5 câu chuyện về phần cứng nổi bật năm 2016

Scandal cháy nổ của Samsung Galaxy Note 7, việc loại bỏ giắc tai nghe của Apple hay chuyện Google ra mắt hàng loạt thiết bị mới... là những điểm nhấn về lĩnh vực phần cứng trong năm nay.

Galaxy Note 7 phát nổ

Một năm không may mắn với Samsung khi tạo nên một trong những thảm họa về an toàn lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động.

Chiếc smartphone Galaxy Note 7 với kiểu dáng hiện đại cùng những tính năng nổi bật, kỳ vọng trở thành sản phẩm cao cấp nhất của của công ty. Nhưng sau khi phát hành, hàng chục báo cáo về việc điện thoại quá nóng, bốc cháy hoặc thậm chí phát nổ bắt đầu xuất hiện. Samsung sau đó buộc phải thu hồi và đưa ra quyết định không mong muốn là dừng sản xuất mẫu điện thoại này.

Hiện hãng trong quá trình xây dựng lại thương hiệu của mình để chuẩn bị cho đợt ra mắt Galaxy S8 vào đầu năm 2017.

Apple loại bỏ giắc cắm tai nghe

Hãng điện thoại Mỹ luôn được biết đến là người dẫn đầu trong việc thay đổi xu hướng công nghệ trên smartphone. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dùng cũng thoải mái với sự đổi mới. Năm nay, điểm nhấn mà Apple ghi dấu trong lĩnh vực phần cứng là loại bỏ giắc cắm tai nghe 3,5mm truyền thống trên iPhone 7 và iPhone 7 Plus.

Thay vào đó, nếu muốn nghe nhạc người dùng sẽ phải sử dụng tai nghe không dây Airpod, sản phẩm từ một nhà cung cấp bên thứ ba hoặc sử dụng bộ chuyển đổi để sử dụng tai nghe cũ cắm qua cổng kết nối lightning.

Dù thiết kế liền mạch hơn, người dùng sẽ phải chi thêm tiền, cũng như khiến túi đồ của họ cồng kềnh hơn do mang thêm phụ kiện chuyển đổi.

Fitbit mua lại Pebble

Pebble là một trong những startup thành công nhất trong năm 2016, từng nổi danh với chiến dịch góp vốn kỷ lục 10 triệu USD trên Kickstarter nhờ việc phát triển các mẫu smartwatch. Sản phẩm cùng hãng từng được xem là đối thủ cạnh tranh xứng tầm với Apple Watch, thậm chí được đánh giá nổi trội hơn.

Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn về tài chính, hồi tháng 3 năm nay công ty đã phải sa thải khoảng 25% nhân viên. Theo thông tin mới nhất, Fitbit, một công ty sản xuất các thiết bị đeo thông minh (wearable) sẽ mua lại Pebble với giá từ 34 triệu USD đến 40 triệu USD.

Nhưng thứ mà Fitbit nhắm tới trong thương vụ này là công nghệ phần mềm và thương hiệu Pebble nhiều khả năng sẽ biến mất từ đây.

Google tham gia mạnh vào lĩnh vực phần cứng

Năm nay, hãng công nghệ Google để lại dấu ấn mạnh mẽ của mình trên lĩnh vực phần cứng tiêu dùng với việc đưa ra một loạt các thiết bị mới. Google Pixel là điện thoại Android mới nhất của công ty và là sản phẩm đầu tiên do hãng tự sản xuất với mục tiêu cạnh tranh với iPhone 7 và Samsung Galaxy S7. Ngoài ra, còn có Google Home, chiếc loa kiêm trung tâm điều khiển ngôi nhà thông minh, để đối đầu với Amazon Echo. Google Wi-Fi, câu trả lời của hãng trước Eero trên lĩnh vực sản xuất bộ định tuyến. Và cuối cùng là Google Daydream VR, thiết bị thực tế ảo được xem là đối thủ xứng tầm của Oculus Rift và Samsung Gear VR.

Đây không phải lần đầu tiên Google theo đuổi lĩnh vực phần cứng tiêu dùng cũng như smartphone. Năm 2012, Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD nhưng đã phải bán lỗ hai năm sau đó với giá chỉ 2,9 tỷ USD.

Snapchat sản xuất kính râm gắn camera

Không chỉ tập trung vào việc phát triển ứng dụng nhắn tin, năm nay Snapchat đã quyết định trở thành một công ty phần cứng khi nhanh chóng công bố và bán ra Snapchat Spectacles. Đây là dòng kính thời trang tích hợp camera cho phép người dùng ghi lại các đoạn video dài 10 giây và tải chúng lên Snapchat.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/5-cau-chuyen-ve-phan-cung-noi-bat-nam-2016-111181/