4 loại thực phẩm cần tránh khi bị vảy nến giúp kiểm soát bệnh

Dinh dưỡng đã được chứng minh là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến triển của bệnh vảy nến và các bệnh đi kèm.

Vảy nến là một bệnh lí viêm man tính, bệnh thường liên quan đến một số rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lí tim mạch và bệnh lí viêm ruột.

Bệnh nhân vảy nến thường có thói quen ăn uống không cân bằng hơn so với nhóm chứng, như ăn nhiều chất béo hơn và ăn ít cá hoặc chế độ ăn ít chất xơ. Những thói quen ăn uống như vậy có thể liên quan đến khởi phát và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Dinh dưỡng đã được chứng minh là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến triển của bệnh vảy nến và các bệnh đi kèm.

Thực phẩm nào nên tránh?

Chất béo bão hòa và omega-6

Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ và mỡ động vật. Chế độ ăn giàu các loại chất béo này làm nặng thêm tổn thương viêm da dạng vảy nến trên mô hình chuột thực nghiệm. Các chất béo bão hòa kích hoạt sản xuất IL-1 và IL-18 hoạt động từ đại thực bào. Sự gia tăng IL-1 thúc đẩy sự biểu hiện của CCL20 trong lớp biểu bì, dẫn đến sự tích tụ của các tế bào Th17 vào vùng da tổn thương.

Các chất béo không bão hòa dạng omega-6, đại diện là acid linoleic, có nhiều trong dầu thực vật và bơ thực vật. Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại chất béo này với bệnh vẩy nến vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong cơ thể, acid linoleic được chuyển hóa thành acid arachidonic, là tiền chất của một loạt các chất trung gian của phản ứng viêm như các prostanoid (tiêu biểu là prostaglanin E2 và thromboxane A2) và leukotriene, đây có thể là các yếu tố thúc đẩy tổn thương viêm trong bệnh vẩy nến.

Thịt đỏ chứa nhiều acid béo bão hòa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở bệnh vẩy nến. Ảnh minh họa.

Thịt đỏ chứa nhiều acid béo bão hòa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở bệnh vẩy nến. Ảnh minh họa.

Carbohydrate đơn giản

Các loại carbohydrate đơn giản (sucrose, fructose)được ghi nhận là một thực phẩm có thể kích hoạt đợt nặng lên của tổn thương vảy nến, do làm tăng nặng các stress oxy hóa và phản ứng viêm. Mô hình chuột thực nghiệm với chế độ ăn giàu fructose có nồng độ IL-17F cao hơn nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu khác trên chuột, so sánh giữa nhóm có chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate đơn (1) với nhóm chuột được nuôi theo chế độ giàu cả chất béo và carbohydrate đơn (2) cho thấy nhóm 1 tăng cân nhiều hơn, tuy nhiên đáp ứng viêm da với IMQ của nhóm 2 nhiều hơn nhóm 1. Điều này cho thấy béo phì không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến bệnh vảy nến mà chế độ ăn nhiều carbohydrate đơn cũng có vai trò quan trọng.

Thịt đỏ

Thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn) chứa nhiều acid béo bão hòa, hoạt hóa con đường IL-23 / IL-17, do đó, ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở bệnh vảy nến.

Bệnh nhân cần tuân theo tư vấn của bác sĩ. Ảnh minh họa.

Bệnh nhân cần tuân theo tư vấn của bác sĩ. Ảnh minh họa.

Rượu

Rượu, bia hay đồ uống có cồn nói chung, đã được ghi nhận một cách rõ ràng là một yếu tố kích hoạt hoặc làm nặng lên bệnh vảy nến: ethanol làm tăng sản xuất TNF-α trong bạch cầu đơn nhân/đại thực bào, và tăng sinh tế bào lympho và giải phóng histamine từ tế bào mast. Tổn thương gan do rượu có thể làm suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da và hoạt hóa sự tăng sinh của tế bào sừng. Ngoài ra, rượu có thể thúc đẩy con đường viêm thông qua Th17.

Bên cạnh đó, việc uống rượu hay nghiện rượu cũng làm giảm tuân thủ điều trị, giảm hiệu quả và tăng độc tính của các phương pháp trị liệu toàn thân. Bệnh nhân vảy nến nên tránh tối đa sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn khác.

Tóm lại, các chất béo bão hòa, thịt đỏ, carbohydrate đơn giản, hoặc rượu làm trầm trọng thêm bệnh vẩy nến và các bệnh đi kèm của nó thông qua việc kích hoạt trục TNF-α / IL-23 / IL-17, tạo các gốc oxy hóa, prostanoids / leukotrien, rối loạn sinh học đường ruột hoặc ức chếTregs.

Điều chỉnh chế độ ăn có thể góp phần quan trọng cho việc kiểm soát bệnh vảy nến, bên cạnh việc sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu. Chế độ ăn kiêng cá nhân hóa có thể được đề xuất chotừng bệnh nhân dựa trên tình trạng dinh dưỡng và tình trạng bệnh vảy nến và các bệnh đi kèm.

BS. Nguyễn Thị Hà Vinh và BSNT. Nguyễn Thị Mai Hương

(Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-loai-thuc-pham-can-tranh-khi-bi-vay-nen-giup-kiem-soat-benh-tot-hon-n189515.html