4 trào lưu đẩy phim Việt vào lối mòn 'mãi không khá lên được'

Trong khi khán giả đang ngày càng đòi hỏi những tác phẩm chất lượng, sáng tạo hơn thì nhiều nhà làm phim vẫn quanh quẩn lối mòn.

1. Mua bản quyền làm lại

Sắc đẹp ngàn cân bản Việt.

Sau thành công vang dội của Em là bà nội của anh, làng phim Việt chứng kiến sự nở rộ của hàng loạt phim remake, chủ yếu là làm lại những bộ phim Hàn ăn khách. Chỉ tính những tác phẩm đã ra mắt và đang trong quá trình sản xuất năm 2017, số lượng phim Việt remake lên đến gần 10 phim.

Mua bản quyền kịch bản không có gì sai, chỉ có điều việc lạm dụng phim remake sẽ tạo sự nhàm chán, bào mòn sự sáng tạo của các biên kịch, nhà làm phim. Khán giả cũng mong muốn được xem nhiều bộ phim mới lạ, độc đáo hơn là xem lại một câu chuyện nổi tiếng quen thuộc. Việc làm phim remake cũng không hẳn đảm bảo chất lượng khi mà bài toán phá cách và tôn trọng nguyên tác thực sự "khó nhằn" ngay cả với các đạo diễn tên tuổi.

Trailer Sắc đẹp ngàn cân bản Việt

2. Phim "thập cẩm"

Bệnh viện ma của Trấn Thành và Hari Won bị nhận xét là "hổ lốn".

Để phục vụ thị hiếu khán giả, phim Việt thị trường đang có xu hướng tổng hợp nhiều yếu tố giải trí vào một tác phẩm. Không khó để tìm thấy một bộ phim Việt có đủ các yếu tố: hành động, hài, trinh thám, kinh dị, lãng mạn và cả kỳ ảo. Việc nhồi nhét nhiều tình tiết ở đủ cung bậc cảm xúc vào phim là mục đích của biên kịch để nội dung phim gay cấn hơn đồng thời vẫn đảm bảo tính giải trí.

Tuy nhiên việc này dẫn đến hậu quá là hàng loạt phim mắc lỗi rời rạc, vô lý, thiếu chiều sâu. Vì trào lưu làm phim "thập cẩm", màn ảnh Việt thiếu hụt những tác phẩm trinh thám thông minh, phim kinh dị gây ám ảnh, phim tình cảm rơi nước mắt và phim hài duyên dáng.

3. Mời sao "không liên quan" đi đóng phim

Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ mời cầu thủ, ca sĩ, người mẫu đóng phim.

Để lôi kéo sự chú ý của công chúng, các nhà làm phim không ngại mời cả các "tay ngang" là ca sĩ, người mẫu, hot teen, thậm chí cả vận động viên để đóng phim. Khi mà khả năng diễn xuất của chính các diễn viên chuyên nghiệp trong nước còn chưa đủ thuyết phục khán giả thì những sao "đá chéo sân" như thế này thực sự là "hố đen" của phim.

Phim Việt sẽ cần một thời gian nữa để giúp các nhà làm phim hiểu ra rằng diễn xuất và chất lượng kịch bản, hình ảnh mới là điều khán giả cần chứ không phải danh tiếng diễn viên.

4. Phụ thuộc diễn viên hài

Chí Phèo ngoại truyện tụ tập dàn diễn viên chuyên đóng hài, trong đó có nhiều vai phụ thừa thãi.

Phim hài nói riêng và yếu tố hài hước nói chung đang là "phao cứu cánh" của nhà làm phim Việt. Hầu như tác phẩm nào cũng phải xuất hiện một vài diễn viên hài "mua vui", các vai phụ hài hước phần lớn là nhân vật vô thưởng vô phạt, không quan trọng với mạch truyện chính.

Các trường hợp phim có dàn diễn viên chính toàn là sao hài cũng không hề hiếm. Những gương mặt như Thu Trang, Tiến Luật, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn, Phở Đặc Biệt, Cát Phượng, Hoài Linh, Trường Giang,... liên tục đắt show đóng phim. Vì đạo diễn quá phụ thuộc vào khả năng chọc cười và lượng fan sẵn có của sao nên những bộ phim "tấu hài" thường có nội dung kém chất lượng. Phim Việt còn gây khó chịu mới lạm dụng các nhân vật đồng tính, khiếm khuyết hình thể, tạo hình quái đản để gây cười.

Emily

Nguồn iOne: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/phim/vietnam/4-trao-luu-day-phim-viet-vao-loi-mon-mai-khong-kha-len-duoc-3640816.html