4 bà mẹ chưa hoàn hảo trên màn ảnh khiến khán giả rơi nước mắt

Dù không hoàn hảo nhưng những người mẹ trong 'Mặt Trời Mùa Đông', 'Giấc Mơ Của Mẹ', 'Người Mẹ Tồi Của Tôi' hay 'Người Mẹ' luôn chiếm được cảm tình từ khán giả.

Phim có yếu tố mẫu tử luôn là đề tài thôi thúc các nhà làm phim sản xuất ra những siêu phẩm để đời. Cùng xây dựng hình ảnh người phụ nữ yêu con vô bờ, Người Mẹ Tồi Của Tôi, Mặt Trời Mùa Đông, Giấc Mơ của MẹNgười Mẹ (Mother 2009) có cách kể chuyện khác biệt, chạm tới trái tim của mỗi khán giả.

The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi)

The Good Bad Mother (Người Mẹ Tồi Của Tôi) là bộ phim có tỉ suất người xem cao nhất làng phim ảnh Hàn Quốc hè 2023, do Shim Na Yeon chỉ đạo, người đứng sau thành công của tác phẩm trinh thám, pháp luật, tội phạm xuất sắc nhất Baeksang 2021 - Beyond Evil (Vượt Xa Tội Ác).

Kết hợp giữa chữa lành và trinh thám - pháp lý - tội phạm, phim kể về nhân vật Jin Young Soon (Ra Mi Ran đóng) là mẹ đơn thân chèo chống qua đói nghèo và nuôi con trai Kang Ho (Lee Do Hyun đóng) theo cách của một bà mẹ phản diện. Biến cố xảy ra khi công tố viên Kang Ho lạnh lùng bỗng trở thành đứa trẻ 7 tuổi sau một tai nạn, bà Young Soon bắt đầu hành trình “nuôi lại” đứa con trai.

Khó có thể cầm được nước mắt trước người mẹ này.

Người xem khó cầm được nước mắt trước khoảnh khắc bất lực nhất của người con khi suýt mất đi mẹ. Cơn phẫn nộ thầm lặng, không thể khóc hay thốt ra bất cứ một lời nào của Kang Ho chỉ có thể dùng ánh mắt phẫn uất và căm ghét thể hiện việc cậu thực sự yêu mẹ quá nhiều.

Càng xem phim, khán giả càng thấm với tựa phim Người Mẹ Tồi Của Tôi vì bộ phim theo cái hướng chưa ai từng nghĩ tới. Không chỉ là tình mẹ con đơn thuần, nó là hành trình học làm mẹ, học làm con đúng cách. Trong quá trình đó, không ai trong số họ được mô tả là người tốt cả. Một người con sống lỗi và một người mẹ tồi tệ. Dù có xấu xa, cực đoan lên đến đỉnh điểm họ mang trong mình nhân cách tốt đẹp mà chính họ cũng không hay biết. Xuất phát điểm của mỗi chúng ta đều là người tốt, chỉ là khi trưởng thành, đối diện với cuộc sống khắc nghiệt, mỗi người chọn một “vỏ bọc riêng” và không phải ai cũng giữ gìn được phẩm chất quý giá này trên cuộc hành trình sống của chính mình.

Bộ phim mang đến nhiều khoảnh khắc xúc động về tình cảm gia đình.

Mặt Trời Mùa Đông

Mặt Trời Mùa Đông hiện đang phát sóng trên VieON là một trong những dự án “làm mưa làm gió” làng phim ảnh Việt Nam thu về hơn 80 triệu lượt xem trên các nền tảng. Bộ phim tạo ấn tượng tốt khi sở hữu cốt truyện gay cấn, dàn diễn viên thực lực và đan xen nhiều câu chuyện, tuyến nhân vật được xây dựng rõ nét.

Nội dung phim "Mặt Trời Mùa Đông" khá hấp dẫn, thú vị.

Khác hẳn nhân vật mẹ của Người Mẹ Tồi Của Tôi là một người được làm mẹ lần hai, Minh Huy của Mặt Trời Mùa Đông có đến hai người mẹ. Trong Mặt Trời Mùa Đông, mối quan hệ giữa mẹ ruột Minh Huy - bà Quyên (NSƯT Mỹ Uyên đóng) và mẹ nuôi Minh Huy – bà Tư (Kiều Trinh đóng) lấy cạn nước mắt khi người có công sinh thành, người có ơn dưỡng dục. Hoàn cảnh có khác nhau nhưng bà Tư và bà Quyên cùng điểm chung là tình yêu thương con vô điều kiện. Minh Huy được gia đình nông dân nghèo nhận nuôi và thay đổi tên họ sau khi được cứu khỏi một vụ án mạng. Bà Tư dồn hết tình thương vào sự lo lắng, chăm chút từng bữa ăn giấc ngủ cho con trai. Bà Quyên chịu nỗi đau mất con trai dằn vặt suốt 20 năm.

2 người mẹ không hoàn hảo của bộ phim

Cách diễn xuất tỉ mỉ trong từng ánh mắt, tinh tế trong từng câu thoại và những dòng nước mắt từ tận tâm can của NSƯT Mỹ Uyên và diễn viên Kiều Trinh lột tả rõ nét nỗi đau của hai bà mẹ len lỏi sâu vào tâm thức mỗi người, dễ dàng khiến khán giả cảm nhận được chiều sâu cảm xúc của nhân vật.

Giấc Mơ Của Mẹ

Giấc Mơ Của Mẹ là một trong những bộ phim thành công của làng phim ảnh Việt năm 2022, thắng lớn với hai giải tại hạng phục phim truyền hình và hạng mục nam diễn viên điện ảnh, truyền hình tại lễ trao giải Mai Vàng thứ 28. Bộ phim kể về hành trình giãi bày nỗi lòng của mẹ và chặng đường học hỏi cách lắng nghe cha mẹ của con cái. Giấc Mơ Của Mẹ khéo léo lấy nước mắt của khán giả khi lồng ghép nhiều giá trị văn hóa và đặc biệt thể hiện rõ nét hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó và hi sinh tất cả vì con.

Bà Thanh đôi lúc gây ức chế vì cách thương con có phần hơi ích kỷ

Không bị đi theo lối mòn, khai thác một câu chuyện cũ kỹ, Giấc Mơ Của Mẹ kể về tình cảm gia đình mang nhiều thông điệp ý nghĩa khiến khán giả vừa khóc, vừa cười, nhẹ nhàng sâu lắng, đánh thẳng vào cảm xúc người xem. Từ góc nhìn của bà mẹ ít kiến thức học vấn sẽ khác với những người mẹ tri thức, nhân vật bà Thanh (NSND Hồng Vân đóng) chịu ảnh hưởng của dòng chảy quá khứ, của tư tưởng cũ được mặc định trong xã hội Việt Nam từ đời này sang đời khác. Cách thương con của bà chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh, ích kỷ muốn con gái phải lấy được chồng giàu, muốn con trai trở nên hoàn hảo.

Tuy nhiên nhân vật này lại lấy không ít nước mắt từ khán giả.

Chính NSND Hồng Vân không hề muốn con trẻ phải “gánh” ước mơ của cha mẹ, trước khi áp đặt hay cho con bất cứ lời khuyên nào trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên lắng nghe và hiểu con mình trước. Nữ nghệ sĩ từng tâm sự: “Thay vì áp đặt và gò ép con cái vào một khuôn khổ nhất định, cha mẹ là những người nên đưa ra định hướng và cho con mình quyền được lựa chọn. Bởi sau cùng, người tiếp tục đi xa hơn cùng con cái chính là người bạn đời của họ”.

Người Mẹ - Mother (2009)

Người Mẹ - Mother (2009) là một trong những bộ phim của xứ Kim Chi khiến khán giả quốc tế nể phục khi liên tiếp gặt hái các giải thưởng quốc tế từ giải Phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Châu Á đến giải Nữ chính xuất sắc nhất tại LHP Kim Kê – Bách Hoa. Kịch bản phim được viết riêng cho nữ diễn viên kỳ cựu Kim Hye Ja. Bà xuất sắc vào vai người mẹ, xây dựng nên tượng đài của tình mẫu tử.

"Người Mẹ" là một trong những bộ phim khai thác đề tài mẹ hay nhất của điện ảnh Hàn Quốc

Là tuyệt tác về tình mẫu tử trên màn bạc Hàn, Người Mẹ kể một người mẹ (do Kim Hye Ja thủ vai) ở một ngôi làng nông thôn đang cố gắng hết sức để chứng minh sự vô tội của đứa con trai bị tâm thần Do Joon (do Won Bin thủ vai) khi cậu bị buộc tội giết một nữ sinh trung học. Như những bà mẹ khác, bà mẹ trong Người Mẹ dạt dào yêu và đức hy sinh. Bà tìm mọi cách, chạy vạy cho này chỗ kia để tìm cách minh oan cho con trai. Thậm chí bà trở thành kẻ sát nhân - một hành động phẫn uất và tình yêu con và chỉ vì muốn bảo vệ con.

Từng thước phim len lỏi tâm trí người xem bởi tình yêu người mẹ dành cho đứa con thiệt thòi. Tưởng chừng tình phụ tử, mẫu tử luôn luôn mang ý tích cực, vì nó là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, ấy vậy tại Người Mẹ tình cảm ấy khi đi quá giới hạn bị biến thành một thứ gì đó u tối.

Người mẹ trong phim lúc nào cũng hy sinh vì con.

Ánh mắt của người mẹ trong phim, lúc nào cũng hướng về con, một ánh nhìn dại dại, vô hồn nhưng mãnh liệt và quyết đoán. Kết thúc câu truyện, bà mẹ điên cuồng nhảy theo điệu nhạc như trút bỏ mọi gánh nặng trên đôi vai nhức. Hình ảnh bà mẹ tự mình làm mất ký ức, nhảy múa trong vô thức dưới ánh chiều vàng vọt khiến người xem không khỏi đau đớn xót xa.

Phúc Minh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/4-ba-me-chua-hoan-hao-tren-man-anh-khien-khan-gia-roi-nuoc-mat-20230526121054368.htm