4 vị trí trong nhà là ổ chứa đầy con mạt bụi

Mạt bụi rất nhỏ, sinh sôi ở nhiều vị trí trong nhà, có thể gây ra các phiền toái như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa khó kiểm soát...

Mạt bụi thường ẩn nấp ở nhiều vị trí trong gia đình, gây bệnh da liễu, hỗ hấp. Ảnh: AdobeStock.

Theo nghiên cứu của nhóm TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, hơn 90% bệnh nhân dị ứng đến khám có mẫn cảm với ít nhất một loại mạt bụi nhà.

Theo TS Duy, con mạt bụi nhà có thể gây ra dị ứng với những triệu chứng ở đường hô hấp như ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, thậm chí là lên cơn hen suyễn khi tiếp xúc với một môi trường có nhiều mạt bụi.

Một số người có triệu chứng ngứa da như nổi mày đay hoặc viêm da cơ địa, nhưng số đó thường ít hơn.

Mạt bụi nhà không giống ký sinh trùng, cũng không như con cái ghẻ đào hang trong da, hay cắn gây ngứa. Người bị ngứa, có triệu chứng dị ứng là do tiếp xúc với phân hoặc xác của con mạt bụi nhà.

“Máy lọc không khí giúp lọc bụi mịn, hóa chất có trong không khí nhưng không thể lọc được mạt bụi nhà”, bác sĩ Duy nói.

Hiệp hội Phổi (Mỹ) cũng định nghĩa mạt bụi là loài gây hại rất nhỏ, giống côn trùng, ăn tế bào da chết của con người và phát triển mạnh ở môi trường ấm áp, ẩm ướt. Ngôi nhà thường có 4 vị trí chứa nhiều mạt bụi.

Trong lúc dọn dẹp trước Tết Nguyên đán để đón năm mới, mọi người nên chú ý 4 vị trí này để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình:

Khu vực có độ ẩm cao

"Mạt bụi cần độ ẩm để tồn tại. Chúng không uống nước và hấp thụ độ ẩm từ không khí", tiến sĩ Michael Nevid, nhà dị ứng nhi khoa và nhà miễn dịch học tại National Jewish Health, cho hay.

Chúng không thể sống khi độ ẩm trong nhà luôn đạt mức dưới 50%. Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô hơn, mạt bụi có thể sẽ không phải là vấn đề đối với bạn.

Tuy nhiên, đối với vùng có khí hậu ẩm ướt, mọi người nên sử dụng máy hút ẩm để đảm bảo độ ẩm ngang mức 50%. Điều này khiến mạt bụi khó phát triển, gây hại trong nhà.

Giường ngủ

Giường ngủ là nơi trú ngụ ưa thích của mạt bụi. Vị trí này có nhiều vải mềm để ẩn náu và dễ dàng tiếp cận nguồn thức ăn chính của mạt bụi - tế bào da chết.

Tiến sĩ Nevid khuyến khích mọi người giặt vỏ gối, ga trải giường, chăn và vỏ chăn bằng nước nóng hàng tuần trong nhiệt độ lý tưởng là 55-60 độ C. Nếu không thể giặt với nước nóng, bạn cũng có thể để đồ giường trong các loại máy sấy nóng để diệt mạt bụi.

Gấu bông trên giường trẻ cũng là ổ chứa mạt bụi nếu không được vệ sinh kỹ càng. Ảnh: Clever Clinic.

Đồ chơi nhồi bông mềm cũng là nơi chứa mạt bụi. Một nghiên cứu cho thấy cho chúng vào máy sấy trong một giờ hoặc giặt trong nước pha dầu khuynh diệp cũng giúp giảm giảm số lượng mạt bụi.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể sử dụng máy lọc không khí dạng hạt để giảm thiểu các yếu tố gây dị ứng do mạt bụi trong phòng ngủ.

Thảm

Với nhiều sợi mềm và các kẽ hở, thảm là một môi trường sống phổ biến khác của mạt bụi. Tiến sĩ Nevid khuyên bạn nên tránh dùng thảm nhất có thể, đặc biệt là trong phòng ngủ. Ông cũng khuyên những người bị dị ứng với mạt bụi nên vệ sinh thảm thường xuyên bằng máy hút bụi có bộ lọc HEPA.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy thảm làm sạch thảm bằng hơi nước cũng giúp làm giảm số lượng mạt bụi hiệu quả.

Nội thất bằng vải

Theo tiến sĩ Nevid, đồ nội thất bọc nệm có thể là nơi sinh sản phổ biến khác của mạt bụi. Tuy nhiên, vật dụng này khó xử lý hơn một chút vì vỏ đệm thường không thể giặt thường xuyên bằng nhiệt độ cao.

Mọi người nên làm sạch bằng hơi nước có khả năng làm giảm mạt bụi trong đồ nội thất bằng vải. Tuy nhiên, không phải tất cả đồ nội thất bọc nệm đều có thể chịu được việc làm sạch bằng hơi nước. Trước khi tiến hành, mọi người nên kiểm tra nhãn trên đồ nội thất hoặc trang web của nhà sản xuất.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/4-vi-tri-trong-nha-la-o-chua-day-con-mat-bui-post1458534.html