4.500 tỷ bảo tồn đền Hùng: Tiền 'khủng' có đem lại đúng, đẹp?

4.500 tỷ đồng là số tiền tỉnh Phú Thọ tiếp tục huy động đầu tư nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng dự kiến đến năm 2025. Điều mà người dân, các nhà nghiên cứu mong muốn sau quá trình trùng tu gìn giữ được không gian thiêng của người Việt tránh để biến dạng, mai một.

Thấp thỏm lo cho di tích

Sinh ra và lớn lên tại Đất Tổ, giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tiếu (88 tuổi, trú tại khu 8, xã Kim Đức, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vẫn một lòng say mê truyền dạy hát xoan và trao lại cho thế hệ trẻ kế cận những câu chuyện về các di tích lịch sử liên quan các vị Vua Hùng.

Đền Trù Mật (xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ) – Di tích lịch sử cấp quốc gia đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân mỏi mòn đợi trùng tu. ảnh: Mỵ Lương

Cụ Tiếu kể lại trong niềm tự hào: “Tương truyền từ thời các Vua Hùng dựng nước, khi đi tìm đất mở mang kinh đô, có lần Vua đi qua thôn Phù Đức và thôn An Thái, dừng chân nghỉ lại và truyền dạy cho dân chúng một số điệu múa, lời hát. Để tưởng nhớ đến công ơn của Người, nhân dân quanh vùng dựng ngôi miếu trên mảnh đất chỗ vua nghỉ ngơi để thờ Vua, gọi là miếu Lãi Lèn. Cứ vào tối mùng 2 tháng Giêng hằng năm, dân làng tổ chức những canh hát nghi lễ tưởng nhớ Vua thâu đêm đến sáng. Tuy nhiên, trước sự tàn phá của thời gian, của bom đạn chiến tranh, ngôi miếu ấy không còn nguyên vẹn nữa. “Trong khuôn viên miếu Lãi Lèn, khối đá ong quý hiếm và ngai thờ cổ bị mất. Không riêng tôi mà dân trong vùng đều thấy xót xa, tiếc nuối” – cụ Tiếu trầm giọng.

"Việc tu bổ tôn tạo bất cứ ngôi đình, đền nào cũng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn, làm đúng nguyên bản tránh để sai lệch di tích. Tôi chỉ mong sao sự trùng tu mang lại hiệu quả nhất định để gìn giữ được di sản quý báu cho con cháu mai sau”.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bảo (83 tuổi) - xã Kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ

Sự hình thành và thờ tự tại di tích Đình Thét (xã Kim Đức, TP.Việt Trì) cũng gắn liền với thời đại của các Vua Hùng và Kinh đô Văn Lang xưa. Theo ông Đào Cao Hưởng (67 tuổi) - thủ từ đình Thét, thành viên Ban khánh tiết đình: Ngôi đình được trùng tu năm 2015, với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. “Việc trùng tu đình Thét trước đây do không biết lợp mái khiến cứ trời mưa là dột “tứ phía”. Người dân xót xa, lo lắng thấp thỏm không yên khi nhìn thấy ngôi đình cổ kính hư hại. Ban quản lý đình Thét có tờ trình gửi các cấp và sau đó có quyết định tu sửa thay toàn bộ hoành, rui từ gỗ mỡ, xoan sang gỗ lim. Đoàn thợ dày dặn kinh nghiệm về trùng tu di tích từ Nam Định lên thi công, và ngôi đình hoàn tất khang trang. Từ đó dân chúng tôi mới yên lòng được” – ông Hưởng cho biết.

Lời giải bài toán trùng tu

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Dự kiến từ nay đến năm 2030 tỉnh sẽ huy động khoảng 4.500 tỷ đồng đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử đền Hùng.

Đình Hữu Bổ (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) sau trùng tu bị sơn vàng, sơn đỏ mất thẩm mỹ. ảnh: Mỵ Lương

Bà Tạ Thị Kim Nhung- Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: Qua khảo sát thực tế mức độ, hiện trạng của các di tích, nhiều nơi đã được tôn tạo, trùng tu như: Đình Cả, đình Đông thuộc thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao); đình Cả (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao), đình Hữu Bổ Thượng (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao)... “Với nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và ngân sách của tỉnh Phú Thọ, chính quyền địa phương đã cấp trên 8 tỷ đồng để tu bổ 15 di tích liên quan đến không gian tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trên địa bàn toàn tỉnh” – bà Nhung nói.

Theo thống kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có khoảng 50% số di tích được phục dựng (từ sau 1990), 10% di tích được tu bổ, 20% di tích đã xuống cấp, có nguy cư trở thành phế tích, và 20% di tích đã hoàn toàn trở thành phế tích hoặc biến dạng.

Cũng theo bà Nhung, kinh phí trùng tu, tôn tạo Khu di tích đền Hùng bằng nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân, trong đó chủ yếu là huy động bằng nguồn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân quyên góp được đến đâu sẽ chi sửa sang đến đó. “Tất cả di tích đã được tu bổ tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên giá trị di tích gốc. Ban quản lý đã triển khai trùng tu hoàn tất các hạng mục như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Thiên Quang, đền Giếng từ năm 2010 đến nay” – bà Nhung cho biết.

Trong thực tế, có không ít những bài học xương máu về câu chuyện về trùng tu di tích khiến các chuyên gia di sản lo lắng di tích mất dần giá trị xưa cũ. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng đó là việc nâng tầm của những di tích để cộng đồng ai cũng có trách nhiệm gìn giữ, tránh để tình trạng “không sửa thì chết dần, mà sửa rồi thì chết ngay lập tức”.

Vấn đề nhiều người lo ngại là có tiền “khủng” để trùng tu các di tích liên quan thờ cúng Hùng Vương không đồng nghĩa với việc di tích đó sẽ được chỉnh trang đúng với nguyên bản, bền đẹp vượt thời gian. Bởi việc trùng tu, tôn tạo di tích còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Họa sĩ Bùi Hoài Mai đưa ra nhận định: “Chất lượng trùng tu di tích đạt hiệu quả nằm ở chỗ những người có chuyên môn, kiến thức về di sản liệu có được tham gia vào công tác trùng tu hay không? Thực tế ở nước ngoài, như tại Nhật Bản, người dân được hưởng lợi từ việc bảo tồn di tích. Cho nên việc tư nhân hóa các di sản, cho các công ty lớn bảo trợ cũng là một giải pháp để họ có đội ngũ giám sát kịp thời, để tư nhân biết xót tiền túi của chính họ bỏ ra”.

Ông Lưu Quang Huy - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng:

Cần chiến lược dài hơi

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng đến năm 2025 nêu rõ sẽ tách giảm quy mô 185ha trên tổng số 1.030ha để xây dựng Khu du lịch dịch vụ đền Hùng. Thời gian qua UBND tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương quy hoạch nhằm hướng đến mục tiêu chính là: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích lịch sử đền Hùng; tổ chức các hạng mục công trình xây dựng mới để tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương...

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, hướng dẫn người dân làm dịch vụ du lịch và định hướng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử đền Hùng.

Ông Nguyễn Hoài Nam - hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam:

Đầu tư quá nhiều tiền là không nên

Huy động được khoảng 4.500 tỷ đồng, nếu chia bình quân kinh phí trùng tu tôn tạo di tích hiện nay vào khoảng 20 tỷ/di tích thì số tiền ấy có thể trùng tu được cho rất nhiều di tích. Thực tế hiện nay có một số nơi được dồn nhiều kinh phí vào việc trùng tu, xây mới, tuy nhiên khi hoàn thành trở nên hổ lốn, lai căng. Phú Thọ là tỉnh có mật độ di tích khá đậm đặc. Vì vậy, việc nghiên cứu đến nơi đến chốn để trùng tu di tích không phải đã làm tốt. Đơn cử như đình Hữu Bổ (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao). Sau khi trùng tu đã bị sơn vàng-đỏ toàn bộ ngôi đình, trông rất mất thẩm mỹ.

Cho nên, theo tôi việc đầu tư quá nhiều tiền cho một di tích là hoàn toàn không nên. Phải phân bổ đồng đều, hợp lý, chưa kể nguồn lực xã hội hiện nay cũng đang có hạn, có nhiều yêu cầu cấp thiết hơn thế. Chi bằng hãy trích 1 số tiền rất nhỏ, chỉ 1% hoặc thậm chí 1/1.000 số tiền đó để nghiên cứu cặn kẽ di tích, đưa ra giải pháp khoa học, phù hợp lịch sử, nêu đề xuất, từ đó mới tính đến những phương án tiếp theo.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/4500-ty-bao-ton-di-tich-den-hung-tien-khung-co-dem-lai-dung-dep-673678.html