4 nguyên nhân khiến suối nổi tiếng ở Đà Nẵng cạn trơ đáy

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nêu những nguyên nhân khiến suối Lương cạn trơ đáy và phương án khai thác thời gian tới.

Chiều 17-5, tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin báo chí tháng 5-2024, ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng, thông tin liên quan đến việc suối Lương (thuộc rừng Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu ) cạn trơ đáy.

Sở TN-MT TP Đà Nẵng nêu 4 nguyên nhân khiến suối Lương cạn trơ

Sở TN-MT TP Đà Nẵng nêu 4 nguyên nhân khiến suối Lương cạn trơ

Theo ông Nguyễn Hồng An, có 4 nguyên nhân chính khiến suối Lương khô cạn.

Thứ nhất, suối cạn do lượng mưa từ đầu năm đến nay tại Đà Nẵng rất thấp. Số liệu ghi nhận tại trạm quan trắc suối Lương cho thấy lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4-2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,43 - 14 lần.

Thứ hai, thượng lưu suối Lương có nhiều đoạn sạt lở, bồi lấp đất đá gây cản trở dòng chảy.

Thứ ba, ở hạ lưu, người dân xây dựng ao hồ phục vụ du lịch làm thu hẹp, cản trở dòng chảy.

Cuối cùng, do các hộ trồng rừng thu hoạch keo lá tràm với trình chưa phù hợp. Việc khai thác đồng loạt rừng nhưng chậm trồng lại làm mất tác dụng duy trì mạch nước ngầm.

Suối Lương là con suối nổi tiếng tại Đà Nẵng. Bên cạnh phục vụ du lịch, dòng suối còn cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân hạ lưu

Suối Lương là con suối nổi tiếng tại Đà Nẵng. Bên cạnh phục vụ du lịch, dòng suối còn cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân hạ lưu

Nêu phương án xử lý, ông Nguyễn Hồng An cho biết trước mắt sẽ nạo vét đất đá tại suối Lương để khơi thông dòng chảy. Đồng thời sẽ rà soát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác quản lý tài nguyên nước, cát sỏi lòng suối.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, thành phố đã ban hành Chỉ thị 05/2023, giao UBND các quận, huyện rà soát, tổ chức thực hiện các vấn đề liên quan.

Đến ngày 13-4, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn đôn đốc thực hiện Chỉ thị 05 và yêu cầu tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý nghiêm, nhanh chóng đối với các hành vi vi phạm về tài nguyên nước, đặc biệt là các hành vi làm sạt lở bờ bãi sông, suối.

Cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố sẽ có giải pháp thay thế các cây keo lá tràm bằng loại cây khác phù hợp trong điều hòa khí hậu, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng tái tạo mạch nước ngầm, giảm xói mòn đất, chống sạt lở.

Về lâu dài, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).

Dự án có tuyến thoát nước chính suối Lương nằm trong nhóm các hạng mục ưu tiên đầu tư. Triển khai các phương án này sẽ cải thiện được vấn đề thất thoát nước tại suối Lương.

"Đồng thời, sẽ rà soát tổng thể, lập phương án đề xuất phê duyệt về quy mô dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực quanh suối Lương" - ông An nói.

Trước đó, như đã phản ánh, dù chưa bước vào cao điểm mùa khô nhưng suối Lương vẫn cạn trơ đáy. Có những đoạn lòng suối gần như biến mất, chỉ còn dòng chảy nhỏ với chiều rộng khoảng 20cm len qua lớp đá sỏi.

Suối Lương có tổng chiều dài khoảng hơn 15km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra biển.

Hằng năm, suối Lương cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân ở hạ lưu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, góp phần điều tiết khí hậu của Tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật.

Đây cũng là con suối phục vụ du lịch nổi tiếng tại TP Đà Nẵng.

HẢI ĐỊNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/4-nguyen-nhan-khien-suoi-noi-tieng-o-da-nang-can-tro-day-19624051717533243.htm