sương - An Lạc được thông qua.

5. CNG: Khuyến nghị MUA

CTCK FPTS

Kế hoạch kinh doanh 2014 của CNG khá khiêm tốn với các chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2013. Đây có thể là sự thận trọng của Ban lãnh đạo Công ty trước các rủi ro như giá khí đầu vào tăng 10% mỗi năm trong khi giá khí bán ra không thể tăng tương ứng, áp lực nguồn vốn đầu tư kho chứa trạm nạp khi mở rộng thị trường cũng làm tăng chi phí khấu hao. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng lợi nhuận ròng của CNG năm 2014 sẽ tăng trưởng 26% so với năm 2013 và đạt 156 tỷ đồng, tương đương EPS forward 2014 đạt 5.789 đồng/cổ phiếu nhờ:

(1) Đối với khách hàng tiêu thụ sản phẩm khí của Công ty, trong năm 2013 Công ty đã ký kết hợp đồng với 04 khách hàng mới, các hợp đồng khí sẽ được cung cấp vào quý I/2014, các khách hàng mới sẽ là động lực cho nhu cầu tiêu thụ của Công ty. Dự báo sản lượng khí năm 2014 sẽ tăng 13% so với năm 2013 và đạt khoảng 70 triệu m3.

(2) Chi phí khấu hao sẽ bắt đầu giảm trong năm đầu tiên từ năm 2014 do CNG áp dụng chính sách khấu hao nhanh từ năm 2011. Dự báo chi phí khấu hao trong năm 2014 của CNG giảm 32% so với năm 2013 tương ứng với tổng chi phí khoảng 43 tỷ đồng trên 134 tỷ đồng khấu hao mỗi năm và năm 2015 sẽ hết khấu hao. Tuy nhiên, trong năm 2014 CNG đã và đang đầu tư thêm các tài sản mới phục vụ cho việc mở rộng công suất thiết kế nhà máy CNG và các khách hàng mới, ước tính chi phí khấu hao tăng thêm khoảng 27 tỷ đồng. Như vậy tổng chi phí khấu hao ước tính trong năm 2014 đạt 118 tỷ đồng và giảm 16 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cải thiện lợi nhuận của CNG trong năm 2014.

Cùng với PGS, CNG đã được sự chấp thuận GAS với đề xuất không tăng giá khí từ quý II/2014 (tương ứng với mức tăng 10% mỗi năm) nhằm giảm bớt áp lực do sản lượng tiêu thụ không cao trong khi một số khách hàng chuyển sang sử dụng nhiên liệu khác có giá thành rẻ hơn như than, biomass. Đây là thông tin tích cực trong năm 2014 đối với CNG, tuy nhiên về dài hạn giá bán vẫn tăng theo lộ trình 10% mỗi năm.

Với những thuận lợi trong ngắn hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ có sự phục hồi từ khách hàng có sẵn và khả năng tiếp cận các khách hàng mới tiềm năng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nhằm nhằm gia tăng sản lượng. Đây sẽ là động lực chính giúp CNG đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2014. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện khấu hao nhanh xong lợi nhuận sẽ cải thiện đáng kể, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh tổng mức đầu tư mới không cao và lợi nhuận tăng sẽ giúp CNG duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn (kế hoạch năm 2014 là 35%). Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này, giá mục tiêu trong 12 tháng tới kỳ vọng đạt 46.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E 2014F là 8 lần.

Rủi ro chính của CNG là vẫn chịu những áp lực về lộ trình tăng giá khí đầu vào và sản lượng tiêu thụ khí CNG chịu tác động lớn bởi nền kinh tế suy thoái và rủi ro của sản phẩm thay thế như biomass, than...

Chứng khoán quý III khởi đầu suôn sẻ

Tuần giao dịch đầu tiên của quý III kết thúc suôn sẻ với việc 2 chỉ số đã bứt phát khỏi ngưỡng cản tâm lý. Theo các công ty chứng khoán, các dấu hiện trên đã cho thấy xu hướng tăng trung và dài hạn của thị trường.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/5-co-phieu-can-quan-tam-ngay-77.html