40 tuổi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao lâu thì được hưởng lương hưu?

Ngày 17/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tính đến ngày 31/3/2024, trên cả nước có khoảng 17,392 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,949 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,443 triệu người.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 14,244 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt là 90,168 triệu người.

Việc tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại chương trình, các chuyên gia đã trả lời hơn 80 câu hỏi đến từ các cá nhân, tổ chức. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của người lao động đó là chính sách bảo hiểm tự nguyện.

Cụ thể, một độc giả hỏi, muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đã 40 tuổi, thì phải đóng trong bao lâu mới được hưởng chế độ lương hưu. Và mức lương hưu hàng tháng tôi sẽ được hưởng là bao nhiêu?

Về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn một trong các phương thức đóng để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: hằng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn cụ thể là: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.

Về điều kiện hưởng lương hưu:

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 (năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Về mức lương hưu hằng tháng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Để có thêm thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị người lao động liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/40-tuoi-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-bao-lau-thi-duoc-huong-luong-huu-post573673.antd