40 năm qua, ca từ thay đổi như thế nào?

Nếu bạn cảm thấy 'không nghe được' một số bài hát hiện nay thì đừng vội tự nhủ 'mình đã già', bởi thực tế không phải bạn đang già đi, mà chính là các ca từ đang ngày càng trở nên đơn giản và lặp lại nhiều hơn.Tình trạng giảm dần độ phong phú của ngôn từ trong ca từ có thể bắt nguồn từ sự xơ cứng cảm xúc của các nghệ sĩ do ảnh hưởng của thời đại Internet, trong đó việc thiếu cảm xúc nhiệt thành là một lý do lớn. Những sáng tạo về ngôn từ sẽ không thể có nếu thiếu một cảm xúc thành thực được đẩy lên mức cao trào - một điều vốn dĩ rất phổ biến trong thế hệ các nhạc sĩ trước đây.

“Bao giờ cho đến ngày xưa” là tâm trạng của nhiều fan âm nhạc trung niên và cao niên hôm nay khi thừa nhận họ không thích nghe những bài hát mới bằng những bài ngày xưa. Ảnh: Guardian

Đây là một trong những điểm kết luận đáng chú ý rút ra từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports của một nhóm các nhà khoa học châu Âu hôm 28-3. Nhóm này đã phân tích hơn 12.000 bài hát tiếng Anh thuộc nhiều thể loại khác nhau như rap, country, pop, R&B và rock trong 40 năm, từ 1980 đến 2020.

Ám ảnh nhiều hơn về cá nhân

40 năm qua, ca từ cũng đang trở nên giận dữ hơn và ám ảnh nhiều hơn về cá nhân. Trong một hàm ý so sánh về chất lượng ca từ, trước khi đi vào phân tích chi tiết tình trạng ca từ đã trở nên nhàm chán hơn như thế nào, các nhà nghiên cứu chỉ ra huyền thoại ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan - người nổi tiếng vào thập niên 1960 - đã giành giải Nobel văn chương.

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về những cảm xúc được biểu đạt trong các ca từ, có bao nhiêu từ phức tạp và khác biệt đã được sử dụng và tần suất lặp lại của chúng như thế nào. “Trên toàn bộ các thể loại, ca từ có xu hướng trở nên đơn giản hơn và lặp lại nhiều hơn”, bà Eva Zangerle, tác giả nghiên cứu chính và cũng là chuyên gia khoa học máy tính tại Đại học Innsbruck (Áo) tóm lược.

Các kết quả nghiên cứu cũng xác nhận một lần nữa nghiên cứu trước đây từng chỉ ra xu thế giảm bớt những ca từ vui vẻ, lạc quan theo thời gian và tăng dần các ngôn từ biểu đạt sự giận dữ, chán ghét hay buồn chán. Ca từ trong âm nhạc cũng trở nên “ám ảnh về mình” nhiều hơn khi số từ như “me” (tôi) và “mine” (của tôi) phổ biến hơn rất nhiều.

Cũng theo bà Zangerle, số các dòng ca từ bị lặp lại tăng nhiều nhất ở thể loại rap trong các thập kỷ qua. “Nhạc rap cũng đã trở nên giận dữ nhiều hơn so với các thể loại khác”, bà nói. Ngoài ra một điểm thay đổi khác nữa của âm nhạc là “10-15 giây đầu tiên là khoảng quyết định để chúng ta có bỏ qua bài hát đó hay không”, bà Zangerle chia sẻ. Nói một cách đơn giản thì những bài hát có nhiều đoạn điệp khúc lặp lại những ca từ đơn giản có vẻ đang ngày càng phổ biến hơn.

Lười biếng và xơ cứng cảm xúc?

Âm nhạc vốn rất phổ biến trong đời sống và ca từ là thứ không thể tách rời khi chúng ta thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên mối quan hệ phức tạp giữa nội dung ca từ, sự biến đổi của nó trong nhiều thập kỷ qua, với các thể loại âm nhạc khác nhau thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Bà Eva Zangerle từ chối nên tên bất cứ một ca sĩ/nhạc sĩ nào có những ca từ đơn giản như kết quả nghiên cứu nêu. Tuy nhiên bà nhấn mạnh ca từ trong âm nhạc có thể là “tấm gương phản chiếu xã hội”, từ đó cho chúng ta thấy sự thay đổi của các giá trị văn hóa, cảm xúc và cả những mối bận tâm theo thời gian.

Bà cũng tin đây là một xu thế chung chứ không chỉ ở một số nghệ sĩ cụ thể. Nghiên cứu cho thấy mọi người thích các bài hát ngày xưa hơn. Trong đó đáng chú ý khi các fan của nhạc rock là nhóm có tần suất tìm kiếm ca từ của những bài hát cũ nhiều hơn những bài mới.

Tìm hiểu lý do cho xu hướng này, các nhà nghiên cứu cho rằng “âm nhạc lặp lại nhiều hơn được cho là trôi chảy hơn và có thể thúc đẩy thành công trong thị trường”. Nói cách khác, các nghệ sĩ thời hiện đại có lẽ đang cố gắng kiếm tiền mà không phải nỗ lực gì nhiều. Tuy nhiên cũng có những quan điểm cho rằng tình trạng giảm dần độ phong phú của ngôn từ trong ca từ có thể còn bắt nguồn từ sự xơ cứng cảm xúc của các nghệ sĩ do ảnh hưởng của thời đại internet, trong đó việc thiếu cảm xúc nhiệt thành là một lý do lớn. Những sáng tạo về ngôn từ sẽ không thể có nếu thiếu một cảm xúc thành thực được đẩy lên mức cao trào - một điều vốn dĩ rất phổ biến trong thế hệ các nhạc sĩ trước đây.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/40-nam-qua-ca-tu-thay-doi-nhu-the-nao-3969727/