'3K' với nhà báo viết chính luận

'Khó - khô - khổ' là đúc kết vui của các nhà báo viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trải nghiệm thực tế, đặc biệt là trong tình hình mới, áp lực đối với người làm báo viết mảng đề tài này ngày càng cao.

VAI TRÒ TIÊN PHONG

“Nhà báo phải là lực lượng tiên phong, cơ quan báo chí phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Liên. Thông qua các tác phẩm báo chí, người làm báo phải giúp người dân hiểu đúng bản chất vụ việc, sự kiện, những vấn đề nóng được dư luận quan tâm; phân biệt rõ hiện tượng cá biệt với bản chất. Đồng thời, hướng cách nhìn đúng đắn, không méo mó trong dư luận xã hội, tạo tâm lý tích cực, đẩy mạnh khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) nhận giải Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ II, năm 2022 - Ảnh:T.Thể

Theo bà Liên, ngoài trách nhiệm công dân, người làm báo còn có trách nhiệm xã hội. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm, là đạo đức của người làm báo đối với đất nước, với cộng đồng.

YÊU CẦU CAO VỀ ĐẤU TRANH

Nếu như trước đây, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thường bao hàm nhiều vấn đề mang tính chất chung chung thì nay đã khác, với những yêu cầu ngày càng cao. Đó là sự đấu tranh trực diện, rõ ràng và công khai. Mỗi vấn đề đặt ra có dẫn chứng cụ thể, chỉ rõ từng trường hợp và kiên quyết phản bác. Viết mảng đề tài này, người làm báo phải dành thời gian nghiên cứu sâu, đi thực tế nhiều, tìm ra những minh chứng sống động, có lập luận khoa học, vững chắc chứ không thể là những câu chuyện thoáng qua.

Ngoài trực diện đấu tranh, các cơ quan báo chí chú ý tăng cường thông tin tích cực, nhân tố điển hình. Phương châm lấy “xây” để “chống” rất hiệu quả. Bởi lẽ, thực tế sinh động và tích cực của cuộc sống thì không gì có thể phủ nhận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay các thế lực thù địch tấn công, xuyên tạc trên tất cả lĩnh vực, vấn đề xã hội. Cả 4 loại hình báo chí đang rất cần những bài viết chuyên sâu để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đáng mừng là hầu hết cơ quan báo chí ở nước ta đều có các chuyên đề về lĩnh vực này; tác phẩm phát hiện, cổ vũ, nhân rộng điển hình cá nhân, tập thể, địa phương về sống đẹp, sống vì mọi người, đề cao lợi ích chung ngày càng nhiều. Sức thuyết phục của cuộc đấu tranh vì thế càng tăng.

VỮNG VÀNG VÀ BẢN LĨNH

Một thực tế không thể phủ nhận, đó là đối với người viết mảng đề tài phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn đối diện với nguy cơ bị tấn công, “ném đá” hội đồng trên mạng xã hội, thậm chí cả ngoài đời thực. Đó là phản ứng của những người không đồng quan điểm hoặc bị kích động, hiểu sai vấn đề.

Biên tập viên Khánh Diễm trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang - khách mời trong chương trình Góc nhìn thẳng - Ảnh:Đ.Vĩnh

Phóng viên là những người ở ngoài ánh sáng, còn những kẻ chống phá đứng trong bóng tối. Thế nên, nhà báo phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng, cách dùng câu từ, tính toán liều lượng thông tin. Đặc biệt, chống các luận điệu xuyên tạc không nên sa vào chỉ trích cá nhân mà tập trung phân tích, đưa lập luận phản bác quan điểm, tư tưởng sai lệch. Cần phải hiểu, đấu tranh ở đây là đấu tranh về mặt quan điểm, tư tưởng, không phải bới móc đời tư cá nhân để đả kích.

Về mặt pháp lý, đã có các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước xử lý đối tượng có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, nhưng trước hết nhà báo phải tự bảo vệ bản thân bằng chính tác phẩm của mình.

SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

“Phải bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì chúng ta mới tạo được điều kiện tốt để xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiền, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những năm gần đây, không chỉ các cơ quan báo chí mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Những chỉ đạo, quan điểm, chủ trương được lên kế hoạch triển khai rất bài bản, khoa học, cụ thể. Các ban, ngành kịp thời dẫn nguồn thông tin chính xác đến với người dân thông qua các cơ quan tuyên truyền mà tiên phong là báo chí.

Không chỉ cơ quan báo chí lớn của Trung ương mà cả các cơ quan báo chí địa phương cũng vào cuộc rất mạnh mẽ, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền định kỳ, thường xuyên. “Để nâng cao chất lượng chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo in, báo điện tử, Tây Ninh đã xây dựng đội ngũ phóng viên nòng cốt có bản lĩnh chính trị vững vàng. Lãnh đạo cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ các ban, ngành liên quan hỗ trợ, cung cấp kịp thời thông tin cần thiết để các tác phẩm có đủ cơ sở pháp lý, tăng sức thuyết phục, giúp người dân nắm rõ, hiểu sâu, ủng hộ và cùng với Đảng, Nhà nước đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch” - bà Trần Thị Mỹ Linh, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh cho biết.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, để làm tốt hơn nữa, các cấp hội, cơ quan báo chí phải có chiến lược lâu dài từ đào tạo, bồi dưỡng về nhận thức, kiến thức cả tổng hợp lẫn chuyên sâu từng lĩnh vực để cho ra những tác phẩm chất lượng. Nếu chỉ lý thuyết, sách vở mà thiếu trải nghiệm, đi sâu thực tế đời sống người dân thì rất khó để có những tác phẩm đủ sức thuyết phục công chúng.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng Biên tập BPTV Nguyễn Thị Minh Nhâm chỉ đạo chương trình thời sự trực tiếp - Ảnh: Nguyễn Ngân

Tham gia Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ II năm 2022 cấp Trung ương, BPTV đoạt giải khuyến khích; cấp tỉnh, BPTV đoạt giải tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia cuộc thi; 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. BPTV cũng đoạt 1 giải khuyến khích viết về xây dựng Đảng “Búa liềm vàng” lần thứ VII năm 2022; 1 giải khuyến khích “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức năm 2022; 1 giải khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất năm 2023 thể loại chính luận...

Sau hơn 3 năm hợp nhất, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) duy trì 5 kỳ báo in/tuần, phát hành từ thứ Hai đến thứ Sáu; tờ Tin ảnh dân tộc dành cho đồng bào dân tộc thiểu số phát hành ngày 15 và 30 hằng tháng; phát sóng 19 giờ mỗi ngày trên phát thanh tần số 89,4MHz; truyền hình với 2 kênh BPTV1-HD, BPTV2 và phát lại trên truyền hình internet OTT, app BPTV Go, các hạ tầng số. BPTV có nhiều trang, mục chuyên sâu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng định kỳ trên 4 loại hình báo chí. Dung lượng tuyên truyền xây dựng Đảng khá lớn như: Chuyên mục Góc nhìn thẳng phát hành 5/5 kỳ/tuần trên báo in; hằng ngày trên báo điện tử; hằng tuần trên phát thanh, truyền hình cùng các chuyên mục: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Sự kiện và bình luận…

Khánh Diễm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145574/3k-voi-nha-bao-viet-chinh-luan